Chiến sự Nga- Ukraine: Kế hoạch hoà bình của Trung Quốc có khả thi?
Giới chuyên gia nhận định, bản kế hoạch hòa bình 12 điểm của Trung Quốc đóng góp nhiều ý tưởng cho việc ổn định tình hình tại Ukraine.
>>Chiến sự Nga- Ukraine: Hé lộ "đối sách" của Trung Quốc
Trong bài viết của mình trên SCMP, ông Dan Pototsky, chuyên gia tư vấn tại Trung tâm Đổi mới của Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế (RAS), ở Moscow, Nga đánh giá, mặc dù các điều khoản trong bản kế hoạch hòa bình 12 điểm của Trung Quốc có vẻ khá chung chung, nhưng xét về khía cạnh kinh tế, bản kế hoạch của Trung Quốc rất đáng để xem xét.
Cụ thể, vào năm 2022, khi chiến sự Nga- Ukraine nổ ra, EU, Mỹ và các đồng minh đã tính toán sai tác động của các biện pháp trừng phạt chưa từng có tiền lệ mà họ áp đặt lên Nga. Mặc dù Nga chỉ chiếm khoảng 2% tổng sản phẩm quốc nội thế giới, nhưng đây là nước xuất khẩu lớn các nguyên liệu thô cho các ngành công nghiệp toàn cầu.
"Các biện pháp trừng phạt đẩy Nga về phía Đông, với việc Trung Quốc trở thành một đối tác kinh tế lớn của quốc gia này. Trong khi đó, Liên minh châu Âu rơi vào khủng hoảng năng lượng và phụ thuộc vào khí đốt của Mỹ", ông Pototsky nói. Các công ty châu Âu, bao gồm các nhà sản xuất thép và hóa chất, đã chuyển hoạt động sang Mỹ, do bị thu hút bởi giá năng lượng ổn định và các ưu đãi về thuế. Nhưng Mỹ không thực sự ở vị trí có thể giúp đỡ EU khi khối này đang gặp khủng hoảng nợ.
Ông Pototsky đánh giá, Trung Quốc là tác nhân kinh tế toàn cầu duy nhất hiện nay có thể mang lại lợi ích cho tất cả các bên trong cuộc xung đột ở Ukraine và cho hầu hết phần còn lại của thế giới khi sở hữu đòn bẩy kinh tế để thúc đẩy cả Nga và Ukraine.
Mặc dù kế hoạch hòa bình của Trung Quốc nhận được nhiều ý kiến trái chiều, nhưng điều đáng chú ý là ba điểm trong báo cáo lập trường do Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố đề cập đến các mục tiêu kinh tế rõ ràng: tạo thuận lợi cho xuất khẩu ngũ cốc, ngừng các lệnh trừng phạt đơn phương và giữ ổn định chuỗi cung ứng và công nghiệp.
Trung Quốc tuyên bố ủng hộ Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen do Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Liên Hợp Quốc ký kết, đồng thời nhấn mạnh sáng kiến hợp tác của riêng mình về an ninh lương thực toàn cầu như một giải pháp khả thi cho cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.
>>G7 đồng thuận đối phó với Nga và Trung Quốc
Tuy đây là một tuyên bố mang tính chính trị nhiều hơn, nhưng việc hợp tác lương thực có thể giúp giảm giá lương thực ở Trung Quốc và Châu Âu, đồng thời giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực ở Châu Phi – nơi Châu Âu, Trung Quốc và Nga có lợi ích chiến lược. Điều quan trọng nữa là đưa đầu tư trở lại Ukraine, nơi Trung Quốc là nước nắm giữ nhiều đất nông nghiệp.
Liên quan đến chuỗi cung ứng, bản kế hoạch cho biết: “Cần có những nỗ lực chung để giảm thiểu tác động lan tỏa của cuộc khủng hoảng và ngăn không cho nó phá vỡ sự hợp tác quốc tế về năng lượng, tài chính, thương mại thực phẩm và vận tải; cũng như phá hoại sự phục hồi kinh tế toàn cầu”. Chẳng hạn, những nỗ lực như vậy sẽ mang lại cho EU cơ hội xây dựng lại hệ thống năng lượng của mình mà không chịu áp lực từ Mỹ.
Khi kêu gọi dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đơn phương, lập trường của Trung Quốc là các quốc gia riêng lẻ nên ngừng lạm dụng các biện pháp trừng phạt, vì các biện pháp này gây thêm áp lực lên nền kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng đến các quốc gia không liên quan đến cuộc xung đột. Nếu chuỗi cung ứng được ổn định, sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc cũng sẽ thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu.
Đối với Nga và Ukraine, một giải pháp hòa bình sẽ chấm dứt thương vong. Mặc dù không ai mong đợi các biện pháp trừng phạt đối với Nga sẽ được dỡ bỏ hoàn toàn trong trường hợp hòa bình, nhưng việc nới lỏng một phần có thể đồng nghĩa với việc có khả năng hàng nhập khẩu công nghệ cao từ EU sẽ trở lại Nga. Sự hồi sinh của nền kinh tế Ukraine cũng sẽ mang lại lợi ích cho phần còn lại của thế giới.
Tuy nhiên, đề xuất hòa bình của Trung Quốc không giải quyết được cốt lõi của cuộc xung đột ở Ukraine; nó cũng không giải quyết những mâu thuẫn trong nền kinh tế toàn cầu.
Có thể bạn quan tâm
Thượng đỉnh G7 tạo "dư chấn" mạnh với Trung Quốc và Nga
04:30, 23/05/2023
Trung Quốc “cô đơn” vì tham vọng độc chiếm Biển Đông
04:00, 23/05/2023
Trung Quốc mạo hiểm "đặt cược" ở Afghnistan
04:00, 23/05/2023
Chiến sự Nga - Ukraine: Thách thức tham vọng của Trung Quốc
03:30, 20/05/2023
Trung Quốc "đe dọa" sự đoàn kết của G7
03:30, 21/05/2023