Quảng Ninh: Cần ưu tiên hạ tầng lưới điện trong khu công nghiệp

HẢI NGÂN 24/10/2021 08:57

Sự xuất hiện của hàng loạt dự án lớn tại các KCN trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh thời gian qua đã đặt ra yêu cầu cấp bách trong đảm bảo cung cấp điện cho sản xuất, kinh doanh.

Từ khi hình thành KCN đầu tiên là KCN Cái Lân vào năm 1997, đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã có 10 KCN. Các KCN đóng vai trò quan trọng, đang từng bước khẳng định là mũi đột phá, hạt nhân động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Công nhân thi công nhà máy sản xuất của Công ty Jinko Solar PV Việt Nam tại KCN Sông Khoai (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Công nhân thi công nhà máy sản xuất của Công ty Jinko Solar PV Việt Nam tại KCN Sông Khoai (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Theo BQL KKT tỉnh Quảng Ninh, tính đến hết tháng 9/2021, các KCN, KKT đã thu hút đầu tư tăng thêm được trên 40.300 tỷ đồng. Trong đó, thực hiện cấp mới cho 18 dự án với tổng vốn đầu tư gần 38.000 tỷ đồng; điều chỉnh đầu tư cho 6 dự án, với tổng nguồn vốn trên 2.300 tỷ đồng.

Đặc biệt, dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, song thu hút FDI cấp mới và tăng vốn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trong 9 tháng đầu năm 2021 đạt hơn 1,067 tỷ USD, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ riêng trong tháng 9/2021, Quảng Ninh có 7 dự án FDI được cấp phép mới. Các dự án này, chủ yếu ở lĩnh vực chế biến, chế tạo công nghệ cao, một trong những động lực tăng trưởng mới của Quảng Ninh.

Trong đó phải kể đến KCN Sông Khoai, sau hơn 2 năm tập trung thi công, KCN đã chính thức đón nhà đầu tư thứ cấp là Công ty Jinko Solar PV Việt Nam với tổng số vốn 2 giai đoạn đạt gần 20.000 tỷ đồng. Ngoài ra, KCN hiện đang có 10 nhà đầu tư thứ cấp tiềm năng đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan và một số nước châu Âu cam kết sẽ ký hợp đồng thuê đất để thực hiện các dự án sản xuất, kinh doanh. Trong đó, có 1 nhà đầu tư Nhật Bản sản xuất điện gia dụng, tổng vốn đầu tư dự kiến 150 triệu USD; 1 nhà máy của doanh nghiệp đến từ Nhật Bản sản xuất lĩnh vực ô tô; 3 nhà máy của doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc sản xuất trong lĩnh vực điện tử đã đăng ký đầu tư.

Ngoài KCN Sông Khoai, hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, phần lớn các KCN này đều được chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng cho nhà đầu tư thứ cấp thuê lại đất để thực hiện dự án. Đơn cử, tại KCN Bắc Tiền Phong hiện có 7 nhà đầu tư đăng ký thuê đất thực hiện dự án với tổng diện tích 93,34ha. Còn KCN Nam Tiền Phong, chủ đầu tư đang triển khai dự án khu tổ hợp nhà xưởng và kho, tổng vốn đầu tư khoảng 6,6 triệu USD; tiếp xúc 5 dự án đầu tư các lĩnh vực hóa dầu, hóa chất, nhà xưởng...

Sự xuất hiện của những dự án lớn trong các KCN cũng đặt ra yêu cầu trong việc cung cấp điện an toàn, tin cậy và chất lượng điện tốt nhất, đảm bảo phụ tải cho các dự án này.

Ông Trần Đức Cường - Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật KCN Bắc Tiền Phong và Nam Tiền Phong cho biết: Khi đầu tư vào thị xã Quảng Yên, một trong những vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm chính là khả năng đáp ứng ổn định về chất lượng điện. Hiện các nhà đầu tư này đều đăng ký nhu cầu sử dụng điện khá lớn, trung bình từ 70-100MW/dự án. Mục tiêu của doanh nghiệp là thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao, năng lượng tái tạo nên nhu cầu tiêu thụ điện của những lĩnh vực này rất lớn.

