Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Tăng tốc hoàn thành toàn diện chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2023
Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang quyết liệt triển khai các giải pháp để đạt được mọi mục tiêu đề ra trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
>>>Bà Rịa - Vũng Tàu: Tăng cường gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư
Tại cuộc họp thường kỳ UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) nhằm đánh giá tình hình KT-XH, quốc phòng, an ninh 10 tháng - năm 2023 và triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian còn lại của năm 2023, ông Nguyễn Văn Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh (BR-VT) cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, phấn đấu hoàn thành toàn diện chỉ tiêu KT-XH năm 2023.
Ước thực hiện cả năm 2023, có 9/14 chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng đạt và vượt mức chỉ tiêu kế hoạch, gồm: Giá trị sản xuất công nghiệp (trừ dầu thô và khí đốt) ước tăng 9,47% so với năm 2022, cao hơn kế hoạch đề ra (NQ tăng 9,24%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa ước tăng 12,94% so với năm 2022, vượt kế hoạch đề ra (NQ tăng 11,31%); thu hút mới đầu tư trong và ngoài nước tăng số lượng dự án và cả số vốn đăng ký; Doanh thu dịch vụ lưu trú ước tăng 13,77% so với năm 2022, vượt kế hoạch đề ra (NQ tăng 11,16%). Doanh thu dịch vụ lữ hành ước tăng 72,09% so với năm 2022, vượt kế hoạch đề ra (NQ tăng 12,83%). Tổng thu ngân sách ước khoảng 92.900 tỷ đồng, đạt 104,9% dự toán (NQ cả năm 88.591 tỷ đồng), bằng 82,9% so với năm 2022.
Bên cạnh kết quả tích cực nêu trên, vẫn còn những chỉ tiêu, nhiệm vụ thấp hơn kế hoạch. Vì vậy, trong 2 tháng cuối năm, các sở, ngành, địa phương của (BR-VT) sẽ tập trung tìm giải pháp khắc phục một số nhiệm vụ đạt thấp như: doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải; kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa…
Theo ông Nguyễn Văn Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh (BR-VT), những lĩnh vực chưa đạt kết quả như kỳ vọng có một phần nguyên nhân do doanh nghiệp gặp khó trong sản xuất, kinh doanh.
Dồn lực, chạy đua giải ngân vốn đầu tư công
Cũng như nhiều địa phương trong cả nước, để thực hiện giải ngân vốn đầu tư công đúng tiến độ, ngay từ đầu năm Chủ tịch UBND tỉnh (BR-VT) đã yêu cầu các sở, ngành và địa phương đẩy nhanh tiến độ các dự án; trong đó quyết liệt, mạnh dạn thực hiện các dự án trong quyền hạn được giao, đúng thẩm quyền, nhất là trong bồi thường giải phóng mặt bằng. UBND tỉnh yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, sở, ngành và địa phương có liên quan trực tiếp kiểm tra, rà soát từng dự án; chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân vốn đầu tư công…
Về tình hình thực hiện và giải ngân, lũy kế thanh toán vốn từ đầu năm đến ngày 13/11/2023 (tất cả các nguồn vốn) là 10.798,831 tỷ đồng, đạt 64,65% so với kế hoạch giao; cao hơn cùng kỳ năm 2022 (giải ngân 11 tháng đầu năm 2022 đạt 54,66%). Đặc biệt, có địa phương được đánh giá là điểm sáng trong giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh như huyện Châu Đức, khi tỷ lệ này đạt hơn 81%.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, để giải ngân vốn đầu tư công sớm về đích, từ nay cuối năm 2023, Sở KH&ĐT sẽ tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh vốn nội bộ lần cuối trước ngày 15/11 từ các dự án giải ngân thấp sang các dự án giải ngân cao, có nhu cầu tăng vốn, theo đúng chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (BR-VT).
