PAPI 2019: Bến Tre là tỉnh cao điểm nhất, Hà Nội vẫn trong nhóm điểm thấp nhất

Huyền Trang 28/04/2020 17:31

Kết quả khảo sát PAPI 2019 tiếp tục ghi nhận không có tỉnh nào đạt mức điểm cao nhất cho cả 8 chỉ số thành phần được đánh giá.

Sáng 28/4, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) 2019.

Tại lễ công bố trực tuyến hôm nay, TS Đặng Hoàng Giang- thành viên nhóm nghiên cứu PAPI đã công bố bức tranh PAPI ở khía cạnh các tỉnh, Thành phố (TP).

Chỉ số PAPI đo lường và so sánh trải nghiệm và cảm nhận của người dân về hiệu quả và chất lượng thực thi chính sách và cung cấp dịch vụ công của chính quyền địa phương ở 63 tỉnh, thành tại Việt Nam.

Chỉ số PAPI đo lường và so sánh trải nghiệm và cảm nhận của người dân về hiệu quả và chất lượng thực thi chính sách và cung cấp dịch vụ công của chính quyền địa phương ở 63 tỉnh, thành tại Việt Nam.

Theo đó, về nội dung công khai minh bạch, nhóm các tỉnh, Thành phố có màu xanh da trời (16 tỉnh, TP tốt nhất) tập trung khá nhiều ở phía Bắc, nhưng trong các tỉnh phía Bắc cũng có tương phản khá mạnh (tỉnh màu xanh da trời nằm cạnh tỉnh có màu vàng nhạt- nhóm yếu kém nhất, dù điều kiện Kinh tế-Xã hội khá giống nhau), trong đó Hà Nội đáng tiếc nằm trong nhóm vàng nhạt.

Phía Nam, Nam Trung Bộ lác đác có tỉnh, TP nằm ở nhóm tốt nhất nhưng màu vàng nhạt vẫn là chủ đạo. So với năm 2018, một số tỉnh năm 2019 tăng trưởng trên 5% (Hậu Giang, Sơn La, Hậu Giang tăng gần 10%) trong khi một số tỉnh thụt lùi (Kontum giảm gần 10%, Lạng Sơn 7%…).

Đặc biệt, tỷ lệ người dân biết đến, có cơ hội góp ý vào kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất 9 năm qua không có thay đổi lớn (chỉ khoảng 20%), là lý do dẫn đến các vụ việc kiện tụng tranh chấp đất đai kéo dài thời gian qua. Đồng thời, tỷ lệ người dân có dịp đóng góp cho dự thảo kế hoạch sử dụng đất của địa phương chỉ đạt 30%, thậm chí thuyên giảm qua các năm qua (năm 2019 đạt dưới 30%).

Cụ thể hơn, Bến Tre, Đồng Tháp và Quảng Ninh là 3 tỉnh đạt mức điểm tổng hợp cao nhất trên Bảng Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công (PAPI) năm 2019, đều có mức điểm trên 46,6 điểm.

Bến Tre tiếp tục có điểm cao nhất là 46,74 điểm, với 7 chỉ số thành phần có điểm ở mức cao nhất, trừ chỉ số chính phủ điện tử có điểm trong nhóm thấp. Nhưng mức điểm này thấp hơn điểm của chính Bến Tre tại PAPI 2018. Năm ngoái, Bên Tre đạt 47,5 điểm.

Mức tăng, giảm hàng năm Chỉ số PAPI Gốc của các tỉnh/thành phố, 2011-2019 (%)

Mức tăng, giảm hàng năm Chỉ số PAPI Gốc của các tỉnh/thành phố, 2011-2019 (%)

Như vậy, khoảng cách với điểm tối đa (80 điểm) trong PAPI 2019 lại dãn ra. Cũng trong nhóm có điểm trung bình tốt nhất, có 16 tỉnh, thành phố, có dải điểm từ 44,80 đến 46,74 điểm.

Nhóm có điểm số trung bình cao cũng gồm 16 tỉnh, dải điểm từ 43,72 đến 44,72 điểm. TP.HCM nằm trong nhóm này với 43,79 điểm, tăng hơn mức điểm 42,40 của năm 2018 nhờ tăng điểm ở 4 chỉ số.

Nhóm điểm số trung bình thấp có 15 tỉnh, dải điểm từ 42,38 đến 43,70. Thái Bình có điểm cao nhất trong nhóm này.

Trong 16 tỉnh còn lại nằm trong nhóm có điểm số thấp nhất, có Hà Nội với mức điểm 42,53 điểm, Hải Phòng 41,54 điểm, Hưng Yên 41,25 điểm.

Có thể bạn quan tâm

  • PAPI 2019: Đâu sẽ là những mối quan ngại lớn?

    14:58, 28/04/2020

  • PAPI 2019: Kiểm soát tham nhũng khu vực công có cải thiện

    14:26, 28/04/2020

  • PAPI 2018: Người dân hài lòng hơn với dịch vụ công tại địa phương

    21:00, 02/04/2019

Hà Nội chỉ có 2 chỉ số là sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở và quản trị điện tử đạt được mức điểm trung bình cao; chỉ số cung cấp dịch vụ công đạt điểm trung bình thấp. Các chỉ số còn lại đều rơi vào nhóm điểm thấp, gồm công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình với người dân, kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, thủ tục hành chính công và quản trị môi trường.

Thấp nhất trong bảng xếp hạng điểm tổng hợp là Bình Định với 40,84 điểm.

 Chỉ số PAPI bao gồm 8 chỉ số nội dung (Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch trong ra quyết định; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công; Quản trị môi trường và Quản trị điện tử); 28 nội dung thành phần, hơn 120 tiêu chí, hơn 550 câu hỏi về nhiều vấn đề chính sách của Việt Nam.

Chương trình nghiên cứu Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) là nỗ lực hợp tác hiệu quả giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ cộng đồng và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam từ năm 2009.

Chỉ số PAPI đo lường trải nghiệm và cảm nhận của người dân thường niên, nhằm mục đích so sánh hiệu quả và chất lượng quản trị, điều hành của bộ máy Nhà nước và cung cấp dịch vụ công của chính quyền 63 tỉnh, thành phố, thúc đẩy quản trị hiệu quả và chủ động đáp ứng nhu cầu của người dân.

Từ khi được khảo sát lần đầu cách đây 11 năm, nghiên cứu PAPI đã thu thập ý kiến của 131.501 công dân được chọn ngẫu nhiên trên phạm vi toàn quốc để tham gia đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công dựa trên trải nghiệm tương tác trực tiếp của họ với chính quyền các cấp.

Năm 2019, 14.138 người dân đã tham gia khảo sát PAPI, chia sẻ đánh giá về hiệu quả hoạt động của bộ máy công quyền trong năm vừa qua. Dữ liệu và thông tin thực chứng từ Chỉ số PAPI cho thấy bức tranh thực tế về hiệu quả của các cấp chính quyền trong đáp ứng yêu cầu của người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
PAPI 2019: Bến Tre là tỉnh cao điểm nhất, Hà Nội vẫn trong nhóm điểm thấp nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO