Phát triển vành đai xanh cho đô thị Hà Nội

Diendandoanhnghiep.vn Quá trình đô thị hóa quá nhanh đang khiến cho không gian xanh của Hà Nội ngày một thu hẹp, do đó quy hoạch để giữ "sắc xanh" trong bức tranh tổng thể vẫn là tâm điểm thu hút sự quan tâm của người dân.

>> Quy hoạch Hà Nội thành không gian sống xứng tầm Thủ đô

Tại Đồ án Quy hoạch chung Hà Nội, không gian xanh của Thủ đô bao gồm: hành lang xanh, vành đai xanh dọc sông Nhuệ, các nêm xanh, công viên đô thị; trong đó, hành lang xanh gồm khu vực nông thôn, hệ thống sông hồ, đồi núi, rừng tự nhiên, vùng nông nghiệp… được bảo vệ nghiêm ngặt để trở thành khu hậu cần phục vụ đô thị, giữ gìn cảnh quan và đảm bảo môi trường sống.

Nhưng với việc các khu đô thị liên tục mọc lên, đồng nghĩa với việc không gian xanh giảm xuống, xu hướng phát triển theo kiểu “vết dầu loang” gây ra hàng loạt hệ lụy như suy giảm sự tập trung phát triển khu vực trung tâm; gia tăng phương tiện cá nhân, gây tắc nghẽn giao thông giảm chất lượng không khí; tốn kém đầu tư và duy trì hệ thống hạ tầng; mất mát không gian xanh, đất nông nghiệp...

Hệ luỵ phát triển đô thị nóng

Khi có thông tin Trung tâm hành chính Quốc gia chuyển về phía Tây thời điểm trước năm 2010, hàng loạt các khu đô thị được xây dựng tại các quận huyện Từ Liêm, Quốc Oai, Hoài Đức, Thạch Thất. Thế nhưng, cho đến nay, mới chỉ giới hạn đến khu vực quận Bắc Từ Liêm là có người ở, còn lại các khu đô thị ở quận huyện khác phần lớn không được lấp đầy gây ra tình trạng lãng phí và giảm thiểu không gian xanh.

Quá trình đô thị hóa quá nhanh đang khiến cho không gian xanh của Hà Nội ngày một thu hẹp (Ảnh: Internet)

Quá trình đô thị hóa quá nhanh đang khiến cho không gian xanh của Hà Nội ngày một thu hẹp (Ảnh: Internet)

Theo TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, những năm qua, Hà Nội dường như tập trung phát triển đô thị theo chiều rộng hơn chiều sâu, quy hoạch chưa gắn với kế hoạch xây dựng, vì đó quá tải hạ tầng, với hàng trăm chung cư, khu đô thị tại khu Tây Hà Nội chính là bằng chứng của quá trình phát triển đô thị theo hình thức “vết dầu loang”, "xôi đỗ". Nếu quá trình này không được kiểm soát, trong thời gian dài sẽ dẫn tới hiện tượng quá tải dân số ở một số khu vực, dẫn tới hàng loạt hệ lụy như tắc đường, ngập lụt, thiếu không gian xanh.

"Nếu quá trình này không được kiểm soát, việc phát triển đô thị theo hình thức “xôi đỗ” đã khiến đô thị bị mất đi tính cân bằng, tạo ra một thành phố không hài hòa, méo mó và chắp vá”, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.

Cũng theo KTS Vũ Hoài Đức, giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội, quá trình xây dựng và mở rộng không gian đô thị đã chiếm dụng một diện tích lớn đất nông nghiệp. Dù hiện chưa có con số thống kê mới nhất nhưng giai đoạn từ năm 2000 - 2007, diện tích đất nông nghiệp tại Hà Nội giảm từ hơn 40.000ha xuống còn hơn 37.000ha.

"Trong khi đó, đất xây dựng đô thị tăng lên từ hơn 4.000ha lên hơn 17.000ha. Việc giảm dần diện tích cây xanh và mặt nước, đất nông nghiệp đã làm cho môi trường sống và bộ mặt cảnh quan đô thị Hà Nội cũng dần bị biến đổi theo chiều hướng ngày một bất lợi hơn, bên cạnh đó cũng ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân ngoại thành" - KTS Vũ Hoài Đức cho biết.

>> Quy hoạch Hà Nội: Đảm bảo đủ tiêu chí thành phố trong Thủ đô

Giữ vành đai xanh cho Hà Nội

Theo bản quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011 tại Quyết định số 1259 (gọi là QHC1259) đã đưa ra một tầm nhìn rất quan trọng cho Hà Nội. Đó là phát triển theo mô hình chùm đô thị, gồm đô thị trung tâm gắn với 5 đô thị vệ tinh là Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên và chiến lược “hành lang xanh, vành đai xanh, nêm xanh”.