Dù đã đạt kết quả khả quan, nhưng từ nay đến cuối năm, số vốn đầu tư công còn lại là rất lớn. Trước áp lực về thời gian, các địa phương đã và đang có những giải pháp “nước rút”, dồn lực nhằm hoàn thành kế hoạch đề ra. Trong đó, công tác vận động, tuyên truyền những trường hợp có đất nằm trong vùng dự án bàn giao mặt bằng được các địa phương đặc biệt chú trọng.
Đối với các dự án trong số 74 dự án đã được HĐND tỉnh gia hạn thời gian bố trí vốn, các chủ đầu tư sẽ phối hợp với địa phương tập trung hoàn thành công tác bồi thường GPMB, triển khai thi công đúng tiến độ để bảo đảm tỷ lệ giải ngân theo cam kết. Với các địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, Tỉnh uỷ (BR-VT) yêu cầu Bí thư cấp ủy các địa phương cần phát huy vai trò trong các tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện để giải quyết các vướng mắc, hoàn thành công tác bồi thường GPMB các dự án.
Sở KH&ĐT tỉnh (BR-VT) đã thực hiện công tác tham mưu trong việc phân cấp, phân quyền, cơ chế phân công, phối hợp rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án. Cùng đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, ứng dụng CNTT trong việc xử lý thủ tục về đầu tư công như thẩm định dự án đầu tư, triển khai kiểm soát chi vốn đầu tư bằng chứng từ điện tử, chữ ký số để thúc đẩy việc giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh".
Ông Hoàng Vũ Thảnh, Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu, cho biết hiện nay thời gian để hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của TP Vũng Tàu không còn nhiều, việc tuyên truyền, vận động người dân bàn giao mặt bằng để triển khai thực hiện dự án đã và đang được UBND thành phố đặc biệt chú trọng. Tùy vào chức năng nhiệm vụ cụ thể mà các phòng, ban bố trí nhân viên trực tiếp xuống địa bàn hỗ trợ phường, xã trong xét nguồn gốc đất phục vụ công tác công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hạn chế việc phải trả hồ sơ do chưa đầy đủ theo quy định. Đối với những hồ sơ vướng mắc, phức tạp, các phòng, ban liên quan chủ động báo cáo UBND thành phố để được hỗ trợ giải quyết, làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.
Trong khi đó, huyện Đất Đỏ sẽ tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các dự án. Đồng thời, thực hiện tốt công tác giám sát đầu tư, nâng cao vai trò, nhận thức cộng đồng trong việc tham gia các chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Quan điểm của địa phương là vận dụng linh hoạt các quy định của pháp luật để thực hiện, làm sao để có lợi cho người dân.
Tạo sức hấp dẫn thu hút FDI
Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh (BR-VT) tại cuộc họp thường kỳ UBND tỉnh (BR-VT) mới đây cho thấy, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong 10 tháng qua tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã tăng 2,78 lần so với năm 2022. Theo đó, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã thu hút được 20 dự án FDI, tổng vốn đăng ký hơn 751 triệu USD, tăng hơn 481 triệu USD so với cùng kỳ năm 2022.
Như vậy tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 457 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 31,433 tỷ USD. Trong đó, trong KCN là 284 dự án với tổng vốn đầu tư 13,738 tỷ USD, ngoài KCN 173 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 17,695 tỷ USD.
Và chỉ trong thời gian ngắn, cuối tháng 10, tháng 11 có 3 dự án lớn, trọng điểm quốc gia đi vào hoạt động vận hành thử nghiệm. Đó là Tổ hợp hóa dầu miền Nam, Kho cảng khí thiên nhiên LNG và cảng cạn Phú Mỹ. Đây là những dự án có sức lan tỏa, đóng góp lớn cho nền kinh tế. Hàng loạt dự án khác cũng đang được quyết liệt triển khai.
