Muốn tạo sự đồng thuận trong việc chia sẻ gánh nặng với ngân sách Nhà nước thì việc thu phí cao tốc cần rõ ràng, minh bạch và dịch vụ phải đảm bảo...
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, câu chuyện thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư vẫn đang là tâm điểm dư luận trong thời gian gần đây. Trong đó việc thu phí sẽ được thực hiện như thế nào và đơn vị nào triển khai vẫn có nhiều tranh cãi. Cụ thể, theo dự thảo nghị định về thu phí của Cục Đường bộ Việt Nam, mức phí có sự chênh lệch giữa các loại xe và các loại đường cao tốc khác nhau dự kiến từ 900 đồng đến 6.000 đồng/km.
Để xác định mức phí cho các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư, cơ quan chủ trì soạn thảo cho biết đã dựa trên 4 nguyên tắc, trong đó đáng lưu ý là việc mức thu đảm bảo hợp lý, hài hòa với mức thu dịch vụ sử dụng đường bộ và đường cao tốc đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Bên cạnh đó, mức thu cho phép người sử dụng đường cao tốc chia sẻ lợi ích với Nhà nước.
Bình luận về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, để nhận được sự đồng thuận của người dân thì mức thu phí với đường cao tốc do Nhà nước đầu tư phải bảo đảm minh bạch, hài hòa và phù hợp với lợi ích cũng như khả năng chi trả của người sử dụng, không nên “cào bằng” với mức thu phí hoàn vốn của các dự án BOT hiện nay.
Đồng quan điểm, theo PGS, TS Đinh Trọng Thịnh – Học viện Tài chính, các tuyến cao tốc đầu tư bằng ngân sách không thể tận thu như dự án BOT, vì chi phí đầu tư thấp hơn, do đó mức thu chỉ cần bằng 50-60% so với mức phí thu tại các tuyến BOT đưa ra.
Trong trường hợp nhà nước nhượng quyền cho đơn vị tư nhân đứng ra khai thác và vận hành, cần phải minh bạch số tiền thu bao nhiêu, thu bao nhiêu năm, lưu lượng phương tiện ra sao, thu được thì nộp về ngân sách bao nhiêu, đơn vị giữ lại bao nhiêu, vận hành và bảo trì như thế nào, phải tính toán rõ ràng, tránh việc lạm thu.
“Mọi thứ phải minh bạch, cứ theo cam kết, nếu doanh nghiệp đã đặt bút ký mà không thực hiện, hoặc thực hiện không đúng thì xử lý theo chế tài của hợp đồng”, PGS, TS Thịnh nói thêm.
Cũng nêu quan điểm về nội dung này, ông Trần Kỳ Sơn, nguyên Chánh thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, sau khi tính toán tất cả các yếu tố về mức thu phí sử dụng cao tốc, đánh giá đầy đủ các yếu tố tác động trong thực tiễn, có lộ trình thu phí cụ thể thì cần sớm công khai đến người dân trước khi đưa các quy định này áp dụng vào cuộc sống.
Ngoài việc công khai phương án thu phí, mức phí rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, cần công khai ngay tại tuyến đường sắp thu phí để các chủ phương tiện có sự chuẩn bị tâm lý, cân nhắc và chủ động lựa chọn khi lưu thông. Mức giá, cơ chế áp dụng phải được triển khai đồng bộ, đồng nhất trên các tuyến đường cùng cấp trên cả nước (chỉ quy định một mức giá cụ thể cho một loại tuyến đường) và phải bảo đảm đầy đủ chất lượng dịch vụ khi tiến hành thu phí.
“Việc công khai minh bạch tối đa sẽ nhận được sự đồng thuận cao nhất của người dân trong việc chia sẻ gánh nặng ngân sách với nhà nước”, ông Sơn nói.
Xung quanh câu chuyện này, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, đây một chính sách mới, có ảnh hưởng lớn đến nhiều đối tượng tham gia giao thông đường bộ. Do đó, Bộ GTVT cần đánh giá kỹ hơn tác động về mặt kinh tế xã hội ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp trong trường hợp thu phí. Cụ thể, nếu áp dụng mức phí trên, chi phí logistics của doanh nghiệp sẽ tiếp tục tăng lên bao nhiêu và ảnh hưởng ra sao đến hoạt động, cũng như năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Khi chi phí đầu vào tăng sẽ kéo theo đầu ra tăng, điều này còn tác động đến lạm phát. Bởi vậy, Bộ GTVT cần đánh giá một cách toàn diện, tổng thể hơn về vấn đề này, không chỉ là riêng nguồn lực cho đầu tư phát triển cao tốc mà còn sức khỏe của doanh nghiệp, của cả nền kinh tế.