Khu kinh tế - trái tim của nền kinh tế Hải Phòng
Đó là nhấn mạnh của T.S Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI tại hội nghị ký kết quy chế phối hợp đảm bảo ANTT trong KKT, KCN trên địa bàn TP Hải Phòng giữa ban quản lý KKT Hải Phòng với CATP Hải Phòng.
Đánh giá về ý nghĩa của việc đảm bảo ANTT trong các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT), T.S Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, Ban quản lý KKT Hải Phòng đã bắt đầu năm mới bằng việc chọn một vấn đề được coi là quan trọng nhất cho phát triển kinh tế và thu hút đầu tư trong thời gian tới. Đó là vấn đề bảo đảm an toàn cho các nhà đầu tư.
“Chúng ta vừa trải qua một năm COVID, một năm với rất nhiều sóng gió. Có lẽ để tìm hai từ để nói lên mong mỏi nhất của tất cả chúng ta, của các nhà đầu tư trong năm mới đó là xin được 2 chữ “bình an”. Và hôm nay, hội nghị của chúng ta bàn đến một cơ chế phối hợp để góp phần đảm bảo sự an toàn cho các nhà đầu tư. Đây là sự lựa chọn mà tôi nghĩ rằng không có gì thích hợp hơn. Đây cũng chính là thông điệp của Hải Phòng gửi cho các nhà đầu tư trên toàn thế giới. Đến với Hải Phòng là đến với một mảnh đất bình an”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Cũng theo ông Vũ Tiến Lộc, trong chiến lược phát triển sắp tới, thì khu kinh tế phải là trái tim của nền kinh tế Hải Phòng. KKT Hải Phòng có nhiều điểm mạnh hơn so với các địa phương khác trong cả nước. Hải Phòng đi tiên phong trong phát triển công nghiệp phụ trợ. Hải Phòng hiện có cả công nghiệp lắp ráp và công nghiệp phụ trợ. Và bây giờ đang hướng tới Hải phòng có thể trở thành trung tâm công nghệ và trung tâm dịch vụ, thương mại, tài chính của cả nước.
Còn theo ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, vấn đề đảm bảo ANTT tại các KCN, KKT còn nhiều bất cập. Những vụ trộm cắp tài sản của doanh nghiệp vẫn còn diễn ra. Theo ghi nhận, trên địa bàn đã xảy ra khoảng hơn 100 vụ do chính công nhân, người làm việc tại các KCN thực hiện. Ngoài ra, có những vấn đề nhức nhối trong dư luận vẫn đang còn tồn tại như bảo kê đã ảnh hưởng không tốt đến môi trường đầu tư kinh doanh của Hải Phòng... Những vấn đề này, phải được giải quyết càng triệt để càng tốt.
Hải Phòng hiện có 12 KCN với diện tích 5.937 ha đang triển khai hoạt động đầu tư, xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng. Lũy kế hết năm 2020, các KCN và KKT trên địa bàn thành phố đã thu hút được 567 dự án trong và ngoài nước (gồm 400 dự án FDI với tổng vốn đầu tư trên 16 tỷ USD và 167 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư xấp xỉ 146.000 tỷ đồng) của các nhà đầu tư đến từ 29 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các dự án trong KCN, KKT đã đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của thành phố, tạo ra nhiều ngành nghề, sản phẩm, thị trường mới.
Đến năm 2020, khu vực KCN, KKT đã chiếm gần 80% giá trị sản xuất công nghiệp, trên 70% kim ngạch xuất khẩu của TP Hải Phòng, góp phần tăng thu ngân sách, mở rộng thị trường, tăng lượng hàng hóa qua cảng, nâng cao sức cạnh tranh, khả năng hội nhập quốc tế của nền kinh tế thành phố. Trong 5 năm, từ 2016 - 2020, các KCN, KKT trên địa bàn TP Hải Phòng đã đóng góp vào tổng thu ngân sách nhà nước (thu Hải quan và thu nội địa) 31.769 tỷ đồng, riêng năm 2020 là 8.819 tỷ đồng, trong đó thu nội địa là 5.292 tỷ đồng.
Đặc biệt, địa bàn KKT, các KCN có lực lượng lao động rất lớn, đa dạng, nhiều lao động từ tỉnh ngoài, nhiều chuyên gia và nhà quản lý nước ngoài đến từ các vùng văn hóa khác nhau. Tổng số lao động đang làm việc tại KKT, KCN gần 160.000 lao động, bao gồm 4.500 lao động nước ngoài, trong đó lao động người Hải Phòng chiếm khoảng 1/3, lao động từ các tỉnh lân cận chiếm 1/3, từ các tỉnh xa là 1/3.
Bên cạnh đó, hàng ngày có hàng ngàn công nhân xây dựng, lắp máy, vận chuyển hàng hóa và khách hàng đến làm việc, giao dịch tại KKT, các KCN. Do đó, việc chủ động tăng cường công tác đảm bảo ANTT một cách căn cơ hơn, toàn diện hơn để tạo thuận lợi hơn cho thu hút đầu tư và phối hợp quản lý nhà nước là thực sự cần thiết.
Ông Lê Trung Kiên - Trưởng ban quản lý KKT Hải Phòng cho biết, muốn tạo động lực mạnh mẽ và chắc chắn để làm nền tảng thu hút đầu tư cho giai đoạn 2021-2025, thì bên cạnh việc đầu tư hạ tầng đồng bộ, vấn đề đảm bảo an ninh trật tự tại các KCN, KKT phải luôn được đề cao. Có như vậy, các doanh nghiệp mới yên tâm đầu tư và hoạt động một cách an toàn, ổn định, tạo sức lan toả mạnh mẽ về một điểm đến hấp dẫn.
Được biết, theo quy chế phối hợp được ký kết giữa Ban quản lý KKT Hải Phòng và CATP Hải Phòng, hai bên cũng sẽ cùng tiến hành thẩm định chặt chẽ các dự án đầu tư KCN, KKT, dự án đầu tư thứ cấp, chương trình đề án, dự án hợp tác đầu tư quốc tế, đầu tư nước ngoài vào các địa bàn chiến lược về quốc phòng, an ninh trước khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đồng thời, phối hợp trao đổi thông tin, phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật; phòng ngừa phát hiện âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho cán bộ công nhân viên, người lao động tại các doanh nghiệp trong KCN, KKT; tổ chức tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng bảo vệ và lực lượng PCCC của các doanh nghiệp; tiếp tục cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất theo quy định cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư…
Có thể bạn quan tâm
Hải Phòng: Dùng cơ chế đặc biệt xây dựng cầu Rào 1
03:03, 15/01/2021
Hải Phòng: Sớm nghiên cứu xây dựng cầu Tân Vũ – Lạch Huyện 2
19:37, 15/01/2021
Hải Phòng: Tái cấu trúc để phát triển du lịch
01:05, 15/01/2021
Hải Phòng: Cư dân Pruksa Town bị cắt điện nước, chủ đầu tư nói gì?
05:00, 13/01/2021
Thống nhất chủ trương xây dựng thành phố thuộc thành phố Hải Phòng
00:46, 12/01/2021
“Lối thoát” cho chung cư cũ Hải Phòng
07:00, 11/01/2021