Những con số thống kê trên là kết quả của sự nỗ lực, quyết tâm của các nhà đầu tư cũng như các ban ngành tại địa phương khi tạo ra nhiều yếu tố tốt nhất trong thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút vốn FDI. Đó là tỉnh đã tập trung đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác cải cách hành chính, đặc biệt là nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong các cơ quan, đơn vị. Các cấp, các ngành của tỉnh cũng đã chủ động nghiên cứu, áp dụng những giải pháp đổi mới để cải cách hành chính là khâu đột phá trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành.
Trên thực tế, ngay từ đầu năm 2023, tỉnh (BR-VT) đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Nổi bật trong số đó là việc UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 38/KH-UBND (ngày 15/3/2023) về hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ giai đoạn 2023 - 2025.
Từ tháng 4/2023 đến nay, Chủ tịch UBND tỉnh (BR-VT) làm tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp (Tổ 997). Theo đó, từ 7h30 đến 8h30 thứ Năm hằng tuần, Tổ 997 đón tiếp doanh nghiệp để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp, từ đó có hướng hỗ trợ, gỡ khó, bao gồm cả đề xuất lên Trung ương những vướng mắc vượt quá khả năng của địa phương. Tính đến nay, Tổ 997 đã tiếp nhận hơn 40 kiến nghị về nhiều vấn đề; đã trực tiếp xử lý, tháo gỡ 15 kiến nghị.
UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ. Qua đó, các mô hình “Ngày thứ Năm không chờ”, “Ngày thứ Bảy lắng nghe dân nói”, “Ký số bản đồ khổ lớn”, "Cà phê doanh nhân”… được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Đơn cử, với chương trình “Ngày thứ Năm không chờ”, mỗi đơn vị chọn ra những TTHC đơn giản để tập trung giải quyết xong trong ngày, sớm hơn quy định pháp luật.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục chú trọng khơi thông các điểm nghẽn trong cơ chế; tập trung rà soát, đơn giản hóa các TTHC trong lĩnh vực đầu tư để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp hoạt động. (BR-VT) sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp để doanh nghiệp thành công nghĩa là (BR-VT) cũng thành công.
Cùng với đó, tỉnh chuẩn bị sẵn điều kiện đất đai, hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao… Điều này được minh chứng bởi các KCN đã sẵn sàng đất sạch để giao cho nhà đầu tư. Trong khi đó, hàng loạt dự án hạ tầng giao thông kết nối như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường ven biển 994, cầu Phước An… đang dần hình thành.
Dư địa của (BR-VT) vẫn còn rất lớn. Do đó, để tạo đột phá trong thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới, ngoài việc xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, cùng với chính sách ưu đãi đầu tư thì tỉnh cần nâng cao hiệu quả, chủ động hơn trong công tác xúc tiến đầu tư…
Tin tưởng rằng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị tỉnh ( BR-VT) cùng với sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh. Những tháng cuối năm 2023, tỉnh (BR-VT) sẽ hoàn thành vượt mọi lĩnh vực đề ra.
Có thể bạn quan tâm
Thúc đẩy quan hệ hợp tác VCCI - Bà Rịa Vũng Tàu, hỗ trợ doanh nghiệp
13:00, 08/09/2023
Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ có 24 khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ vào năm 2030
21:30, 20/11/2023
Bà Rịa - Vũng Tàu kỳ vọng vào cảng cạn đầu tiên
16:23, 28/10/2023
Sức hút của khu công nghiệp đô thị và sân golf quy mô lớn tại Bà Rịa - Vũng Tàu
09:36, 25/10/2023
Bà Rịa - Vũng Tàu đề ra 6 nhóm giải pháp để chuyển đổi số năm 2023
17:54, 28/09/2023
LOGISTICS VÙNG ĐÔNG NAM BỘ: Bà Rịa - Vũng Tàu có đủ yếu tố để xây dựng một khu thương mại tự do
16:22, 08/09/2023
Bà Rịa - Vũng Tàu: tháo điểm nghẽn, tạo động lực cho phát triển logistics
15:51, 08/09/2023