Theo quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2025, có xét đến 2035, KCN Bắc Tiền Phong được quy hoạch cấp điện từ trạm 110kV KCN Tiền Phong 1 với công suất 63MVA và KCN Nam Tiền Phong được cấp điện từ trạm biến áp 110kV KCN Tiền Phong 2 với công suất 40MVA.

Tuy nhiên, theo tính toán của sở Công thương tỉnh Quảng Ninh, khi KCN Bắc Tiền Phong đi vào sản xuất trong năm 2022 thì nhu cầu sử dụng điện đạt công suất lớn nhất là 30MW, đến năm 2025 sẽ là 89,7MW và năm 2030 là 158,8MW. Đối với KCN Sông Khoai, năm 2022 nhu cầu sử dụng điện lên tới 222M và dự kiến là 321MW vào năm 2025. Còn tại KCN Nam Tiền Phong, khi đi vào sản xuất năm 2024 sẽ có nhu cầu tiêu thụ điện đạt công suất lớn nhất là 23,5MW, năm 2025 là 39,4MW và năm 2030 là 80,8M. Như vậy, công suất sử dụng điện trên thực tế của các KCN này cao hơn rất nhiều so với quy hoạch.

Dự kiến KCN Bắc Tiền Phong khi đi vào sản xuất trong năm 2022 thì nhu cầu sử dụng điện đạt công suất lớn nhất là 30MW, đến năm 2030 là 158,8MW

Dự kiến KCN Bắc Tiền Phong khi đi vào sản xuất trong năm 2022 thì nhu cầu sử dụng điện đạt công suất lớn nhất là 30MW, đến năm 2030 là 158,8MW (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Theo ông Bùi Quang Sơn - Trưởng phòng quản lý năng lượng, sở Công thương tỉnh Quảng Ninh, trên cơ sở đề nghị của các nhà đầu tư và thực tế các dự án đã, đang đang triển khai, vừa qua, tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản trình Bộ Công Thương điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh giai đoạn 2016-2025, có xét đến 2035 và Quy hoạch phát triển hệ thống điện 110kV đối với hạng mục cấp điện của các KCN Nam Tiền Phong, Bắc Tiền Phong. Riêng KCN Sông Khoai đang trong quá trình lấy ý kiến các sở, ngành để báo cáo trình UBND tỉnh.

Được biết, trước vấn đề cấp bách trong việc cung cấp điện tại các KCN, phía chủ đầu tư các KCN cũng đã có văn bản đề xuất điều chỉnh tiến độ và quy mô đầu tư xây dựng trạm biến áp 110kV cấp điện. Theo đó, đề nghị nâng quy mô công suất trạm biến áp 110kV KCN Tiền Phong 2 từ 40MVA lên thành 2x63MVA; nâng quy mô công suất trạm biến áp 110kV KCN Tiền Phong 1 từ 63MVA lên thành 2x63MVA, bổ sung mới trạm biến áp 110kV Bắc Tiền Phong có công suất 2x63MVA; xây dựng và cải tạo các tuyến đường dây 110kV.

Ông Nguyễn Tường Văn - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, với phương châm "Hiệu quả của doanh nghiệp là thành công của tỉnh", tỉnh Quảng Ninh cam kết luôn đồng hành với các nhà đầu tư chiến lược trong suốt quá trình thực hiện dự án để cùng hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Ninh chuẩn bị khởi công, khởi động 4 “đại” dự án

    Quảng Ninh chuẩn bị khởi công, khởi động 4 “đại” dự án

    15:56, 22/10/2021

  • Quảng Ninh: Doanh nghiệp tăng tốc sản xuất, đẩy lùi dịch bệnh

    Quảng Ninh: Doanh nghiệp tăng tốc sản xuất, đẩy lùi dịch bệnh

    01:08, 22/10/2021

  • Quảng Ninh: Nâng cao chất lượng và phát triển hiệu quả sản phẩm OCOP

    Quảng Ninh: Nâng cao chất lượng và phát triển hiệu quả sản phẩm OCOP

    01:02, 21/10/2021

  • Quảng Ninh: Cơ hội vàng cho bất động sản công nghiệp

    Quảng Ninh: Cơ hội vàng cho bất động sản công nghiệp

    10:03, 20/10/2021

  • Hải Phòng - Quảng Ninh phối hợp mở lại hoạt động du lịch

    Hải Phòng - Quảng Ninh phối hợp mở lại hoạt động du lịch

    01:00, 19/10/2021

HẢI NGÂN