Quảng Ninh: Vươn tới những mục tiêu cao hơn trong xây dựng nông thôn mới
Có thể thấy khẳng định chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của Quảng Ninh luôn đạt kết quả cao là nhờ huy động sức dân.
>>>Thị trường bất động sản tăng nhiệt từ tuyến đường bao biển Quảng Ninh
>>>Quảng Ninh: Thương mại điện tử “đòn bẩy” cho phát triển kinh tế
Hiện tỉnh Quảng Ninh đã có 92/98 xã trên địa bàn toàn tỉnh đạt chuẩn NTM; 9/13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM. Không dừng lại ở đó, nhiều năm trở lại đây, tỉnh còn tập trung xây dựng NTM kiểu mẫu, NTM nâng cao, với sự đồng lòng, góp sức của người dân trên địa bàn. Dự kiến năm 2021, toàn tỉnh có 216 thôn đạt chuẩn, 904 vườn đạt chuẩn và hơn 8.500 hộ gia đình NTM kiểu mẫu.
Những khó bó vượt
Theo ông Vũ Văn Diện, Bí thư Thành ủy TP Hạ Long: Đến hết năm 2020, TP Hạ Long có 10/12 xã đạt chuẩn NTM. Năm 2021, TP Hạ Long đặt mục tiêu đưa 2 xã còn lại là Đồng Sơn, Đồng Lâm đạt chuẩn NTM (sớm hơn 1 năm so với kế hoạch tỉnh giao); các xã Sơn Dương, Lê Lợi, Thống Nhất đạt chuẩn NTM nâng cao. Trong 2 xã cần về đích NTM năm 2021 gặp rất nhiều trở ngại, do vừa thoát khỏi diện các xã đặc biệt khó khăn; địa hình đồi núi dàn trải; trên 99% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số; hạ tầng kỹ thuật, các thiết chế văn hóa, công trình phúc lợi... chưa được đầu tư đồng bộ.
Trong năm 2021, cấp thành phố và các xã đã tổ chức 17 cuộc kiểm tra, giám sát các nội dung liên quan đến thực hiện xây dựng NTM. Qua đó kịp thời phát hiện một số hạn chế, bất cập như: Các dự án, phương án phát triển sản xuất thực hiện còn ít; các hộ dân chưa mạnh dạn mở rộng quy mô, chưa có sự liên kết chặt chẽ từ sản xuất đến tiêu thụ; một số công trình hạ tầng thực hiện chưa đúng thiết kế và mục tiêu... Từ đầu năm 2021, TP Hạ Long đã phân bổ nguồn lực với tổng nguồn vốn huy động trên 115 tỷ đồng để thực hiện 141 công trình hạ tầng nông thôn thiết yếu.
Bà Lê Thị Hồng – Chủ doanh nghiệp Lê Hồng chia sẻ: Chương trình xây dựng NTM đã đem lại diện mạo mới cho địa phương; cơ hội cho mỗi hộ gia đình đầu tư, phát triển sản xuất. Đến nay, tất cả những công trình được đầu tư từ xã hội hóa đã hoàn thành, bàn giao, đưa vào sử dụng. Nhiều mô hình phát triển sản xuất đang mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Theo ông Bùi Vĩnh Dương - Bí thư Đảng ủy xã, Đồng Sơn Bùi cho biết: Do xuất phát điểm rất thấp, nên trong giai đoạn 2011-2020 xã mới hoàn thành 12 tiêu chí. Cái khó nhất trong xây dựng NTM của xã là các công trình hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ; thứ hai là ý thức của người dân trong vệ sinh môi trường, phát triển kinh tế còn khá trì trệ. Để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân, xã tuyên truyền, vận động các hộ gia đình phát huy lợi thế về lâm nghiệp, cải tạo đất trống, vườn tạp để trồng trọt, chăn nuôi phục vụ nhu cầu sinh hoạt và nâng cao thu nhập. Đến nay, nhiều hộ đã phát triển mô hình chăn nuôi gà Tiên Yên thương phẩm (dự kiến năm 2022 duy trì trên 30.000 con); các hộ đang nuôi tái đàn để xuất bán dịp Tết Nguyên đán 2022; đăng ký trồng khoảng 100ha rừng gỗ lớn giai đoạn 2021-2025.
Huy động sức dân
Với quan điểm xây dựng NTM nâng cao theo tinh thần làm từ nhà ra ngõ, từ thôn đến xã, huyện và tỉnh, người dân được bàn, tự tổ chức và trực tiếp tham gia; các cấp, các ngành, đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chương trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, trong đó tập trung xây dựng khu dân cư mới kiểu mẫu, xã NTM kiểu mẫu, vườn NTM kiểu mẫu, hộ gia đình NTM kiểu mẫu.
