Chiến sự Nga – Ukraine: “Hé lộ” thế khó phản công của Ukraine
Ukraine bắt đầu cuộc phản công từ đầu tháng 6/2023 nhưng cho đến nay mới chỉ đạt được một số thành tựu nhỏ trước lực lượng của Nga.
>> Chiến sự Nga - Ukraine: Bất cập từ viện trợ vũ khí
Trong cuộc phỏng vấn vừa qua với CNN, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, sở dĩ Ukraine chưa đạt được kết quả phản công như mong đợi là do họ không được các đồng minh phương Tây cung cấp đủ vũ khí và đạn dược.
“Chúng tôi đã có kế hoạch bắt đầu triển khai chiến dịch phản công vào mùa xuân. Nhưng chúng tôi đã không thể thực hiện được kế hoạch này, vì chúng tôi không có đủ đạn dược và vũ khí, binh sĩ cũng như không được đào tạo một cách chi tiết về cách sử dụng những loại vũ khí này”, Tổng thống Zelensky nói, đồng thời cho biết thêm rằng việc tổ chức huấn luyện bên ngoài Ukraine đã khiến cuộc phản công diễn ra chậm trễ. Theo ông, điều này giúp Nga có thêm thời gian để cài đặt các bãi mìn và xây dựng một số tuyến phòng thủ.
Trên thực tế, Ukraine đã nhận được một lượng lớn viện trợ quân sự từ Mỹ và phương Tây trong 18 tháng qua, trong đó riêng Mỹ đã viện trợ vũ khí và các khoản tài trợ khác lên tới gần 50 tỷ USD. Tuy nhiên, các đồng minh của Ukraine đang dần cạn kiệt đạn dược, vũ khí.
Các phương tiện truyền thông phương Tây cũng thừa nhận hiệu quả mờ nhạt của cuộc phản công của Ukraine đối với lực lượng Nga. Tờ New York Times đưa tin hồi đầu tháng này rằng quân đội Ukraine đã mất 20% vũ khí chỉ trong hai tuần đầu tiên của chiến dịch phản công. Tờ Financial Times và Washington Post trong tháng này đều đưa tin rằng phương Tây và Mỹ lo ngại về việc Ukraine không đạt được tiến bộ trong cuộc phản công mà họ đã hứa sẽ giáng một đòn quyết định vào Nga.
>> Cuộc phản công của Ukraine đang gặp trở ngại
Tuy nhiên mới đây, thông tin mà Ngoại trưởng Mỹ Blinken tiết lộ không khỏi khiến nhiều người hoài nghi. Ông Blinkin khẳng định Ukraine đã giành lại 50% lãnh thổ do Nga kiểm soát trong chiến sự Nga- Ukraine. Nhiều chuyên gia cho rằng, số liệu mà ông Blinken đưa ra có vẻ như tính cả số lãnh thổ mà Ukraine đã giành lại trong đợt phản công vào mùa thu năm ngoái. Trên thực tế, Ukraine gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc phản công hiện nay.
Trong khi các quan chức Lầu Năm Góc nhấn mạnh rằng còn quá sớm để coi cuộc phản công của Ukraine là một thất bại, nhưng Mỹ đã từ chối cung cấp cho Ukraine tên lửa tầm xa ATACMS hoặc máy bay chiến đấu F-16 với lý do không có thời gian hoặc ngân sách để huấn luyện cho phi công Ukraine và bảo trì máy bay kịp thời để tạo ra sự khác biệt trong chiến sự Nga- Ukraine. Tuy nhiên, Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn tuyên bố sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí trị giá hàng tỷ USD cho Ukraine, miễn là nước này quyết tâm đánh bại Nga.
Phát biểu tại cuộc họp vừa qua của Hội đồng An ninh Nga, Tổng thống Vladimir Putin nói rằng rõ ràng những nước phương Tây ủng hộ Ukraine thất vọng với kết quả từ cuộc phản công đã được mong đợi từ lâu của Ukraine. “Việc phương Tây cung cấp vũ khí cũng như sự hiện diện của lính đánh thuê và cố vấn nước ngoài đều không giúp ích gì cho Ukraine trong cuộc chiến hiện nay”, ông Putin nhấn mạnh.
Các chuyên gia cho rằng Mỹ và phương Tây đã bắt đầu thiếu vũ khí, đạn dược để đáp ứng kịp thời nhu cầu ngày càng tăng của Ukraine. Do đó, nhiều khả năng việc viện trợ cho Ukraine sẽ gặp khó khăn nếu chiến sự Nga- Ukraine ngày càng kéo dài. Trong khi đó, công chúng tại các quốc gia phương Tây cũng đang đặt dấu hỏi về tính đúng đắn của việc hỗ trợ cho Ukraine và ngày càng nhận thấy đây là một cuộc chiến tranh ủy nhiệm đầy rủi ro giữa phương Tây với Nga, quốc gia có vũ khí hạt nhân.
Có thể bạn quan tâm
Chiến sự Nga - Ukraine sẽ lan rộng ra Biển Đen?
04:30, 23/07/2023
Khủng hoảng ngũ cốc “tiếp lửa” chiến sự Nga - Ukraine
04:30, 18/07/2023
Mối nguy tiềm ẩn nếu chiến sự Nga - Ukraine kéo dài
04:30, 15/07/2023
Chiến sự Nga- Ukraine: 3 lựa chọn đối với Kiev
03:00, 11/07/2023
Chiến sự Nga - Ukraine: Bom chùm sẽ thay đổi cục diện?
04:30, 10/07/2023
Hai "ngã rẽ" cho Kiev hậu chiến sự Nga - Ukraine
03:30, 10/07/2023