Quảng Ninh: Doanh nghiệp tăng tốc sản xuất, đẩy lùi dịch bệnh

Diendandoanhnghiep.vn Việc bảo vệ “vùng xanh” an toàn cho các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh đã tạo động lực để các doanh nghiệp trong các KCN, KKT Quảng Ninh vực dậy, tăng tốc sản xuất.

Ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cho biết, việc phát triển nhanh, bền vững các KKT, KCN, CCN trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là nội dung rất quan trọng không chỉ phục vụ yêu cầu phát triển của tỉnh trước mắt mà còn mang tính lâu dài. Trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động ảnh hưởng tới bức tranh kinh tế, việc phát huy giữ vững vai trò trụ cột sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có ý nghĩa quyết định tới sự thành công mục tiêu tăng trưởng GRDP 2 con số năm 2021 của tỉnh. Do đó, các cấp, các ngành phải phối hợp chặt chẽ với BQL KKT tỉnh, các KCN cũng như nhà đầu tư thứ cấp để triển khai các biện pháp đảm bảo mục tiêu “an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn đối với dịch bệnh”.

Công nhân làm việc tại KCN Việt Hưng, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh

Công nhân làm việc tại KCN Việt Hưng, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, 9 tháng đầu năm 2021, GRDP trên địa bàn tỉnh tăng 8,6%, cao hơn so với cùng kỳ 2020. Tuy nhiên, mức độ tăng trưởng này vẫn thấp hơn 1,1 điểm % so với kịch bản tăng trưởng đề ra đầu năm (9,7%). Vì vậy, để đạt được tốc độ tăng GRDP cả năm là 10,5% thì GRDP quý IV/2021 phải tăng 15,3%.

Tuy nhiên, ngành mũi nhọn góp phần vào phát triển kinh tế của tỉnh là các hoạt động du lịch đang gặp khó khăn khi tổng doanh thu du lịch đạt 5.045 tỷ đồng, giảm 59,1% cùng kỳ, bằng 40,9% cùng kỳ năm 2020. Vì vậy, các khu vực công nghiệp, xây dựng được kỳ vọng tiếp tục là động lực để Quảng Ninh bứt phá và tăng tốc trong những tháng cuối năm.

Trước tác động của dịch COVID-19, để chuỗi sản xuất không bị đứt gãy, nâng cao hiệu quả sản xuất ở mức cao nhất, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch. Đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong các KCN, KKT.

Tính đến hết tháng 9/2021, các KCN, KKT của tỉnh đã thu hút đầu tư tăng thêm được trên 40.300 tỷ đồng, đạt 139% so với kế hoạch năm 2021. Tổng kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp trong KCN, KKT tỉnh Quảng Ninh ước đạt 800 triệu USD; kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 1,1 tỷ USD; thu nộp cho ngân sách nhà nước 626 tỷ đồng; trên 32.000 lao động đã được giải quyết vấn đề việc làm.

Trong số các dự án được cấp mới, phải kể đến 2 dự án của công ty TNHH Công nghệ Jinko Solar Việt Nam tại KCN Sông Khoai, thị xã Quảng Yên với tổng mức đầu tư gần 900 triệu USD. Đây là 2 dự án có số vốn đầu tư FDI lớn nhất từ trước đến nay vào địa bàn KCN, KKT của tỉnh Quảng Ninh.

Ông Huang Jinxing - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Jinko Solar Việt Nam cho biết, Quảng Ninh là một trong những địa phương thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19. Do đó, doanh nghiệp đã quyết định lựa chọn đầu tư triển khai dự án mới tại tỉnh. Chỉ sau 6 tháng khi nhận được giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Jinko 1, doanh nghiệp đã được nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Jinko 2. Điều này đã khẳng định sự quan tâm, ủng hộ, đồng hành của tỉnh Quảng Ninh với doanh nghiệp. Phía doanh nghiệp cam kết sẽ nhanh chóng đưa dự án đi vào hoạt động, sản xuất lô sản phẩm đầu tiên ngay trong cuối năm 2021, chậm nhất là tháng 1/2022.

Công nhân làm việc tại Nhà máy S-Việt Nam của Tập đoàn Foxconn tại KCN Đông Mai (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Công nhân làm việc tại Nhà máy S-Việt Nam của Tập đoàn Foxconn tại KCN Đông Mai (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Bên cạnh các dự án được cấp mới và tăng vốn, tận dụng cơ hội do các nước trong khu vực và thế giới bị đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp trong KCN, KKT đã đầu tư thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp trong KCN, KKT đã chi khoảng 8.000 tỷ đồng để đầu tư nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, tình hình sản xuất, kinh doanh tại những địa bàn này vẫn giữ được đà tăng trưởng ổn định. Đơn cử như công ty TNHH Sản xuất bột mỳ VimaFlour thuộc KCN Cái Lân. Ngoài việc duy trì hoạt động 3 dây chuyền sản xuất bột mỳ với tổng công suất xay nghiền tối đa là 1.500 tấn/ngày, phía công ty đã đầu tư thêm 1 dây chuyền sản xuất mới, với công suất 500 tấn/ngày. Dự kiến, dây chuyền sản xuất này sẽ đi vào hoạt động trong tháng 11/2021 để kịp thời đón bắt được thị trường tiêu thụ sản phẩm bột mỳ tăng cao cả ở trong nước và thế giới.

Được biết, để đổi mới mô hình phát triển KCN, KKT, tỉnh Quảng Ninh cũng đang xây dựng đề án xây dựng, phát triển các KKT, KCN, CCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2040. Trong đó, mục tiêu cốt lõi của đề án là đổi mới mô hình phát triển KCN, KKT; phát triển theo chiều sâu, thu hút đầu tư có chất lượng và trọng điểm, tạo đột phá phát triển đóng góp vào tăng trưởng GRDP, thu ngân sách, thu hút lao động chất lượng cao, có kỹ năng gắn với tăng quy mô, chất lượng dân số; gia tăng kim ngạch xuất khẩu; nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, nâng cao hiệu quả sử dụng đất…

Theo ông Nguyễn Xuân Ký – Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh, trong khoảng 10 năm trở lại đây, các KKT, KCN, CCN đã đóng góp vai trò quan trọng vào tăng trưởng GRDP, thu ngân sách của địa phương. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiệu quả phát triển KKT, KCN, CCN của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, nguồn lực tổng hợp khác biệt. Do vậy, các cơ quan chuyên môn sớm hoàn thiện đề án để Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh ban hành nghị quyết. Qua đó, tạo đột phá cho các KKT, KCN trở thành động lực quan trọng để Quảng Ninh phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng với vai trò của cực tăng trưởng toàn diện của phía Bắc trong trạng thái bình thường mới.

Tỉnh Quảng Ninh hiện có 5 KKT, 10 KCN và 7 CCN. Trong đó, các KKT cửa khẩu và KKT ven biển có quy mô lớn, chiếm 1/3 diện tích tự nhiên của tỉnh. Riêng 2 KKT ven biển của Quảng Ninh chiếm 9% tổng diện tích đất các KKT ven biển cả nước.

Trong 5 năm qua, các KKT, KCN, CCN trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã đóng góp từ 3-4% vào tổng thu ngân sách nhà nước. Thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng các KKT, KCN, CCN và các dự án thứ cấp đạt khoảng 7,4 tỷ USD. Trong đó, có 85 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đạt 4,18 tỷ USD.
Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Quảng Ninh: Doanh nghiệp tăng tốc sản xuất, đẩy lùi dịch bệnh tại chuyên mục Kinh tế địa phương của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713572889 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713572889 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10