Nhu cầu minh bạch ngân sách là có thật. Tác dụng của minh bạch ngân sách rất lớn.
Điểm nhấn của hội thảo “Quản lý ngân sách nhà nước: Từ các sáng kiến thực tiễn đến giải pháp chính sách” mới đây không phải là ý kiến vĩ mô của các chuyên gia, mà có lẽ là ba câu chuyện từ thực tiễn.
Ngân sách không thể tách biệt dân tình
Đại diện cho nhóm cộng đồng ở xã Gio Việt, Gio Linh, Quảng Trị, chị Hồ Thị Nghĩa kể câu chuyện giám sát công trình đường liên thôn tại địa phương mình. Khi công trình đang thi công thì trời mưa. Vậy nhưng nhà thầu vẫn tiến hành công việc. Đá, xi măng, cát trôi đầy đường. “Sao trời mưa mà các chú thi công?”, nhóm giám sát cộng đồng ra chất vấn. Nhà thầu trả lời lại: “Kệ chúng tôi!”.
Thấy mình yếu thế trước nhà thầu, nhóm giám sát đến gặp UBND xã và đề nghị phải có ý kiến. UBND xã sau khi tiếp nhận ý kiến đã “lệnh” cho nhà thầu dừng đến khi nào tạnh mưa mới được thi công. Với giọng Vân Kiều, chị Nghĩa nói: “Con đường liên thôn đó có giá 300 triệu đồng/km cơ mà!”.
Không chỉ vậy, cuối năm 2017, nhóm cộng đồng phát hiện ra những hộ nghèo ở đây chỉ được nhận tiền hỗ trợ 9 tháng thay vì 12 tháng như quy định. Vậy là nhóm đi đến từng hộ lắng nghe, nắm bắt ý kiến rồi thông qua Hội LHPN tỉnh, xã đề nghị đối thoại vứi UBND xã và các cơ quan liên quan. Cuối cùng, UBND xã đã phải chi trả đủ tiền hỗ trợ cho các hộ nghèo.
Chị Mai Thị Lựu, Nhóm cộng đồng Baze, ở Hải Lăng, Quảng Trị lúc lên phát biểu không đi thẳng vào vấn đề. Chị Lựu tâm sự rất thật rằng: “Lúc đầu, chúng tôi tưởng ngân sách không liên quan đến mình. Nhưng khi tìm hiểu, thì mới thấy ngân sách là từ tiền thuế của dân đóng”. Chính vì vậy, dần dần không chỉ nhóm giám sát, mà cả người dân đều thấy giám sát các công trình xây dựng cơ bản ở địa phương chính là giám sát tiền thuế của mình.
“Chúng tôi biết được về nhiều ngân sách nhà nước, quản lý ngân sách và công trình trên địa bàn. Các công trình sau dân tham gia vào nên hiệu quả hơn”, chị Lựu nói.
Ông Hà Văn Pởi, nhóm cộng đồng Chiềng Châu, xã Tòng Đậu, Mai Châu, Hòa Bình đem đến câu chuyện của Chiềng Châu. Năm trước, từ nguồn ngân sách, xã Chiềng Châu được bố trí vốn xây một con mương. Khi nhóm cộng đồng vào giám sát thì phát hiện mương không đạt yêu cầu, từ độ cao cho đến chiều dài. Ông Pởi cho biết, có giám sát của cộng đồng, con mương ở xã đã được thiết kế hợp lý hơn và được kéo dài hơn 100 m so với ban đầu.
Dân cần thông tin
Thật ra, chị Nghĩa không chỉ kể chuyện mà còn chia sẻ rằng: chỉ riêng việc có thể đứng lên trình bày ý kiến tại hội thảo này đã là một “bước tiến lớn” của những người dân như chị. Giám sát những công trình dân sinh đã khiến chị và nhiều người dân tự tin hơn với chính quyền, nhà thầu để đòi hỏi minh bạch ngân sách. Điều này được ông Trần Ánh Dương – Phó trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh Hòa Bình thừa nhận: “Công trình nào phục vụ người dân, có nhân dân tham gia thì công trình đó thành công”. Thậm chí, ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị còn cho hay: trong năm 2016, những tiêu chí về minh bạch ngân sách được áp dụng và tỉnh này đã đưa ra khỏi danh sách đầu tư công 4 dự án và 144 tỷ đồng đã không bị chi xài lãng phí.
Nhưng có lẽ, điều làm nhiều người trăn trở chính là tâm sự của ông Pởi: “Chúng tôi đi giám sát thường bị hỏi “dựa vào đâu mà đòi giám sát”, vậy trước hết chính quyền địa phương phải tạo khung pháp lý cho nhóm cộng đồng, có như vậy chúng tôi mới được tham gia giám sát và được tiếp cận hồ sơ tài liệu”.
Ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân sách, Văn phòng Quốc hội cũng khẳng định vai trò giá sát quan trọng của người dân đối với minh bạch ngân sách.