Trung Quốc “cô đơn” vì tham vọng độc chiếm Biển Đông

SÔNG HÀN 23/05/2023 04:00

Vấn đề Biển Đông luôn “nóng” không chỉ riêng với các quốc gia có chủ quyền tại đây mà còn là vấn đề được cộng đồng quốc tế quan tâm. 

>>Giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo trên Biển Đông

Trung Quốc không ngừng tiến xuống Biển Đông

Trung Quốc coi Biển Đông là một cửa ngõ thuận lợi để bành trướng xuống phía Nam với ý đồ biến đất nước của họ vốn là một đại lục trở thành một quốc gia có cả biển đảo. Tiến xuống Biển Đông, Trung Quốc có nhiều ý đồ: về cả kinh tế, thương mại, hàng hải, tài nguyên, nhiên liệu, nhất là dầu mỏ, khí đốt (nguồn máu nuôi sống nền kinh tế của Trung Quốc), các quần đảo như Hoàng Sa, Trường Sa, các bãi đá ngầm thuộc chủ quyền của nhiều nước Đông Nam Á, thậm chí cả các mưu đồ về an ninh, quốc phòng, đối ngoại và chính trị..., nhất là vào đúng lúc Mỹ đang có chủ trương xoay trục sang khu vực châu Á- Thái Bình Dương trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Tàu khảo sát Hải Dương địa chất 08 của Trung Quốc. Ảnh: SCHOTTEL

Tàu khảo sát Hải Dương địa chất 08 của Trung Quốc. Ảnh: SCHOTTEL

Một bước đi quan trọng của Trung Quốc dẫn đến việc gia tăng sử dụng các biện pháp phi quân sự, bao gồm các cải cách quân sự của Chủ tịch Tập Cận Bình để tạo ra một cơ chế Trung Quốc trực tiếp kiểm soát PLA; thành lập Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược (SSF) – cơ quan giám sát chiến tranh mạng và điện tử, chiến tranh tâm lý và nhận thức; và đặt lực lượng hải cảnh (CCG) dưới sự chỉ huy của Quân ủy Trung ương – cơ quan lãnh đạo cao nhất của quân đội Trung Quốc.

Trung Quốc đã cố gắng thay đổi nguyên trạng thông qua các xung đột cường độ thấp trong lĩnh vực hàng hải. Để tránh chiến tranh và tạo thế trận có lợi, Trung Quốc sử dụng Hải quân PLA như một lực lượng răn đe, đồng thời sử dụng cơ quan thực thi pháp luật của lực lượng hải cảnh và lực lượng dân quân biển để quản lý cường độ tranh chấp để không dẫn đến xung đột vũ trang, trái lại gây áp lực lên đối phương, từ đó từng bước mở rộng quyền và lợi ích của Trung Quốc.

Hồi giữa tháng 5 mới đây, tàu nghiên cứu Hướng Dương Hồng 10 với sự hộ tống của hai tàu Hải cảnh 4303 và 5303 cùng một số tàu dân quân biển đã đi vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam (EEZ). Cụ thể, nhóm tàu này đã đi vào lô 4-03 và hướng về phía lô 5-01b, 5-01c – nơi có mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt. Hoặc, theo SCMP cuối tháng 4 đưa tin, Trung Quốc đã mở một nhà hàng lẩu trên đảo Phú Lâm, một phần của quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đây là một trong những đảo lớn nhất trong các đảo của quần đảo Hoàng Sa…v..v.

Cần nhấn mạnh một lần nữa rằng cả Việt Nam cả Trung Quốc đều là thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Mà theo UNCLOS, bất kỳ hoạt động nghiên cứu, khảo sát nào trong EEZ đều phải được quốc gia ven biển cho phép.

Dĩ nhiên, những hành động này được Việt Nam phản đối tức khắc. Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định: “Một lần nữa, Bộ Ngoại giao khẳng định chủ quyền của Việt Nam với các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, phản đối mọi hành vi xâm phạm các quyền liên quan và cho biết các cơ quan đang triển khai các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam”. 

>>Bác bỏ quan điểm phi lý đối với các vùng biển, đảo, quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam

>>Quy chế pháp lý quốc tế đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa

Trung Quốc “cô đơn” trên trường quốc tế

Trong tuyên bố chung được công bố ngày 20/5 sau Hội nghị thượng đỉnh tại Hiroshima - Nhật Bản, các lãnh đạo G7 cho hay họ quan ngại sâu sắc về tình hình ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Các lãnh đạo G7 “phản đối mạnh mẽ bất cứ hành động đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc biện pháp cưỡng ép”.

