Mỹ, EU toan tính gì khi tăng cường ảnh hưởng tại châu Phi?
Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) đang thúc đẩy việc xây dựng tuyến đường sắt quốc tế ở châu Phi để đưa tài nguyên khoáng sản từ các khu vực khai thác đến cảng.
>>Châu Phi sẽ "dẫn dắt" kinh tế thế giới?
Giới quan sát đánh giá, động thái này nằm trong nỗ lực tăng cường sự hiện diện của các nước phương Tây tại Châu Phi, nơi Trung Quốc dành được tầm ảnh hưởng nhất định nhờ Sáng kiến Vành đai và Con đường.
“Đây là một khoản đầu tư mang tính thay đổi cuộc chơi trong khu vực”, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết. Ông cũng tuyên bố Mỹ sẽ hỗ trợ phát triển Hành lang Lobito với sự hợp tác của EU nhằm mục đích tăng cường mạng lưới phân phối kết nối cảng Lobito của Angola trên bờ biển Đại Tây Dương với Zambia và Cộng hòa Dân chủ Congo, các quốc gia châu Phi giàu tài nguyên khoáng sản.
Theo chính phủ Mỹ, quốc gia này và EU sẽ hỗ trợ các nghiên cứu khả thi về việc mở rộng tuyến đường sắt hiện có từ miền Đông Angola qua miền Bắc Zambia. Bà Helaina Matza, quyền điều phối viên đặc biệt của Chương trình Đối tác Đầu tư và Cơ sở hạ tầng Toàn cầu tại Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong một cuộc họp báo gần đây rằng Mỹ cũng sẽ tài trợ cho một dự án cải tiến lại tuyến đường sắt hiện có từ Angola đến Cộng hòa Dân chủ Congo.
Cộng hòa Dân chủ Congo là nước sản xuất coban lớn nhất thế giới, nguyên liệu cần thiết để sản xuất pin lithium-ion, được sử dụng trong xe điện, điện tử tiêu dùng và các sản phẩm khác. Quốc gia Trung Phi này cũng có trữ lượng khoáng sản quan trọng khác. Cùng với nước láng giềng Zambia, Congo cũng là nước sản xuất đồng lớn của thế giới.
Do đó, sự tham gia ngày càng tăng của Mỹ và EU vào hoạt động phân phối thực tế ở Châu Phi có thể giúp các công ty phương Tây tăng cường chuỗi cung ứng của họ.
Ở Châu Phi, Trung Quốc là nước đầu tiên giúp đỡ xây dựng đường sắt, chủ yếu ở các nước cận Sahara. Tại Kenya, tuyến đường sắt nối thủ đô Nairobi với cảng Mombasa đã được hoàn thành vào năm 2017 với sự hỗ trợ của Trung Quốc. Cho đến nay, việc mở rộng tuyến đường sắt vẫn tiếp tục kể từ đó và Trung Quốc cũng có kế hoạch hỗ trợ mở rộng tuyến đến thủ đô Kampala của Uganda vào năm 2030.
>>Trung Quốc "bắt tay" các nước châu Phi hồi sinh sáng kiến BRI
Một tuyến đường sắt khác do Trung Quốc xây dựng cũng đang hoạt động giữa Addis Ababa, thủ đô của Ethiopia và Djibouti, nước láng giềng phía Đông giáp Biển Đỏ và Vịnh Aden. Một công ty Trung Quốc cũng đã nhận được đơn đặt hàng xây dựng đường sắt ở Nigeria, quốc gia có dân số 200 triệu người.
Giới quan sát nhận định, Trung Quốc mang lại những thế mạnh bao gồm cung cấp các khoản cho vay hào phóng và các công ty có thể tham gia vào các dự án quy mô lớn. Quốc gia này không quan tâm đến các vấn đề về nhân quyền hay chính trị tại các nước mà Bắc Kinh hỗ trợ, vì vậy Trung Quốc có xu hướng được một số nước châu Phi chào đón.
Tuy nhiên, các điều khoản của các khoản vay mà Trung Quốc đưa ra thường bị chỉ trích là không rõ ràng và một số ý kiến cáo buộc nước này đã đặt ra “bẫy nợ”, trong đó các quốc gia đi vay có nguy cơ gánh những khoản nợ mà họ không thể trả và vô hình chung, tạo điều kiện cho Trung Quốc tận dụng các nguồn tài nguyên ở các quốc gia đó.
Hiện Bắc Kinh cũng buộc phải xem xét lại việc cho vay của mình. Theo nghiên cứu của Đại học Boston, năm ngoái, Trung Quốc chỉ cho vay dưới 1 tỷ USD ở châu Phi. Các khoản vay của Trung Quốc dành cho châu Phi tiếp tục giảm kể từ khi đạt đỉnh 28,5 tỷ USD vào năm 2016. Nguyên nhân chính là do tình trạng vỡ nợ đã gia tăng ở các quốc gia tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường, một phần vì đại dịch COVID-19.
Nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại cũng đang buộc các nhà lãnh đạo nước này phải điều chỉnh chính sách đầu tư ra nước ngoài. Sáng kiến Vành đai và Con đường đang ở một bước ngoặt khi Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra chỉ thị nhằm nâng cao lợi nhuận đầu tư từ dự án.
Trong khi đó Mỹ đã quảng bá dự án Hành lang Lobito như một nguồn tạo việc làm cho người dân địa phương, xúc tiến thương mại, tăng cường chuỗi cung ứng và an ninh lương thực ở các nước châu Phi, khác với mô hình của Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông David Sacks, thành viên của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, một tổ chức tư vấn của Mỹ nhận định, các dự án như Hành lang Lobito sẽ phải mất nhiều năm mới có kết quả, ngay cả khi nó được thực thi trong những hoàn cảnh tốt nhất. Do đó, các quốc gia châu Phi có thể không ưu tiên cho các dự án tương tự trong tương lai.
Mặc dù vậy, chuyên gia này cho rằng, Hành lang Lobito là một trong những dự án đầu tiên trong sáng kiến Quan hệ đối tác về cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu. Các quốc gia G7 đặt mục tiêu cung cấp tổng cộng 600 tỷ USD cho sáng kiến đến năm 2027. "Vẫn có nhiều kỳ vọng vào các dự án tiềm năng trong tương lai sẽ mang lại hiệu quả nhanh hơn cho các nước châu Phi", ông David Sacks nói thêm.
Có thể bạn quan tâm