Trung Quốc đã bước vào mặt trận khó nhằn nhất trong chiến sự Nga - Ukraine. Trung Quốc sẽ hưởng thành quả rất ngọt ngào nếu mọi chuyện đi đúng quỹ đạo hoạch định.
>>Châu Âu “đi đêm” với Trung Quốc?
Phản ứng của Trung Quốc với chiến sự Nga - Ukraine là một loạt các diễn biến rất đáng quan tâm, thể hiện phương sách mà một quốc gia có cơ hội leo lên chủ trì giải quyết các vấn đề lớn - một cách dè dặt, thận trọng nhưng cũng đầy nghệ thuật.
Ngày 21/4, phát ngôn của Đại sứ Trung Quốc tại Pháp, ông Lu Shaye, nói rằng: “Crimea có phải là một phần của Ukraine hay không tùy thuộc vào cách nhìn nhận vấn đề” và “các quốc gia thuộc Liên Xô cũ không có tư cách pháp lý hiệu quả trong luật pháp quốc tế”. Quan điểm này bị phản ứng dữ dội ở châu Âu.
Một số người tỏ ra ngạc nhiên, một số nghi ngờ những nhận xét của Đại sứ Trung Quốc được sử dụng để thăm dò xem châu Âu sẽ phản ứng thế nào nếu Trung Quốc thu xếp khủng hoảng Nga - Ukraine theo hướng loại trừ.
Ngay sau đó, Ngoại trưởng Trung Quốc, Tần Cương đã đến thăm Đức, Pháp, và Na Uy và trong tuần này đặc phái viên của Trung Quốc về vấn đề Ukraine đến Kiev, Ba Lan, Pháp, Đức và Nga để thảo luận về một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng.
Bắc Kinh có 1 năm để quan sát, thu thập và phân tích quỹ đạo chiến sự Nga- Ukraine, các nhà nghiên cứu địa chính trị hàng đầu của nước này chuyển từ suy nghĩ chiến sự Nga - Ukraine kết thúc sớm, ít tác động, đến kết luận Trung Quốc có thể hưởng lợi nếu cuộc chiến kéo dài.
Xuất phát từ vị trí trung lập, đầu năm 2023 Trung Quốc chính thức thể hiện vai trò “nhà kiến tạo hòa bình”, “nhà hoạch định quy tắc cho trật tự quốc tế mới nổi” với bản kế hoạch 12 điểm và Sáng kiến An ninh toàn cầu.
Các phân tích về cuộc chiến liên tục xuất hiện trên truyền thông Trung Quốc, đặc biệt là lo ngại các bên sử dụng vũ khí hạt nhân, viễn cảnh Nga thua cuộc. Trong lần tiếp đón Thủ tướng Đức Olaf Scholz, ông Tập Cận Bình nói: “cộng đồng quốc tế nên phản đối việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân”.
Những đánh giá này đã khiến Bắc Kinh thay đổi cách tiếp cận đối với cuộc xung đột ở Ukraine. Trong khi trước đây vẫn đứng ngoài cuộc, Trung Quốc đã bước vào đấu trường khó khăn hơn rất nhiều - chủ động khởi xướng đàm phán ngoại giao.
Song song, Bắc Kinh đã thu xếp để Saudi Arabia và Iran khôi phục quan hệ ngoại giao. Teheran và Ryadh đều thống nhất một điểm: Bước đột phá này đạt được là nhờ “sáng kiến cao cả” của ông Tập và đại diện cho thành công đầu tiên của Sáng kiến An ninh Toàn cầu được công bố trước đó 1 tháng.
>>Chiến sự Nga - Ukraine làm biến đổi châu Âu
Điều đó giúp minh chứng cho khả năng của Trung Quốc, gây chú ý đáng kể với các nhà lãnh đạo ở châu Âu. Không quá ngạc nhiên khi hàng loạt chính khách như Tổng thống Pháp, Thủ tướng Tây Ban Nha, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Cao ủy phụ trách Chính sách Đối ngoại EU lần lượt đến gặp ông Tập Cận Bình Bắc Kinh.
Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực của mình bằng cuộc điện đàm với Tổng thống ở Ukraine sau phát biểu dậy sóng của Đại sứ Lu Shaye. Vào đầu tháng 3, ông Tập đã tiếp đón Tổng thống Belarus Aleksandr Lukashenko, và sau đó đích thân tới Moscow hội đàm với Tổng thống Putin.
Vào cuối tháng 3 và tháng 4, ông Tập đã gặp trực tiếp một số nhà lãnh đạo thế giới để thảo luận về Ukraine, tìm cách thu hút không chỉ tiếng nói của châu Âu mà còn tìm kiếm sự ủng hộ của các nước đang phát triển chủ chốt như Ấn Độ, Brazil, Nam Phi.
Người Mỹ tiếp tục viện trợ cho Ukraine duy trì cuộc chiến với Nga, trong khi Trung Quốc đang vào vai trọng tài hòa giải. Dù tiếp cận ở góc độ nào thì các cường quốc vẫn đảm bảo lợi ích căn bản của mình. Đó mới là thứ đáng sợ nhất trong mỗi cuộc chiến tranh giải quyết xung đột địa chính trị.
Có thể bạn quan tâm
Trung Quốc gặp thách thức nào thúc đẩy hòa đàm Nga - Ukraine?
14:34, 15/05/2023
Trung Quốc sẽ phải làm gì để giành lại niềm tin của châu Âu?
03:30, 14/05/2023
Trung Quốc tăng cường xích lại gần châu Âu
03:30, 13/05/2023
Chiến sự Nga - Ukraine: Được - mất của Trung Quốc trong các kịch bản
04:00, 11/05/2023