Thái Nguyên đã không ngừng triển khai các hoạt động đào tạo lao động, đặc biệt là lao động phục vụ cho ngành công nghiệp.
>>Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên: Chủ động tạo sức hút mới
Chỉ số đào tạo lao động là 1 trong 10 chỉ số thành phần PCI, năm 2022 của tỉnh Thái Nguyên đứng thứ 12 toàn quốc; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72%, cao hơn so với bình quân chung của cả nước; 94% người lao động tại tỉnh đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng lao động.
Giám đốc Sở LĐ-TBXH Thái Nguyên Nguyễn Thị Quỳnh Hương cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các DN, nhất là doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) của Thái Nguyên đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ; nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng sát với yêu cầu thực tế của doanh nghiệp.
Tỉnh cũng tổ chức hoạt động kết nối cung – cầu năng động, sáng tạo, hình thành mạng lưới kết nối trong toàn tỉnh và kết nối với các địa phương khác trong vùng. Trong năm 2022, toàn tỉnh đã tiến hành thu thập, cập nhật dữ liệu cung lao động của 178 xã, phường, thị trấn với trên 556.000 lượt dữ liệu về người lao động; trên 5.000 lượt DN trên địa bàn tỉnh; đã tổ chức trên 100 phiên giao dịch việc làm, hội nghị giới thiệu việc làm, thu hút hơn 33.000 lượt người tham gia, kết nối, giới thiệu việc làm thành công, cung ứng hàng chục nghìn lao động cho các DN trong và ngoài tỉnh.
Bên cạnh đó, công tác GDNN, hợp tác phát triển nguồn nhân lực cũng được tỉnh quan tâm, chú trọng đầu tư được thực hiện đồng bộ, cùng nhiều giải pháp sát với thực tế, đáp ứng yêu cầu của các DN và người sử dụng lao động. Hiện trên địa bàn tỉnh có 34 cơ sở GDNN và các tổ chức được cấp phép hoạt động GDNN; năm 2022 tuyển sinh và đào tạo nghề cho trên 38.000 người, tạo việc làm tăng thêm cho 25.000 người.
Tuần cao điểm kết nối cung - cầu lao động tỉnh Thái Nguyên năm 2023 diễn ra từ ngày 10 đến hết ngày 17/4, có sự tham gia của gần 100 đơn vị, DN, cơ sở GDNN và thu hút trên 4.000 người lao động, học sinh, sinh viên đến tìm hiểu cơ hội việc làm, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động. Chương trình diễn ra tại 23 điểm giao dịch, gồm: Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thái Nguyên, các điểm giao dịch thuộc 9 huyện, thành phố, các trường đại học, cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh và Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh khu vực phía Bắc. Ở các điểm giao dịch diễn ra 17 hoạt động quảng bá, tư vấn, kết nối cung - cầu lao động giữa các DN, cơ sở đào tạo và người lao động. Trong khuôn khổ Tuần cao điểm, diễn ra nhiều hoạt động kết nối việc làm như: Ngày hội việc làm tỉnh Thái Nguyên năm 2023; chương trình Tư vấn tuyển sinh, tư vấn GDNN, giáo dục đại học năm 2023; hội thảo kết nối giữa nhà trường, DN và học sinh, sinh viên; ký kết và trao biên bản ghi nhớ về tuyển sinh đào tạo, tuyển dụng lao động...
Được sự hỗ trợ của Trung tâm quốc gia về dịch vụ việc làm, người lao động tại Thái Nguyên sẽ được kết nối, giao dịch trực tuyến với sàn giao dịch việc làm của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Các hoạt động trong tuần cao điểm sẽ tiếp tục được thực hiện kết nối trong công tác đào tạo, định hướng nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Thời gian qua UBND tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác truyền thông về GDNN; quan tâm phát triển thị trường lao động; tăng cường tư vấn cho người lao động các chính sách pháp luật về lao động, việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước và của tỉnh Thái Nguyên về việc làm, đào tạo nghề; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động giao dịch việc làm theo hướng hiện đại trên nền tảng công nghệ số…
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời gian tới, bà Hương cho biết, tỉnh đặt mục tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73%, phát huy hiệu quả của hệ thống thông tin thị trường lao động, tăng cường sự gắn kết giữa cơ sở GDNN với DN. Cùng với đó, duy trì các phiên giao dịch việc làm định kỳ, phiên lưu động để người lao động có cơ hội học nghề và tìm kiếm việc làm phù hợp.
Tiếp tục thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách chương trình, dự án tạo nhiều việc làm, giải quyết việc làm cho người lao động, Sở đã phát triển đồng bộ các yếu tố về thị trường lao động trong nước, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về thị trường lao động, triển khai thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp, quản lý đối tượng lao động là người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam…
Có thể khẳng định, những năm qua mặc dù còn khó khăn, thách thức, công tác đào tạo lao động nhận được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị của tỉnh. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo lao động, chỉ số Đào tạo lao động, chỉ số thành phần PCI góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh Thái Nguyên trong năm 2023.
Có thể bạn quan tâm