Hà Nội thúc đẩy xây dựng 5 đô thị vệ tinh
5 đô thị vệ tinh ở Hà Nội mang đến kỳ vọng giải quyết được nhiều vấn đề như giãn dân, liên kết vùng, phát triển kinh tế… nhưng hơn 10 năm qua, các đô thị vệ tinh vẫn chưa phát triển như kỳ vọng.
>>Bộ Xây dựng tiết lộ tiến độ đô thị vệ tinh Hoà Lạc: Thời của nhà đầu tư dài hạn
Hà Nội đang có nhiều kế hoạch, giải pháp để quy hoạch và xây dựng các đô thị vệ tinh phát triển để mở rộng không gian, giảm áp lực quá tải nội đô, tiến tới một Thủ đô xứng tầm.
Từ một đô thị nhỏ hẹp với 4 quận nội đô, nay Hà Nội có thêm nhiều quận, huyện mới được hình thành. Để Thủ đô phát triển, Hà Nội đã sớm định hướng và quy hoạch 5 đô thị vệ tinh gồm: Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn với tổng diện tích gần 25.000 ha. Theo đó, đô thị vệ tinh có mục tiêu: kéo giãn dân cư, giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường; phát triển hài hòa giữa khu vực trọng tâm và vùng ngoại thành... tạo điều kiện đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, đổi mới cơ cấu đầu tư, thúc đẩy vai trò liên kết của Hà Nội với các tỉnh trong khu vực.
Những tồn tại của đô thị vệ tinh
Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ TTg ngày 26/7/2011 (QH 1259) đã xác định cấu trúc phát triển đô thị của Thủ đô Hà Nội theo mô hình chùm đô thị gồm khu vực đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các thị trấn được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia.
Nhưng do nhiều nguyên nhân mà trong 10 năm qua, đô thị vệ tinh vẫn chưa có bước chuyển biến tích cực. Theo các chuyên gia đô thị, để giải quyết được bài toán đô thị vệ tinh phải giải quyết được những yêu cầu về kết nối giao thông, thu hút dân cư, đầu tư và các vấn đề về đất đai. Tuy nhiên, nhìn vào 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội, tất cả những yếu tố này đều đang còn nhiều tồn tại.
Việc chậm triển khai các đồ án quy hoạch phân khu đô thị tại các đô thị vệ tinh dẫn đến việc các đồ án quy hoạch chi tiết, các dự án đầu tư phát triển đô thị tại các khu vực này đều bị đình trệ.
Theo quy hoạch, đô thị vệ tinh Hòa Lạc (Thạch Thất - Quốc Oai - Thị xã Sơn Tây) là đô thị vệ tinh lớn nhất, hình thành sớm nhất trong số 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội. Nơi đây sẽ hình thành 7 khu vực chức năng; trong đó, hai phân khu quan trọng nhất, là phần lõi của đô thị Hòa Lạc gồm Khu Đại học Quốc gia Hà Nội (HL1) và Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (HL2).
Tại đây có các doanh nghiệp lớn trong nước như: Viettel, VNPT, FPT,..., cùng nhiều nhà đầu tư nước ngoài: Hàn Quốc, Nhật Bản...Tuy nhiên, những dự án trên chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong đô thị Hòa Lạc. Hiện có khoảng 80 dự án được lập từ thời điểm trước khi sát nhập địa giới hành chính, trong đó có khoảng 13 dự án đã và đang triển khai xây dựng, 6 dự án đã có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết, 10 dự án đã giao chủ đầu tư, 18 dự án đã có quyết định giao đất, 4 dự án đã GPMB.
Bên cạnh đó, đô thị vệ tinh Phú Xuyên có vai trò chia sẻ phát triển với khu vực trung tâm về công nghiệp và dịch vụ gắn với cảng và đầu mối tiếp vận cửa ngõ phía Nam Hà Nội. Đây cũng là đô thị đa chức năng về dịch vụ tiếp vận, công nghiệp, cảng, đào tạo, y tế, giải trí và dịch vụ thương mại, trung tâm kinh tế thúc đẩy đô thị hóa khu vực nông thôn vùng Nam Hà Nội. Nhưng hơn 10 năm nay, tại địa phương này chưa có dáng vẻ một đô thị hiện đại như quy hoạch.
Đô thị vệ tinh Sơn Tây mới có 6 dự án đã được phê duyệt và đang đầu tư xây dựng. Đô thị vệ tinh Sóc Sơn có khoảng 23 dự án đã và đang triển khai đầu tư xây dựng, trong đó chủ yếu là các dự án xây dựng hạ tầng xã hội, nhà ở cán bộ, nhà ở công nhân. Đô thị vệ tinh Xuân Mai có khoảng trên 30 dự án, tuy nhiên đa số các dự án trong giai đoạn tạm dừng triển khai hoặc điều chỉnh.
Theo Th.s, KTS Hoàng Long – Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, để phát triển các đô thị này cần kết nối nội vùng, nhưng thực tế cho thấy liên kết giao thông trong các khu vực dự kiến phát triển đô thị vệ tinh tại Hà Nội còn rất yếu. Mật độ mạng lưới đường mới chỉ đạt từ 1 – 1,2km/km2. Các tuyến đường hiện tại chủ yếu vẫn là đường cấp xã, thôn, quy mô mặt cắt nhỏ, chưa có tuyến đường liên kết tới các khu vực đô thị mới, dẫn tới thiếu động lực để phát triển.
