Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (Kỳ I): Kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc
Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPEF) là một bộ phận trong chiến lược tổng thể Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ nhằm cạnh tranh và kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Khuôn khổ IPEF bao gồm 14 nước thành viên bao trùm khoảng 40% GDP và 60% dân số toàn cầu.
>> IPEF: Tham vọng kết nối Âu - Á của Mỹ
Thúc đẩy mang tính địa chính trị
IPEF được cho là phản ứng của Mỹ nhằm đáp lại việc Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng của mình ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, như Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), Trung Quốc gia nhập RCEP, đệ đơn gia nhập cả CPTPP…
Ấn Độ - Thái Bình Dương không chỉ là khu vực có tầm quan trọng về địa chính trị và kinh tế mà còn là khu vực gần với Trung Quốc và có lịch sử quan hệ lâu dài với Trung Quốc.
Xét về mặt kinh tế, Ấn Độ - Thái Bình Dương có một vị trí không nhỏ đối với Mỹ. Thương mại với khu vực này tạo ra khoảng 3 triệu việc làm tại Mỹ, và là nguồn cung tới 900 tỷ USD FDI vào Mỹ trong năm 2020. Ở chiều FDI của Mỹ vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2000 là 207 tỷ USD, tăng nhanh chóng lên mức 957,47 tỷ USD vào năm 2021 trong tổng FDI của Mỹ trên toàn cầu là 6,49 nghìn tỷ USD cùng năm.
Trong khi Trung Quốc có nhiều bước tiến mở rộng ảnh hưởng trong khu vực thì Mỹ vẫn chưa đưa ra được những kế hoạch cụ thể để đáp lại. Chính quyền Biden đề xuất IPEF trong bối cảnh Mỹ không thể tiếp tục đứng ngoài một khu vực mà kinh tế, thương mại càng lúc càng được kết nối với CPTPP hay RCEP… Nhà Trắng ý thức được rằng, củng cố hiện diện của Hoa Kỳ tại châu Á-Thái Bình Dương về mặt an ninh không thôi chưa đủ, mà cần phải bổ sung thêm bằng những cam kết kinh tế mạnh mẽ hơn.
Không phải là FTA
Cuộc họp đầu tiên của các Bộ trưởng IPEF vào năm 2022 ở Los Angeles, Mỹ đã công bố với thế giới bốn trụ cột của IPEF. Đó là kết nối nền kinh tế qua thương mại số với tiêu chuẩn và luật lệ cao hơn, chẳng hạn như tiêu chuẩn và qui tắc đối với dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới; Sức chống chịu của nền kinh tế dựa vào chuỗi cung ứng an toàn có sức chống chịu cao trước những cú sốc như đại dịch; Nền kinh tế sạch nhằm vào các dự án và cam kết năng lượng xanh; Nền kinh tế công bằng bao gồm việc phối hợp chính sách thuế và chống tham nhũng, rửa tiền.
Như vậy, khác hẳn với các hiệp định kinh tế khu vực trước đây, IPEF không đề cập đến sự liên kết về thị trường, có nghĩa là cắt giảm thuế của nhau và quyền tiếp cận thị trường của nhau không hạn chế.
IPEF không đề cập đến việc các thành viên có quyền tiếp cận thị trường Mỹ không giới hạn như trong các FTA truyền thống. Chính quyền Biden cho rằng các FTAs trước đây giúp các công ty đa quốc gia kiếm được lợi nhuận khi chuyển hoạt động sang những quốc gia có giá lao động rẻ, nhưng Mỹ phải trả giá đắt bằng mất việc làm, trong khi việc bảo vệ môi trường và điều kiện lao động lại kém đi. Hơn nữa, Mỹ đang trong tình trạng nhập siêu từ ASEAN nên không vội mở cửa thị trường thêm nữa, ít nhất trong thập kỷ tới…
>> Cơ hội nào từ chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương?
Liên kết hay hợp tác nửa vời?
Nhìn vào các trụ cột có thể thấy mục đích chủ yếu mà Mỹ kỳ vọng ở IPEF nhằm tạo ra nơi triển khai lại chuỗi cung ứng toàn cầu sao cho chúng an toàn hơn, có sức chống chịu lớn hơn đối với các cú sốc. Nghĩa là, trụ cột thứ hai là quan trọng nhất.
Xung đột kinh tế, thương mại với Trung Quốc và đại dịch COVID-19 cho thấy rằng Mỹ và đồng minh không thể để các chuỗi cung ứng tập trung vào một nơi như Trung Quốc. Do đó, thiết lập một vùng địa lý thích hợp để di dời các chuỗi khỏi Trung Quốc là cấp thiết. Về mặt địa chính trị, việc này cũng đồng nghĩa với việc Mỹ phải thiết lập ảnh hưởng của mình ở khu vực này để cạnh tranh với Trung Quốc theo nghĩa thiết lập một vùng, một cuộc chơi, trong đó Mỹ là người làm luật chứ không phải Trung Quốc.
Đi cùng với việc tái phân bố lại chuỗi thì phải có liên kết thương mại. Và trong thời đại mới, thương mại số là xu hướng không thể tránh khỏi. Nói cách khác, trụ cột thứ nhất về thương mại là phần bổ sung tất yếu cho trụ cột thứ hai về chuỗi cung ứng. Các trụ cột còn lại về cơ bản nhằm thu hút sự quan tâm của các nền kinh tế thành viên ASEAN có trình độ phát triển thấp hơn trong IPEF. Đồng thời, thông qua sự hợp tác ở hai trụ cột còn lại này, Mỹ sẽ đặt ra các luật lệ và tiêu chuẩn cho phát triển bền vững trên toàn cầu.
Có thể thấy, để thiết lập một vùng địa lý chủ yếu để phân bố lại và/hay phân tán các chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc thì không nhất thiết phải dùng đến FTA mà chỉ cần những thỏa thuận hợp tác mang tính cục bộ là đủ.
Chẳng hạn, việc tham giá IPEF không đụng chạm nhiều đến các vấn đề hay khía cạnh thể chế chính trị và/hay kinh tế của nước thành viên. Nó cũng không đòi hỏi một nước thành viên là phải tham gia tất cả hay đầy đủ cả bốn trụ cột mà có thể lựa chọn một hay vài trụ cột mà họ thấy thích hợp. Điều này hoàn toàn khác biệt với FTA đòi hỏi mọi thành viên tham gia phải đảm bảo mọi điều kiện như nhau một cách bắt buộc. Việt Nam được cho là quan tâm nhiều đến trụ cột hai và ba để hướng đến sự cải thiện vị trí trong các chuỗi cung ứng toàn cầu và phát triển năng lượng sạch.
Kỳ II: Tác động đến ASEAN
Có thể bạn quan tâm
QUAD tìm cách thay đổi "cán cân" tại Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương
04:30, 25/05/2022
EU đẩy mạnh chiến lược hợp tác mới với Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương
18:56, 23/02/2022
Châu Âu với tham vọng đa cực và "cú chuyển mình" sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
05:45, 22/03/2021
Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương năm 2020
10:47, 14/09/2020
Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương với tác động từ căng thẳng Nga-Ukraine
02:36, 14/03/2022
Thấy gì từ việc Vương quốc Anh đẩy mạnh hiện diện tại Ấn Độ - Thái Bình Dương?
05:30, 18/03/2021
Ấn Độ - Thái Bình Dương: Tầm nhìn mới của Mỹ
11:00, 16/06/2019
Toan tính mới của Mỹ tại Ấn Độ - Thái Bình Dương
14:41, 09/01/2019