>>>Quảng Ninh: Áp dụng khoa học công nghệ nâng cao sản phẩm OCOP
>>>Quảng Ninh: Hỗ trợ phát triển kinh tế cho vùng khó khăn
Từ đầu năm đến nay, người dân các xã đã đóng góp đất, ngày công, tiền mặt, công trình, xây dựng các mô hình trị giá hơn 400 tỷ đồng. Các tổ chức, doanh nghiệp cũng ủng hộ vật chất, công, tiền mặt, đầu tư sản xuất tại các xã trị giá khoảng 1.500 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp tiếp tục nâng cao chất lượng các mô hình, CLB sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP của địa phương. Từ đầu năm đến nay, các xã đã phát triển mới 70 sản phẩm OCOP, nâng tổng số sản phẩm OCOP toàn tỉnh lên 477, trong đó có 224 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên.
Đồng thời, các địa phương cũng tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh tham gia xã hội hóa nguồn lực thực hiện chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyển từ "lượng" sang "chất", đảm bảo thường xuyên, liên tục, lâu dài; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, thay đổi nếp sống cũ... Người dân các xã đều tích cực hưởng ứng phong trào “Ngày chủ nhật xanh”, mô hình “Chống rác thải nhựa”, “Làm sạch bờ biển”...
Từ đầu năm đến nay, đã có hơn 250.000 lượt người dân tham gia thu gom rác, khơi thông cống rãnh, trồng mới các loại cây... Hàng chục km đường liên thôn, đường ngõ xóm được chiếu sáng.
Nhờ sự vào cuộc tích cực của nhân dân, dự kiến hết năm 2021, cả 98 xã trên địa bàn tỉnh đều đạt chuẩn NTM, trong đó có 43 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Tại các xã NTM nâng cao đều đã thực hiện cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp đối với cây trồng chủ lực; có HTX để tập trung sản xuất, bao tiêu sản phẩm; 100% người dân đều có nước sạch để sinh hoạt; hệ thống giao thông đảm bảo an toàn, chiếu sáng; các tuyến đường khu trung tâm tập trung dân cư đều trồng cây xanh tạo cảnh quan, không gian nông thôn sáng - xanh -sạch - đẹp; rác thải được thu gom, phân loại rác tại nguồn. Các công trình hạ tầng nơi đây được quản lý, sử dụng, duy tu, bảo trì, nâng cấp, phát huy hiệu quả đầu tư; hệ thống thuỷ lợi đáp ứng nhu cầu tưới, tiêu toàn bộ diện tích đất sản xuất nông nghiệp tập trung của địa phương.
Ở các xã này, lao động có việc làm qua đào tạo đạt từ 65% trở lên; thu nhập hộ nghèo cao hơn từ 1,2 lần trở lên so với thời điểm công nhận đạt chuẩn NTM; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm từ 0,5 lần trở xuống so với mức quy định đối với vùng. Người dân giữ được bản sắc văn hoá tốt đẹp của địa phương.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung xây dựng xã, huyện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, NTM nâng cao với mong muốn mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân; xóa khoảng cách giữa khu vực thành thị và nông thôn; đưa nông thôn Quảng Ninh trở thành miền quê đáng sống.
Ông Nguyễn Tuấn Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long, khẳng định: Đến thời điểm này các xã đã về đích giai đoạn 2017-2020 cũng được tập trung nguồn lực để nâng chất các tiêu chí. Xác định xây dựng NTM là một hành trình không có điểm dừng, địa phương đã xây dựng Đề án phát triển kinh tế - xã hội. Khi Đề án được triển khai sẽ rút ngắn tối đa khoảng cách chênh lệch vùng miền; đời sống của người dân các xã vùng sâu, vùng xa sẽ có nhiều đổi thay mang tính toàn diện.
Có thể bạn quan tâm
Dịch bệnh phức tạp, Quảng Ninh lên kế hoạch tiêm mũi 3 vaccine COVID-19
21:47, 11/12/2021
Thị trường bất động sản tăng nhiệt từ tuyến đường bao biển Quảng Ninh
03:00, 10/12/2021
Sức hút đầu tư của Quảng Ninh
02:00, 09/12/2021
Quảng Ninh: Thương mại điện tử “đòn bẩy” cho phát triển kinh tế
00:23, 08/12/2021
Quảng Ninh: Chuyển điện than chưa đầu tư sang điện khí, điện gió
00:17, 07/12/2021