Dự án Vành đai 2 TP.HCM sẽ cần hơn 4.543 tỉ đồng để làm 2,5 km, đoạn đường từ Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng và nút giao 3 tầng.
>>Dự án vành đai 2 TP.HCM bao giờ khép kín?
Khép kín Vành đai 2 phía đông…
Cụ thể, báo cáo tại kỳ họp thứ 13 của HĐND TP.HCM, sáng ngày 6/12/2023, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan trình bày tờ trình điều chỉnh chủ trương dự án Vành đai 2, đoạn từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng dài 2,5 km.
Theo kế hoạch, dự án có tổng mức đầu tư 4.543 tỉ đồng, gồm 2 dự án thành phần. Trong đó, cấu phần xây lắp 2.587 tỉ đồng do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông làm chủ đầu tư. Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư do Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng TP.Thủ Đức thực hiện với tổng kinh phí 1.956 tỉ đồng.
Về kế hoạch GPMB, ông Hoan cho biết, TP.HCM sẽ giải phóng mặt bằng một lần theo theo lộ giới quy hoạch 67 m và nút giao đường Phạm Văn Đồng - Vành đai 2 (phía bên phải đường Phạm Văn Đồng theo hướng đi Quốc lộ 1K).
Tuy nhiên, trước mắt, chủ đầu tư sẽ xây dựng 2 đường song hành hai bên rộng 16,5 m, đáp ứng 3 làn xe, khoảng giữa rộng 34 m tạm thời để trống; đồng thời hoàn chỉnh vỉa hè, cây xanh, chiếu sáng, hệ thống thoát nước mưa, thoát nước sinh hoạt dọc đường.
Trên tuyến đường này còn có cầu Rạch Ngang dài 66 m, nút giao Phạm Văn Đồng - Vành đai 2 gồm 3 tầng.
Về tiến độ cụ thể, ông Hoan cho biết, sau khi được thông qua chủ trương vào cuối năm nay, đến đầu năm 2024 bắt đầu công tác bồi thường, khảo sát, lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, lựa chọn nhà thầu. Dự kiến, dự án sẽ được khởi công trong quý 3/2025 và hoàn thành quý 2/2027.
Cũng theo ông Hoan, đường Vành đai 2 là tuyến đường quan trọng, kết nối các khu công nghiệp, đô thị và các tuyến đường trục xuyên tâm, nhằm giảm tải cho khu vực nội đô, góp phần tăng khả năng kết nối giao thông với các tuyến đường bộ hướng tâm.
Hiện, lượng hàng hóa tập trung về khu vực phía đông ngày càng tăng, đặc biệt là khu vực cảng Cát Lái, hàng hóa vận chuyển đi và đến cảng chủ yếu bằng đường bộ, gây áp lực lên hệ thống hạ tầng giao thông hiện hữu.
Do đó, ông Hoan lưu ý, việc đầu tư xây dựng khép kín tuyến đường Vành đai 2, trong đó bao gồm xây dựng đoạn từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng là hết sức cấp thiết, cần triển khai thực hiện ngay nhằm giải quyết vận chuyển hàng hóa các cảng.
Toàn tuyến Vành đai 2 dài 64 km, quy mô 6 - 10 làn xe. Đến nay, tuyến đường này mới hoàn thành khoảng 50 km, còn 14 km chưa khép kín, chia làm 4 đoạn, bao gồm đoạn từ đường Võ Nguyễn Giáp đến Phạm Văn Đồng.
>>Dự án Vành đai 2 TP.HCM: Áp lực chi phí giải phóng mặt bằng
… và các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm
Đáng chú ý, liên quan tới kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn TP, Sở GTVT TP.HCM cũng từng đề xuất với UBND TP trình HĐND TP xem xét thông qua chủ trương đầu tư 10 dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng giao thông trọng điểm, gồm: dự án cầu đường Nguyễn Khoái có tổng mức đầu tư hơn 3.700 tỉ đồng (chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng là hơn 1.264 tỉ đồng và chi phí xây dựng là 1.748 tỉ đồng).
Nếu dự án được thông qua, Sở GTVT TP.HCM dự kiến trong năm 2024 sẽ hoàn thành các thủ tục để tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công và khởi công xây dựng công trình, bao gồm các hạng mục cầu và đường dẫn phía quận 1 vào quí 3/2024. Năm 2025 hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án, bàn giao toàn bộ mặt bằng thi công. Năm 2026 - 2027 tổ chức thi công hoàn thành toàn bộ công trình đưa vào khai thác, giúp giảm tải cho cầu Kênh Tẻ, mở trục đường mới từ khu Nam ra - vào trung tâm TP.HCM.
Ở khu Đông, dự án đường Vành đai 2 (đoạn 2 - từ đường Võ Nguyên Giáp đến Phạm Văn Đồng, thuộc TP.Thủ Đức) dài khoảng 2,75 km với tổng mức đầu tư khoảng 4.543 tỉ đồng sẽ được thực hiện bằng vốn ngân sách TP.HCM. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng theo lộ giới quy hoạch 67m khoảng 1.956 tỉ đồng.
Dự án sẽ đầu tư đường song hành hai bên, mỗi đường rộng 16,5m, đáp ứng 3 làn xe, đồng thời xây dựng 2 nhánh cầu Rạch Ngang, xây dựng nút giao 3 tầng tại giao lộ Phạm Văn Đồng - Vành đai 2. Đoạn đường này khi hoàn thành sẽ góp phần khép kín Vành đai 2 dài 60 km, giúp phân luồng, giảm áp lực giao thông nội đô và kết nối cảng biển, các tuyến giao thông quan trọng khác như Xa lộ Hà Nội, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, quốc lộ 1, 13...
Cũng tại khu Đông, 2 dự án quan trọng khác là nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Thị Định (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố đến cầu Mỹ Thủy) với tổng mức đầu tư hơn 2.075 tỉ đồng và dự án mở rộng đường Đỗ Xuân Hợp tổng vốn hơn 868 tỉ đồng cũng nằm trong danh sách này.
Tại cửa ngõ phía tây, dự án nâng cấp, mở rộng đường Vĩnh Lộc (Hương lộ 80, từ Tỉnh lộ 10 đến ranh huyện Hóc Môn) có tổng mức đầu tư 4.344 tỉ đồng cũng dự kiến được trình thông qua chủ trương trong kỳ họp tháng 11.
Để làm tốt công tác quản lý, khai thác hạ tầng giao thông trên địa bàn TP.HCM, Sở GTVT đề xuất 3 dự án tổng vốn hơn 590 tỉ đồng, gồm: Tăng cường năng lực khai thác, đảm bảo an toàn giao thông (hơn 350 tỉ đồng); đầu tư hệ thống điều khiển giao thông linh hoạt các trục giao thông chính (180 tỉ đồng); đầu tư bổ sung hệ thống camera giám sát phục vụ công tác kiểm soát giao thông (60 tỉ đồng).
Ngoài ra, Sở đề xuất chi gần 49 tỉ đồng lắp thang máy tại các cầu vượt bộ hành kết nối nhà ga trên cao tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) nhằm phục vụ tốt hơn cho người già, trẻ em và người khuyết tật.
Có thể bạn quan tâm
05:32, 15/09/2023
12:26, 22/11/2022
01:18, 17/11/2022
11:52, 31/05/2021
06:30, 17/10/2020