Song song, tại Hội nghị Quan chức Cao cấp ASEAN – Trung Quốc lần thứ 20 về thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông (SOM DOC), các quốc gia cũng chia sẻ quan ngại về một số diễn biến phức tạp trên Biển Đông thời gian qua, gây xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia ven Biển Đông.

Tàu chiến Trung Quốc diễn tập trên Biển Đông

Tàu chiến Trung Quốc diễn tập trên Biển Đông

Đồng thời, nhấn mạnh ASEAN và Trung Quốc càng cần thực hiện DOC nghiêm túc, hiệu quả và đầy đủ tất cả các điều khoản của DOC. Trong đó, đặc biệt là tôn trọng các nguyên tắc như thực hiện kiềm chế, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.

Đáng chú ý, trong vấn đề này chúng ta không thể không nhắc đến chính sách đối ngoại của Mỹ. Thách thức từ Trung Quốc đã trở thành một trụ cột trong kế hoạch chính sách đối ngoại của Mỹ và được thể hiện rõ ràng qua các thông báo chính thức, các tài liệu chính sách cũng như mối quan hệ với các đồng minh chủ chốt.

Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Biden đã tập trung vào việc thúc đẩy các nền dân chủ đối phó với Trung Quốc qua việc làm hồi sinh nhóm an ninh Quad. Rồi, trong tuyên bố chung Mỹ - Nhật cũng nhắm đến sự “cưỡng ép và hành vi bắt nạt” của Trung Quốc ở Ấn Độ - Thái Binh Dương.

Chuyên gia Pháp Vale’rie Niquet từng khẳng định: “Chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông hay biển Hoa Đông không chỉ bị các nước láng giềng của Bắc Kinh là Việt Nam, Philippines, Nhật Bản... phản đối mà cả cộng đồng quốc tế đều bày tỏ thái độ như vậy, bởi vì Trung Quốc chỉ đơn thuần giải thích các tuyên bố chủ quyền của họ bằng nguyên nhân lịch sử. Nếu như vậy, thì Hy Lạp cũng có thể đòi chủ quyền trên toàn bộ biển Địa Trung Hải. Hơn nữa, những tuyên bố khá mới mẻ đó của Trung Quốc lại không xác định được một cách rõ ràng như Philippines, Việt Nam và các nước khác yêu cầu...”.

Có thể nói, Biển Đông, trong đó có một phần thuộc chủ quyền của Việt Nam, một phần là tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới. Đó là nơi không phải thuộc sở hữu của riêng Trung Quốc, mà nước này muốn làm gì thì làm. Do đó, việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở vùng biển này không chỉ là lợi ích và trách nhiệm chung của ASEAN và Trung Quốc, mà còn thể hiện trách nhiệm của hai bên đối với cộng đồng quốc tế.

Với những hành động ngang ngược thể hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông, sẽ không có gì ngạc nhiên khi thời gian gần đây, các nước liên tục đưa ra các tuyên bố bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Cộng đồng quốc tế cũng luôn theo dõi chặt chẽ chính sách an ninh và xu hướng quân sự của Trung Quốc. 

Thế nhưng, để đối phó với một Trung Quốc ngang ngược, cần sự đoàn kết các quốc gia, và cần hơn nữa là sự thực thi công lý. Và sẽ không quá khi nói Trung Quốc đang “cô đơn” trên trường quốc tế chỉ vì tham vọng độc chiếm Biển Đông.

Cuối cùng, xin được dẫn lời của Đại sứ Vũ Hồ: “Các nước cần phát huy “nói đi đôi với làm”, biến các cam kết chính trị thành các hành động cụ thể, phù hợp trên thực địa. Cần lấy các quy định của luật pháp quốc tế và UNCLOS làm “kim chỉ nam” cho các hoạt động trên Biển Đông”.

Có thể bạn quan tâm

  • Biển Đông trong chiến lược Quy hoạch điện VIII

    05:00, 21/05/2023

  • An ninh hàng hải thế giới và khu vực Biển Đông: Bài 3 - Khuyến nghị đối với Việt Nam

    04:00, 24/12/2022

  • An ninh hàng hải thế giới và khu vực Biển Đông: Bài 2 - Giải pháp nào?

    03:00, 19/12/2022

  • An ninh hàng hải thế giới và khu vực Biển Đông: Bài 1 - Những thách thức

    03:00, 16/12/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Trung Quốc “cô đơn” vì tham vọng độc chiếm Biển Đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO