“Bột nở ngân sách”, đầu chuột và đuôi voi

Trương KhắcTrà 30/05/2018 05:34

Một tranh luận rất thẳng, đầy tình người, những câu hỏi khiến tầng lớp “thấp cổ bé họng” thấy được quan tâm an ủi, không biết những người có trách nhiệm trong dự án này có thấu hiểu?

Cứ thỉnh thoảng báo chí lại thống kê những phát biểu ấn tượng tại các kỳ họp Quốc hội. Có những gay gắt, những đượm buồn, những trăn trở băn khoăn và thật nhiều những câu hỏi từ tận tâm can của đại biểu. Đó mới đúng là một Quốc hội dấn thân vì đời sống nhân dân.

Ngày 28/5, thêm một phát biểu đầy hình tượng của đại biểu Nguyễn Anh Trí về một loại “bột nở” mang tên ngân sách, nó như mở ra hết mọi tầng nấc ngữ nghĩa của một nhẽ thường tình bấy lâu, là câu chuyện đội vốn tại các dự án đầu tư công.

72 tỷ đồng vốn ban đầu nạo vét con sông chảy qua vùng lõi cố đô Hoa Lư (Ninh Bình). Người ta chưa kịp thấy công trình đen đỏ ra sao mà dòng sông đã mang đi thêm 2.523 tỷ đồng, loại “bột nở” siêu hạng thổi bùng lên 36 lần của 72 tỷ đồng!

Chốt hạ như đại biểu Trương Trọng Nghĩa là “không thể giải thích gì thêm được”, còn đại biểu Trí ví von “cả thế giới khó có thể tìm ra một loại “bột nở” nào để làm nở kinh phí đầu tư lúc đầu chỉ là con chuột nhắt, sau là con voi mà là voi ma mút như vậy”.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí tranh luận tại hội trường Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Anh Trí tranh luận tại hội trường Quốc hội

Có thể bạn quan tâm

  • Dự án “đội vốn

    Dự án “đội vốn" từ 72 tỉ lên gần 2.600 tỉ đồng và những lý giải... "chấn động dư luận"

    17:28, 28/05/2018

  • Ngân sách Nhà nước 2016: Chủ yếu tăng thu từ đất

    Ngân sách Nhà nước 2016: Chủ yếu tăng thu từ đất

    01:18, 22/05/2018

  • Dân cần minh bạch ngân sách

    Dân cần minh bạch ngân sách

    05:31, 06/04/2018

  • Kiên quyết không dùng ngân sách để cứu các dự án thua lỗ

    Kiên quyết không dùng ngân sách để cứu các dự án thua lỗ

    06:15, 27/02/2018

  • Nhiều dự án đầu tư công

    Nhiều dự án đầu tư công "đội vốn": Bộ Tài chính nói gì?

    18:13, 25/05/2018

  • Đại biểu Quốc hội bức xúc dự án đội vốn

    Đại biểu Quốc hội bức xúc dự án đội vốn

    11:00, 25/05/2018

Tạm lược đi chuyện tham nhũng và “đi đêm” mà hãy nói về khả năng lập kế hoạch dự toán. Đội vốn trong đầu tư các công trình quốc doanh là chuyện đương nhiên, đương nhiên ở chỗ không ai thiên tài tới mức tính toán chi li 100% hàng ngàn loại chi phí.

Sai số cho phép vẫn đặt thêm dấu “cộng” chứ không phải dấu “trừ”, 72 tỷ có thể lên một trăm, trăm rưỡi, chứ không ai “ghè đá vào chân” buộc phải 50 hoặc 60 tỷ. Nó là một thứ quy luật bất thành văn từ làm cái máng lợn đến công trình thế kỷ.

Nhiều người đặt vấn đề về “thiếu trách nhiệm”, “thiếu khả năng” và câu hỏi vì sao không thuê chuyên gia Tây lập dự toán? Ở các nước phát triển có dự án bị “bột nở” không? Có rất nhiều!

Xin đưa ra vài ví dụ: Dự án đường hầm lớn xuyên qua trung tâm thành phố Boston (Mỹ) dự toán 2,8 tỷ USD nhưng khi hoàn thành, Bộ Giao thông nước này cho hay đường hầm ngốn hết 22 tỷ USD, nếu tính cả lãi vay!

Dự án xử lý nước Hanfofd, Mahattan Projec đưa nước Mỹ vào kỷ nguyên hạt nhân có chi phí ban đầu là 4,3 tỷ đô, nhưng sau khi tính toán lại con số là 113 tỷ đô và phải mất đến năm 2046 mới hoàn thành!

Cố nhiên, đội vốn ở xứ người khác với “bột nở” xứ ta, “chất lượng Mỹ” và “tiêu chuẩn Việt Nam” là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Vấn đề là, gần 3.000 tỷ đồng mà tỉnh Ninh Bình chi ra có mang lại hiệu quả thiết thực trong khi ông Nguyễn Anh Trí bày tỏ sự xót xa với hoàn cảnh vùng Tây Bắc?

Một tranh luận rất thẳng, đầy tình người, những câu hỏi khiến tầng lớp “thấp cổ bé họng” thấy được quan tâm an ủi, không biết những người có trách nhiệm trong dự án này có thấu hiểu?

Dự án ở Ninh Bình sẽ phản biện rất thuyết phục mọi chỉ trích của dư luận nếu như sau vài năm cho thấy hiệu quả vật chất lẫn tinh thần. Một kịch bản với công trình công cộng thường hay xảy ra là “đội vốn - bỏ hoang - phế tích và chuyển đổi công năng”.

Và sau đó là hàng tá điệp khúc khó khăn, các nguyên nhân chủ quan, khách quan, dăm ba bữa làm “nóng” truyền thông rồi đâu lại vào đấy, công trình vẫn dở dang, tiền ngân sách hao mục theo thời gian mà những người phải chịu trách nhiệm quá ít ỏi.

Mục đích vung cả đống tiền là gì khi nợ đọng còn 5.900 tỷ đồng? Cần có những đầu óc thực dụng hơn chứ không chỉ là lý do “nơi vua ở”. Không chỉ Ninh Bình được mệnh danh “địa linh nhân kiệt”.

Ninh Bình vung mấy ngàn tỷ khơi dòng vào “nơi vua ở”, Thừa Thiên - Huế, Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Ninh cũng làm được chăng? Trong khi người dân vùng cao còn vét đáy nồi tìm hạt cơm từng bữa, trẻ em đu dây qua suối đi học, người chết cuốn chiếu chở bằng xe máy…

Tỉnh Sơn La có nguyện vọng xây tượng đài Bác Hồ và quảng trường mấy ngàn tỷ, điều đó thật sự nhân văn nhưng chưa là gì so với công lao người cha già dân tộc. Trong hoàn cảnh khó khăn nguyện vọng phải gác lại, đó cũng nhân văn không kém.

Bác và rất nhiều vị vua yêu nước thương dân chỉ mong đất nước thịnh trị, muôn dân thái bình chứ chưa thấy khi nào các vĩ nhân mong muốn xa hoa tráng lệ, cung đền đài các.

Bao nhiêu ngàn tỷ cũng xứng nếu lợi ích nhân dân được tôn trọng chứ không phải lợi ích một nhóm người. Tôn tạo di tích để ghi ơn người đã khuất không phải chỉ đổ tiền vào là xong xuôi. Lo lắm thay vốn bị trộn “bột nở”, chất lượng chỉ “đuôi chuột”,”đầu voi”. 

Trương KhắcTrà