Thái Nguyên tiến hành khảo sát, đánh giá DDCI lần thứ 2
Sau thành công lần thứ nhất năm 2021, năm nay, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục tiến hành khảo sát, đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương – DDCI năm 2022 với nhiều điểm mới.
>>> Thái Nguyên: PCI và DDCI giúp chính quyền năng động hơn
Kế thừa thành công từ DDCI 2021
Nếu như PCI là cuộc khảo sát đánh giá ở quy mô cấp quốc gia (chấm điểm giữa các tỉnh), thì DDCI là cuộc khảo sát, đánh giá ở cấp tỉnh, với cách thức tiến hành, triển khai tương tự, nhằm lấy ý kiến đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp đến từng sở, ban, ngành, UBND cấp huyện về thực trạng điều hành kinh tế. Qua đó giúp cấp ủy, chính quyền tỉnh đánh giá được thực tế môi trường kinh doanh một cách đầy đủ, toàn diện hơn.
Năm 2021 là năm đầu tiên Thái Nguyên tiến hành triển khai đánh giá Bộ chỉ số này. Quá trình triển khai luôn nhận được sự đồng thuận ủng hộ và đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh.
Sau một năm triển khai khảo sát, đánh giá DDCI, các đơn vị trên địa bàn tỉnh đã sớm chủ động tiếp cận, hành động và thích ứng khá nhanh nhạy. Việc thực hiện đánh giá chỉ số DDCI là một trong những yếu tố quan trọng góp phần để các sở, ban, ngành, địa phương nâng cao chất lượng tham mưu, điều hành kinh tế, kịp thời, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Nhiều điểm mới trong DDCI 2022
Ông Nguyễn Trọng Hiếu, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên cho biết, trên cơ sở kinh nghiệm đã triển khai khảo sát, đánh giá DDCI năm 2021, vừa qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã được UBND tỉnh giao nhiệm vụ chủ trì triển khai khảo sát Bộ chỉ số DDCI năm 2022, tiếp tục phối hợp với đơn vị tư vấn và các sở, ban, ngành, địa phương cải tiến, điều chỉnh về phương pháp cũng như cách thức thực hiện theo quy định, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn của từng đơn vị.
Hiện tại, Trung tâm Tư vấn và Xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Nguyên (thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư) và Viện Công nghệ truyền thông và Kinh tế số - iDEC (đơn vị tư vấn độc lập) đang triển khai các bước theo đúng quy trình thực hiện điều tra, khảo sát, đánh giá DDCI năm 2022.
Bên cạnh việc giữ nguyên các chỉ số thành phần của năm trước, ông Nguyễn Trọng Hiếu cho biết, DDCI 2022 có một số thay đổi nhằm góp phần nâng cao chất lượng.
Đầu tiên là về đối tượng khảo sát. Nếu như năm 2021, đối tượng được khảo sát, đánh giá chỉ là 11 sở, ban, ngành thì năm 2022 tăng lên 23 sở, ban, ngành. Như vậy, số các đơn vị được đánh giá đã có sự gia tăng đáng kể trên cơ sở đề xuất, nguyện vọng của chính các doanh nghiệp và nhiều sở, ngành.
Về quy mô, hình thức điều tra, khảo sát. Năm 2021, tiến hành thực hiện điều tra, khảo sát 1.000 đơn vị, bao gồm các doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động đầu tư, sản xuất kinh, doanh trên địa bàn tỉnh. Do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp vào thời điểm tiến hành khảo sát nên năm 2021, đơn vị chức năng tiến hành theo 2 hình thức: Khảo sát online 900 doanh nghiệp và khảo sát qua đường bưu điện 100 doanh nghiệp.
>>> Thái Nguyên lần đầu công bố Chỉ số DDCI
>>> DDCI Thái Nguyên: Giải pháp phát triển kinh tế - xã hội bền vững
Tại DDCI năm 2022, số đơn vị tư vấn khảo sát, đánh giá trên 1.500 doanh nghiệp. Đây đều là những doanh nghiệp có tương tác hoặc sử dụng dịch vụ hành chính công của các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2022 đến ngày 31/12/2022 và phải có phát sinh giao dịch tại các cơ quan Thuế, với khoảng 2.500 phiếu khảo sát. Trong đó, khảo sát khối địa phương 500 phiếu (mỗi doanh nghiệp chỉ đánh giá 1 địa phương nơi đặt trụ sở chính hoặc địa phương nơi doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn khảo sát); Khảo sát khối sở, ban, ngành là 2.000 phiếu (đối với khối sở, ban, ngành, doanh nghiệp tham gia khảo sát sẽ đánh giá 1 sở, ban, ngành trực tiếp và 1 phiếu đánh giá thêm 1 sở, ban, ngành có liên hệ giải quyết TTHC hoặc có hiểu biết nhất).
Khảo sát DDCI được thực hiện thông qua 2 hình thức: (1) Phỏng vấn trực tiếp 25% tổng số phiếu phát ra tại doanh nghiệp hoặc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh/Bộ phận một cửa cấp huyện, thành phố, nhằm xác thực thông tin, kiểm soát chất lượng; (2) 75% tổng số phiếu phát ra bằng hình thức thư tín, qua điện thoại, trực tuyến, trong đó chủ yếu là khảo sát bằng thư tín qua đường bưu điện.
Đánh giá quá trình thực hiện, ông Chu Văn Khanh, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Nguyên cho rằng, với cách thức khảo sát, đánh giá DDCI một cách linh hoạt, phương pháp khảo sát thực hiện khách quan, bảo mật và công tâm, có thể nói, kết quả đánh giá các đơn vị hoàn toàn là cảm nhận khách quan của doanh nghiệp. Vì thế, qua kết quả này, từng sở, ban, ngành, địa phương sẽ thấy được đơn vị mình đang ở đâu, tốt, chưa tốt và cần cải thiện những gì.
Ngay từ cuối tháng 3/2023, iDEC đã tiến hành phân loại, gửi phiếu điều tra, khảo sát đến các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Hiện tại, đơn vị đang thực hiện thu thập và tổng hợp số liệu khảo sát. Dự kiến trong tháng 5/2023 sẽ tổ chức công bố kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương năm 2022.
Có thể bạn quan tâm
PCI – Động lực tăng trưởng kinh tế Thái Nguyên
12:26, 04/05/2023
Thái Nguyên đáp ứng tốt thị trường lao động
11:01, 27/04/2023
Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050: Thái Nguyên tạo đột phá ra sao?
16:32, 15/04/2023
Thái Nguyên: Sức khỏe doanh nghiệp là sức khỏe của địa phương
05:56, 12/02/2023
Thái Nguyên hướng tầm nhìn xa hơn
02:00, 31/12/2022