Quảng Trị: Trăn trở với “ngành công nghiệp không khói” (Bài 3)
Quảng Trị cũng như nhiều tỉnh miền Trung cùng làm du lịch trên một tài nguyên, một tư duy giống nhau. Kết quả là kẻ đi sau luôn khó thoát khỏi cái bóng của người đi trước.
Tôi từng biết được câu chuyện bên lề rằng, có một nhà đầu tư từ Đài Loan muốn mở dây chuyền may lớn tại một tỉnh miền Trung. Sau khi tìm hiểu địa điểm, chính sách ưu đãi..., mọi thứ không có gì để phàn nàn.
Nhưng nhà đầu tư này đặt câu hỏi: Nếu làm việc ở đó, chúng tôi sẽ chơi ở đâu? Câu hỏi tưởng chừng cho vui, nhưng thật ra, nó hàm chứa toàn bộ tính chất và đặc điểm của phong cách lao động cường độ cao, năng suất lớn ở những đất nước phát triển.
Ở những khu vực công nghiệp lâu đời như châu Âu, Mỹ, thậm chí những thành phố hàng đầu Việt Nam, nhu cầu đi du lịch, giải tỏa stress, tái tạo sức lao động là rất cần thiết. Du lịch không còn là khái niệm xa xỉ, mà ngày một “bình dân” phổ biến.
Cơ hội bị bỏ qua
Theo cách phân loại tài nguyên du lịch, Quảng Trị không hề thua kém bất cứ địa phương nào, đó là: Tài nguyên du lịch lịch sử - cách mạng; tài nguyên du lịch văn hóa - tâm linh; tài nguyên du lịch biển đảo; tiềm năng du lịch thương mại - công vụ - biên mậu; tài nguyên du lịch sinh thái - sông suối và cảnh quan.
Ở miền Trung, Quảng Trị là một trong những địa phương đầu tiên có tuyến đường xuyên quốc gia, qua Lào, Thái Lan, Myanmar, phần giữa con đường này là cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quy chế riêng, xây dựng Lao Bảo thành 1 trong 9 khu kinh tế đặc biệt của cả nước.
Nhưng 15 năm qua, do mắc kẹt nhiều thứ, Lao Bảo từ kỳ vọng trở thành thất vọng, quy mô teo tóp dần, khu thương mại sát biên giới hoạt động cầm chừng. Cú sốc này ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch Quảng Trị.
Ông Nguyễn Hữu Hưng, PGĐ Sở Công thương Quảng Trị nói với tôi về chuyện “tay lái nghịch”. Số là ở Thái Lan, lái xe bên trái mới đúng luật, theo tiêu chuẩn của Anh. Nếu người Thái đi du lịch vào Việt Nam sẽ giải quyết thế nào để đảm bảo an toàn giao thông?
Vùng Đông Bắc Thái Lan rộng mênh mông, có 19 tỉnh, lại không có biển, khoảng cách từ đó đến biển Cửa Việt (Quảng Trị) chưa đến 400km, nối bằng Quốc lộ 9 thông thoáng, cự ly lý tưởng để tổ chức các tour du lịch trên 1 ngày. Nhưng với sản phẩm du lịch nghèo nàn như vậy, liệu có hấp dẫn du khách?
Nói như ông Hưng, nếu như tổ chức xe đón rước khách Thái tại cửa khẩu với Lào rồi đưa về Việt Nam nhưng họ không ở lại mà vào Huế, Đà Nẵng thì khác gì ta làm “xe ôm”!
Quảng Trị đang làm du lịch với tư duy cũ, “quảng canh”, có khá nhiều địa điểm nổi tiếng nhưng thiếu kết nối, liên hoàn. Bản thân mỗi địa điểm cũng chưa được “thâm canh” khai thác. Phải xác định hướng đi chính, du lịch hoài niệm nay hiện đại?
Nếu theo hướng hiện đại, hoành tráng chắc chắn không thể bằng Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Yên, Quy Nhơn, Quảng Bình. Như vậy, “thương hiệu miền đất lửa” với nhiều di tích lịch sử quan trọng mới là thứ làm cho du lịch Quảng Trị khác biệt với phần còn lại.
Cung cấp cho khách du lịch một bức tranh tổng thể về khu vực phi quân sự vĩ tuyến 17 trong thời kỳ chiến tranh bao gồm các nội dung liên quan đến Hiệp định Giơ-ne-vơ, các công trình lịch sử ở Đôi bờ sông Bến Hải, hàng rào điện tử Mc.namara, các chiến trường điển hình, đường mòn Hồ Chí Minh,...
Nói rộng hơn, cả miền Trung đang phát triển du lịch trên cùng một tài nguyên, một sản phẩm, một tư duy giống nhau. Có người nói rằng, chỉ cần đến 1 địa phương là biết được các địa phương còn lại có gì.
Tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong ngăn kéo của họ đã có những kế hoạch chi tiết cho việc phát triển, định hướng ngành du lịch tỉnh nhà. “Đề án phát triển du lịch Quảng Trị đến năm 2025, tầm nhìn 2030” là ví dụ. Đây là Đề án bài bản, khoa học.
Quảng Trị với các sự kiện Lễ hội ở như: Thống nhất non sông, Nhịp cầu Xuyên Á, Tri ân Tháng bảy, Lễ hội hoa đăng trên sông Thạch Hãn, Festival hòa bình...là thành tố chính để Quảng Trị quảng bá, giới thiệu hình ảnh. Nhưng để nói rằng, có điều gì đó đặc sắc và kinh tế như “Lễ hội pháo hoa Đà Nẵng” thì còn rất xa.
Còn tiếp...
Có thể bạn quan tâm
Quảng Trị: Trăn trở với ngành “công nghiệp không khói” (Bài 1)
05:00, 10/06/2020
Quảng Trị: Trăn trở với “ngành công nghiệp không khói” (Bài 2)
07:00, 12/06/2020
Quảng Trị: Vì sao nhà máy Hồng Đức Vượng mãi bốc mùi?
05:00, 28/05/2020
Quảng Trị: Doanh nghiệp nợ lương, ngóng gói hỗ trợ
14:04, 07/05/2020
Quảng Trị: Rực rỡ “làng khoe sắc” ven bãi bồi đón Tết
03:00, 07/01/2020
Bán trái phép trụ sở Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Quảng Trị), lãnh đạo vô can?
16:46, 09/04/2020