Định hướng quy hoạch Vành đai xanh sông Nhuệ trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Ảnh: Internet)

Định hướng quy hoạch Vành đai xanh sông Nhuệ trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Ảnh: Internet)

Với diện tích trên 3.300km2 nhưng quy hoạch chỉ dành 30% là đất xây dựng đô thị, còn lại 70% là mạng lưới cây xanh, hành lang xanh, toàn bộ hành lang đó chạy quanh sông Hồng, sông Đáy, sông Nhuệ. Với cấu trúc này Hà Nội có đủ điều kiện để phát triển một cách tốt nhất, cân bằng mối quan hệ giữa bảo tồn các tài nguyên thiên nhiên hiện có và phát triển đô thị và duy trì được khu vực hành lang xanh.

Nhưng đến thời điểm hiện tại, sau hơn 10 năm triển khai quy hoạch, đô thị trung tâm phát triển tương đối mạnh, bên cạnh đó, 5 đô thị vệ tinh do nhiều nguyên nhân chưa có điều kiện phát triển. Có thể thấy, chiến lược bố trí dân cư vào các đô thị vệ tinh không đạt kết quả và phát triển đô thị theo kiểu “vết dầu loang” đang đe dọa chiến lược hành lang xanh của Thủ đô.

Theo Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trúc Anh cho hay, vành đai xanh sông Nhuệ có diện tích khoảng 4.500ha. Đây là vùng không gian xanh sinh thái chuyển tiếp giữa khu vực nội đô và vùng đô thị mở rộng, được coi là khu vực nhằm để “gói lại” đô thị trung tâm, tránh phát triển đô thị lan tỏa. Khu vực này chủ yếu bố trí trồng cây xanh, xây dựng các dự án công viên lớn.

“Chúng ta cần “phanh” lại các dự án, giữ đất để trồng cây hoặc phát triển hệ thống nông nghiệp sinh thái công nghệ cao thì mới có thể giữ lại, nếu không chúng ta sẽ mất khu vực vành đai xanh quan trọng này”, ông Nguyễn Trúc Anh nhấn mạnh.

Hà Nội phải có các giải pháp quản lý sự phát triển của đô thị, đồng nghĩa sớm có chương trình phát triển đô thị. Và một trong yếu tố quan trọng là phải duy trì bằng được các khu vực hành lang xanh, vành đai xanh hướng tới đô thị phát triển bền vững (Ảnh: Internet)

Hà Nội phải có các giải pháp quản lý sự phát triển của đô thị, đồng nghĩa sớm có chương trình phát triển đô thị. Và một trong yếu tố quan trọng là phải duy trì bằng được các khu vực hành lang xanh, vành đai xanh hướng tới đô thị phát triển bền vững (Ảnh: Internet)

Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai quy hoạch vành đai xanh chưa được chú trọng bảo vệ, phát triển. Tại đây, các khu đô thị được thực hiện với rất nhiều dự án riêng lẻ, thiếu liên kết, thiếu đồng bộ kết nối, đặc biệt chưa có dự án công viên cây xanh vui chơi giải trí được đầu tư quy mô lớn theo đúng QHC1259 được duyệt.

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 cho thấy, tại khu vực hành lang xanh gồm toàn bộ khu vực nông thôn Hà Nội, trong thời gian qua, tình trạng chuyển đổi đất nông nghiệp sang các loại đất khác vẫn chưa được kiểm soát. Việc phát triển các dự án hạ tầng kinh tế - xã hội vẫn còn hạn chế. Cùng đó, việc giữ gìn các khu vực bảo tồn tự nhiên, cảnh quan đặc thù chưa kiểm soát được chặt chẽ.

Do đó, trong quá trình Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung 1259 tới đây cần có giải pháp khuyến khích phát triển du lịch sinh thái, phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, giữ gìn các khu vực bảo tồn tự nhiên, cảnh quan đặc thù. Đồng thời nghiêm cấm phát triển đô thị, xây dựng các công trình quy mô lớn làm phá vỡ cảnh quan tự nhiên…

Đô thị hóa nhanh chóng gây ra áp lực lớn lên chất lượng sống, tài nguyên và môi trường, các chuyên gia đô thị cho rằng, Hà Nội phải có các giải pháp quản lý sự phát triển của đô thị, đồng nghĩa sớm có chương trình phát triển đô thị. Và một trong yếu tố quan trọng là phải duy trì bằng được các khu vực hành lang xanh, vành đai xanh hướng tới đô thị phát triển bền vững.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Phát triển vành đai xanh cho đô thị Hà Nội tại chuyên mục Bất động sản của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713508382 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713508382 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10