Bến Tre: Gắn mục tiêu khởi nghiệp với hỗ trợ doanh nghiệp sau hạn mặn và dịch COVID-19
Thực hiện Chương trình “Đồng khởi khởi nghiệp”, tỉnh Bến Tre đã tạo dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh...
Bến Tre là một trong những địa phương đi tiên phong trong việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy và hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp thông qua Chương trình số 10-CTr/TU ngày 28/4/2016 của Tỉnh ủy về “Đồng Khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp”. Chương trình Đồng Khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp có tác động rất tích cực, từng bước hướng đến xây dựng Bến Tre thành “Địa phương khởi nghiệp”.
Theo đánh giá của Hội đồng Tư vấn khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp tỉnh Bến Tre, thời gian qua, tỉnh Bến Tre đã tạo dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực cho người khởi nghiệp và người hỗ trợ khởi nghiệp triển khai có hiệu quả. Công tác kết nối các nguồn vốn được thực hiện tốt, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh…
Ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, với nỗ lực kiến tạo môi trường khởi nghiệp, môi trường đầu tư kinh doanh, qua 4 năm, toàn tỉnh đã có 2.075 doanh nghiệp thành lập mới và 1.523 đơn vị trực thuộc, đạt 83% mục tiêu chương trình, và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội tỉnh Bến Tre lần thứ X, 1.500 doanh nghiệp. Trong đó, có 341 hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp, 321 doanh nghiệp khởi nghiệp, 6 doanh nghiệp khoa học công nghệ.
Lũy kế đến giữa tháng 4/2020, toàn tỉnh có 4.475 doanh nghiệp, vốn đăng ký đạt gần 40 ngàn tỷ đồng (bình quân 9 tỷ đồng/ doanh nghiệp), có 3.602 doanh nghiệp đang hoạt động.
Tỉnh Bến Tre cũng phát triển mới 104 hợp tác xã, 697 tổ hợp tác, tập trung hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động cho 16 hợp tác xã nông nghiệp gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 150 hợp tác xã, với tổng vốn điều lệ 306,382 tỷ đồng, có 40.718 thành viên. Doanh thu bình quân khoảng 2,4 tỷ đồng/ hợp tác xã. Lợi nhuận bình quân 469 triệu đồng/hợp tác xã; thu nhập bình quân của thành viên, lao động ước đạt 50 triệu đồng/người/năm.
Các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được chú trọng, gắn liền với hoạt động của Không gian khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Mekong và những đề tài, dự án liên quan của ngành khoa học công nghệ. Công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực cho người khởi nghiệp và người hỗ trợ khởi nghiệp triển khai có hiệu quả, nhất là các chương trình ươm tạo khởi nghiệp, cùng với ban hành chính sách khuyến khích khởi nghiệp góp phần thúc đẩy khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp.
Công tác kết nối các nguồn vốn được thực hiện tốt, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh. Lũy kế từ khi thực hiện chương trình đến nay, có 1.920 dự án của doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp được hỗ trợ cho vay, với tổng kinh phí 5.291 tỷ đồng, từ nguồn vốn của Quỹ đầu tư khởi nghiệp, Quỹ khoa học và công nghệ, Quỹ PPP của Dự án AMD Bến Tre và các nguồn vốn khác. Nhiều mô hình, dự án khởi nghiệp có tính sáng tạo và ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng thương mại điện tử ngày càng phát triển và kết nối tốt với các cộng đồng khởi nghiệp trong vùng, khu vực...
Bên cạnh những kết quả nổi bật, hoạt động khởi nghiệp trên địa bàn vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là, sự phối hợp giữa các ngành, các cấp đôi lúc chưa đồng bộ nên chưa mang lại hiệu quả cao; công tác truyền thông khởi nghiệp ở các địa phương, nhất là ở cấp xã còn đơn điệu; công tác tuyên truyền, vận động hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi lên doanh nghiệp chưa thường xuyên, liên tục; các doanh nghiệp khởi nghiệp chưa mạnh dạn áp dụng các công cụ, công nghệ mới nhằm cải tiến năng suất, chất lượng sản phẩm...
Theo Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre Phan Văn Mãi, cùng với việc tập trung thực hiện tốt mục tiêu khởi nghiệp năm 2020, các đơn vị, huyện, thành phố… phải đổng thời tập trung hỗ trợ các hộ kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã phục hồi sau hạn mặn và dịch COVID-19, để các thành phần kinh tế nhanh chóng khắc phục khó khăn. Bên cạnh đó, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, quan tâm tháo gỡ khó khăn liên quan đến đất đai… vận hành hiệu quả Không gian khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…
Tỉnh Bến Tre luôn luôn đồng hành với doanh nghiệp thông qua nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp: bồi dưỡng, hỗ trợ hoàn thiện các ý tưởng khởi nghiệp đến lúc hình thành doanh nghiệp và thương mại hóa sản phẩm; kết nối vốn cho khởi nghiệp với việc hình thành Quỹ đầu tư khởi nghiệp tỉnh Bến Tre; tăng cường các hoạt động giao thương, kết nối và mở rộng thị trường tiêu thụ cho khởi nghiệp; đào tạo nâng cao kiến thức cho đội ngũ doanh nghiệp khởi nghiệp của địa phương; thực hiện chính sách khuyến khích khởi nghiệp đặc thù của Bến Tre; vận động, hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi lên doanh nghiệp để mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả;... cam kết đồng hành, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh. Nhất là thực hiện thủ tục đầu tư kinh doanh theo cơ chế “một đầu mối” tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Khởi nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
PAPI 2019: Bến Tre là tỉnh cao điểm nhất, Hà Nội vẫn trong nhóm điểm thấp nhất
17:31, 28/04/2020
Bến Tre: Doanh nghiệp khó khăn “kép”
05:55, 19/03/2020
Ra mắt không gian hỗ trợ khởi nghiệp Bến Tre
11:15, 16/11/2019
Bến Tre: Từ “quản lý” sang “phục vụ” doanh nghiệp
16:22, 01/11/2019
Đồng khởi khởi nghiệp: Cách làm mới ở xứ dừa Bến Tre
04:16, 09/08/2018