Vì sao Quảng Ninh dừng dự án phim trường cổ trang lớn nhất Việt Nam?
Tỉnh Quảng Ninh vừa quyết định chấm dứt hoạt động, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Trường quay phim cổ trang Việt Nam do Công ty CP Việt Nam Tinh Hoa thực hiện tại TP Uông Bí.
Lý do chấm dứt là bởi Dự án chậm tiến độ 1 năm 6 tháng. Dự án không được UBND Tỉnh xem xét gia hạn thời gian thực hiện theo đề xuất của nhà đầu tư, tại Văn bản số 5029/UBND-XD4 ngày 19/7/2019 của UBND tỉnh Quảng Ninh.
Dự án được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 8/7/2016. Công ty CP Việt Nam Tinh Hoa làm chủ đầu tư Dự án. Địa điểm đầu tư tại xã Thượng Yên Công, TP. Uông Bí.
Trên cơ sở đó, Sở KH&ĐT Quảng Ninh yêu cầu nhà đầu tư có trách nhiệm hoàn thiện các thủ tục thanh lý dự án đầu tư theo quy định của pháp luật. Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án hết hiệu lực kể từ ngày 7/7/2020.
Dự án Trường quay phim cổ trang Việt Nam nằm trong Khu di tích và rừng quốc gia Yên Tử, với diện tích 14,6 ha. Dự kiến, đây sẽ là phim trường cổ trang chuyên nghiệp, hiện đại đầu tiên, lớn nhất tại Việt Nam.
Theo thiết kế, phim trường chia thành các phân khu chức năng như: Khu phim trường, khu hậu cần, khu cây xanh cảnh quan và mặt nước, khu hạ tầng kỹ thuật, đường giao thông nội và liên khu. Trong đó, khu phim trường chính có diện tích trên 6,1 ha, được thiết kế với mô hình “Kinh thành Thăng Long thu nhỏ”, gợi nhớ lại hào khí Lý - Trần, với trên 40 hạng mục gồm: Khu mô phỏng hành cung, khu mô phỏng phố thị, khu vườn thượng uyển và lâm viên, khu mô phỏng làng Việt cổ, khu mô phỏng thuỷ trại, quảng trường.
Trước đó, theo chia sẻ của chủ đầu tư dự án, phim trường được xây dựng ở Yên Tử ngoài mục đích quay phim còn là quần thể kiến trúc văn hóa mang xu hướng du lịch nhân văn, vừa đậm đặc chất điện ảnh lại phảng phất nét tâm linh. Đến đây, du khách có thể được hòa nhập, sống trong không gian văn hóa cổ xưa; tìm hiểu tư liệu lịch sử về dòng phim cổ trang Việt Nam, lại vừa thành kính dâng lên Đức Phật nén nhang thơm trên đỉnh thiêng Yên Tử.
Tiêu chí đầu tiên khi xây dựng phim trường là tái tạo rõ nét không gian văn hoá cổ của người Việt xưa. Vì vậy, trong quá trình thi công, nhà đầu tư luôn tìm hiểu kĩ từng giai đoạn lịch sử dân tộc, từ đó thiết kế lối kiến trúc phù hợp, sử dụng tối đa mọi chất liệu tự nhiên như gỗ, đá ong, sành sứ… hạn chế sự can thiệp của kĩ thuật hiện đại làm thay đổi cảnh quan thiên nhiên nơi đây.
Dự án Trường quay phim cổ trang Yên Tử, được kỳ vọng vừa góp phần vào sự phát triển của nền điện ảnh Việt Nam, vừa là một điểm tham quan văn hóa mới lạ, độc đáo, điểm du lịch lịch sử mang tính giáo dục, đã chính thức bị Quảng Ninh chấm dứt. Đây rõ ràng là một sự đáng tiếc, đặc biệt đối với điện ảnh cổ trang, loại hình có thể dễ dàng đưa kiến thức lịch sử đến với người dân.
Có thể bạn quan tâm
Trung tâm thương mại và chợ Hạ Long III: Thay tên, đổi quy hoạch để tránh… thu hồi dự án?
11:20, 22/12/2019
Quảng Ninh: Thu hồi dự án sau gần 10 năm “đắp chiếu”
00:00, 22/04/2019
Dự án Trung tâm thương mại và chợ Hạ Long III (Quảng Ninh): Tập đoàn Nguyễn Kim lại “thất hứa”?
04:01, 20/07/2020
Hàng loạt dự án trọng điểm của ngành giao thông… “chậm tiến độ”
15:40, 11/06/2020
Hà Nội: Nhiều dự án BT vẫn chậm tiến độ
10:55, 01/06/2020