Bên cạnh đó, mạng lưới vận tải công cộng chưa được hoàn thiện, hiện tại chỉ có tuyến buýt thường trên các trục đường chính như Đại lộ Thăng Long, Quốc lộ 21, Quốc lộ 1, Quốc lộ 6, Quốc lộ 32, đường Thăng Long – Nội Bài, Nhật Tân – Nội Bài...; hệ thống đường sắt đô thị chưa được đầu tư theo quy hoạch.
>>Hà Nội thúc đẩy công nghiệp văn hoá
Giải pháp để đô thị vệ tinh phát triển
Để các đô thị vệ tinh của Hà Nội có thể hình thành và phát triển thành những đô thị mới đáng sống. Trước tiên, cần hoàn thiện mạng lưới giao thông, vận tải nhanh, vận tải công cộng đồng thời, thu hút những nhà đầu tư có tâm, có tầm để xây dựng nên những trung tâm mới, đủ sức cạnh tranh với nội đô và các đô thị lân cận. Đặc biệt quan trọng hơn cả chính là tạo dựng môi trường sống lành mạnh, chất lượng cao nhằm hấp dẫn mọi đối tượng cư dân mới của đô thị.
Theo KTS Lã Thị Kim Ngân, Nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, hơn 10 năm qua, chúng ta đã bàn rất nhiều về 5 đô thị vệ tinh, những hình ảnh để lại tại các khu vực này chỉ là những điểm dân cư nông thôn, những thị trấn hiện hữu và gần như không nhìn thấy cơ hội phát triển nào. Nhưng ngược lại, gần đây nhất chúng ta lại nhìn thấy một xu hướng đầu tư những khu đô thị nằm ra khỏi hệ thống quy hoạch đô thị vệ tinh của Hà Nội nhưng lại được phát triển mạnh mẽ, có sức hấp hẫn vô cùng lớn như các Khu đô thị Ecopark, Ocean Park 1, 2, 3 tại phía Đông Hà Nội.
"Từ thực tế cho thấy, các dự án đầu tư không vào quỹ đạo của quy hoạch hay nói cách khác quy hoạch đang xa rời thực tế đầu tư. Do đó, đây là câu chuyện mà Hà Nội cần phải bàn rất sâu trong điều chỉnh quy hoạch chung lần này cũng như Chương trình phát triển đô thị đang xây dựng, nếu không thì các quy hoạch sẽ phá sản và trở thành các quy hoạch treo", KTS Lã Thị Kim Ngân cho biết.
Cũng theo KTS Lã Thị Kim Ngân, vai trò của người làm tư vấn quy hoạch cần quyết liệt hơn nữa. Làm thế nào để những ý tưởng quy hoạch sát thực tế, chứ không phải là những ý tưởng để lại những mảnh đất rất manh mún về đầu tư, không kết nối với nhau, thiếu tính thực tiễn.
Đưa ra giải pháp cụ thể, Phó trưởng Phòng Quản lý quy hoạch phát triển các đô thị vệ tinh và nông thôn, Sở QH – KT Hà Nội, Lã Hồng Sơn đưa ra kiến nghị, Hà Nội cần thiết lập nhanh sự liên kết về giao thông và kinh tế. Đồng thời tập trung nguồn lực đầu tư công vào các đường Vành đai III, IV, V và các đường cao tốc nối trực tiếp tạo điều kiện liên kết.
"Bên cạnh đó, Hà Nội sớm nghiên cứu ban hành chính sách hạn chế sự phát triển lan tỏa từ các đô thị trung tâm. Đặc biệt, khuyến khích thu hút đầu tư, kích thích phát triển cho các ĐTVT, tạo thành các cự phát triển mới như ĐTVT Hòa Lạc, Sóc Sơn, Phú Xuyên...", ông Lã Hồng Sơn nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Hà Nội: Rà soát toàn bộ chung cư cũ cần cải tạo
08:01, 16/11/2022
Hà Nội đón đoàn famtrip quốc tế đầu tiên sau dịch COVID-19
16:58, 14/11/2022
Hà Nội lên tiếng việc xây nhà cao tầng đường Lê Văn Lương phù hợp quy hoạch
12:15, 14/11/2022
Phát triển vành đai xanh cho đô thị Hà Nội
13:30, 12/11/2022
Hà Nội thúc đẩy công nghiệp văn hoá
12:28, 12/11/2022
Bất cập quản lý quy hoạch kiến trúc khu vực nông thôn Hà Nội
00:10, 11/11/2022
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Đưa vào hoạt động các giảng đường, ký túc xá ĐHQG Hà Nội tại Hòa Lạc
21:59, 25/08/2022
Quy hoạch đô thị vệ tinh Hòa Lạc
17:22, 08/06/2021
Đại học Quốc gia Hà Nội: 100% hoạt động điều hành và 15.000 sinh viên được chuyển lên Hoà Lạc
16:00, 31/05/2021
Bộ Xây dựng tiết lộ tiến độ đô thị vệ tinh Hoà Lạc: Thời của nhà đầu tư dài hạn
17:42, 07/06/2021