KHỞI NGHIỆP QUẢNG NAM: Phát huy vai trò của các doanh nghiệp lớn
Quan điểm cho đi và đóng góp với cộng đồng khởi nghiệp cần được nhân rộng trong tập thể các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp đi trước và các doanh nghiệp startup đã thành công.
>>Hệ sinh thái khởi nghiệp miền Trung - Tây Nguyên: Liên kết để hỗ trợ
Đó là ý kiến của Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI Bùi Trung Nghĩa tại phiên kết luận Diễn đàn cấp cao: Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quảng Nam 2023 do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Ban Điều hành hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Quảng Nam, Hội đồng Cố vấn Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Quốc gia (VSMA) tổ chức ngày 24/08. Cụ thể, Diễn đàn đã mang đến cho các khách mời tham dự bức tranh khởi nghiệp thực tiễn ở rất nhiều tỉnh thành miền Trung – Tây Nguyên, thảo luận về thực tiễn và gợi mở những giải pháp điều hành xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo địa phương gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế vùng, quốc gia về đổi mới sáng tạo.
Đồng thời, Diễn đàn cũng đề cập đến mô hình hoạt động của vườn ươm, trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cách thức vận hành quỹ khởi nghiệp,... Qua đó, tăng cường kết nối, hợp tác, tăng cường tối đa khả năng kết nối giữa doanh nghiệp startup giữa doanh nghiệp lớn, giữa doanh nghiệp với thị trường, giữa sản phẩm dịch vụ với nhu cầu thị trường, đáp ứng được các nhu cầu của xã hội, cộng đồng.
Phó Chủ tịch VCCI Bùi Trung Nghĩa cho rằng bên cạnh nhu cầu kết nối để có được hoạt động đổi mới sáng tạo mở giữa các doanh nghiệp, tổ chức khoa học, các startup, các tổ chức đầu tư góp vốn, thể chế thì thiết lập ra cơ chế chính sách, các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo còn có các ngân hàng, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, mạnh thường quân đồng hành...
"Diễn đàn cũng được chia sẻ của các lãnh đạo tổ chức cơ quan nhà nước trong lĩnh vực khoa học công nghệ và hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo từ Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng,... về các hoạt động, kế hoạch cụ thể của các địa phương đối với việc thành lập và tăng cường kết nối hoạt động hiệu quả của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Các địa phương cũng đã liên kết, hỗ trợ startup, vận động doanh nghiệp cùng chung tay để tạo ra giá trị gia tăng cho cộng đồng, xã hội", Phó Chủ tịch VCCI đúc kết.
Theo ông Bùi Trung Nghĩa, tại các phiên thảo luận đã có những chia sẻ cụ thể của lãnh đạo Thaco Industries về những kinh nghiệm thực tiễn trong việc hỗ trợ doanh nghiệp startup. Qua đó thúc đẩy, triển khai ý tưởng thành sản phẩm và có hình thức phù hợp để triển khai ý tưởng, phát triển sản phẩm.
"Trong đó, quan điểm cho đi và đóng góp của Thaco với cộng đồng khởi nghiệp cũng là một ví dụ đánh giá cao và cần được nhân rộng trong tập thể các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp đi trước và các doanh nghiệp startup đã thành công. Ở đây, chúng ta có sự chia sẻ của Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp Đà Nẵng, chú trọng việc đào tạo và hỗ trợ doanh nghiệp trong hình thành ý tưởng để thương mại hóa, tiếp cận thị trường. Đó là hoạt động ươm tạo, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp hiệu quả nhất, ít sai sót. Cùng với đó là quỹ khởi nghiệp tập trung nâng cao năng lực và tập trung đào tạo nhân sự trực tiếp tham gia vào thực tạo và khởi sự doanh nghiệp nhằm chống lãng phí trong quá trình đầu tư và nhanh chóng đưa ra sản phẩm, phát triển và tăng tốc thương mại", Phó Chủ tịch VCCI nêu vấn đề.
Theo đó, VCCI đánh giá các chính sách chung của Đảng và Nhà nước thì hệ sinh thái tại các địa phương đang được thành lập tuy nhiên mức độ hoạt động, hiệu quả của từng địa phương khác nhau. Tuy nhiên, các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên cũng được đánh giá là có nhiều kết quả tích cực trong việc hỗ trợ khởi nghiệp, gặt hái được nhiều thành quả.
"Khi mà cùng nhau hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thì chúng ta chú trọng vào các doanh nghiệp khởi nghiệp, các nhân khởi nghiệp, tuy nhiên cũng cần quan tâm đến việc đào tạo các mentor khởi nghiệp, cũng như hình thành cộng đồng các nhà đầu tư cho hệ sinh thái khởi nghiệp. Bên cạnh đó là các quỹ đầu tư, tổ chức góp vốn, các ngân hàng... Khi hình thành các trụ cột như vậy thì khả năng họ tự kết nối thông qua những chính sách hỗ trợ, các cuộc thi, các hoạt động kết nối sẽ góp phần hỗ trợ startup", lãnh đạo VCCI nói thêm.
Thời gian qua, nhìn chung việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tại các địa phương đều chung mục đích là tạo ra môi trường thể chế, chính sách và mạng lưới dịch vụ ươm tạo và hỗ trợ để thực hiện ý tưởng khởi nghiệp, tạo ra sản phẩm giải quyết được nhu cầu thị trường, xã hội, cộng đồng. Trong đó, có sự góp mặt của đầy đủ các tổ chức, đơn vị liên quan.
Trong tương lai, trọng tâm là làm thế nào để giúp các cá nhân, những người có ý tưởng, hoài bão, ý chí thực hiện được công đoạn chuyển từ ý tưởng, phát minh nhanh chóng thương mại hóa, đưa vào thị trường và mang lại kết quả. Vì vậy, việc tạo ra môi trường thuận lợi là vô cùng quan trọng để hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các địa phương hiện nay.
Theo Phó Chủ tịch VCCI Bùi Trung Nghĩa, đất nước ta cần nhiều hơn nữa số lượng doanh nghiệp, nhưng làm thế nào để phát triển tinh thần khởi nghiệp của mỗi cá nhân, cộng đồng khởi nghiệp thì cần tinh thần luôn sẵn sàng bắt tay vào những dự án kinh doanh để có thể khai thác đạt được thành quả.
Có thể bạn quan tâm
KHỞI NGHIỆP QUẢNG NAM: Gợi ý đáp án nguồn lực cho startup
19:12, 24/08/2023
KHỞI NGHIỆP QUẢNG NAM: Cần cơ chế mở, chính sách đặc thù cho khởi nghiệp
16:49, 24/08/2023
KHỞI NGHIỆP QUẢNG NAM: Những góc nhìn từ thực tiễn
16:39, 24/08/2023
KHỞI NGHIỆP QUẢNG NAM: Cần hoàn thiện chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
16:13, 24/08/2023
KHỞI NGHIỆP QUẢNG NAM: Tăng cường liên kết giữa các địa phương
14:21, 24/08/2023
KHỞI NGHIỆP QUẢNG NAM: Đẩy mạnh thương mại hóa và tăng nhanh sản phẩm
14:05, 24/08/2023
KHỞI NGHIỆP QUẢNG NAM: Động lực để kinh tế miền Trung - Tây Nguyên phát triển bền vững
14:00, 24/08/2023