Ngân sách Nhà nước 2016: Chủ yếu tăng thu từ đất

Hồng Hương 22/05/2018 01:18

Tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2016 vượt dự toán nhưng chủ yếu là tăng thu từ đất, thu cổ tức, lợi nhuận còn lại của các doanh nghiệp Nhà nước.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải, tổng thu NSNN năm 2016 vượt dự toán nhưng chủ yếu là tăng thu từ đất, thu cổ tức, lợi nhuận còn lại của các DNNN và chủ yếu tăng thu của ngân sách địa phương, còn ngân sách trung ương thì hụt thu cân đối. Tỷ trọng các khoản thu, chi NSNN còn khoảng cách khá xa so với mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2016-2020.

Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải

Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải

Có thể bạn quan tâm

  • Dân cần minh bạch ngân sách

    Dân cần minh bạch ngân sách

    05:31, 06/04/2018

  • Việt Nam thuộc vào nhóm ít công khai thông tin ngân sách nhất thế giới

    08:32, 30/03/2018

  • Kiên quyết không dùng ngân sách để cứu các dự án thua lỗ

    06:15, 27/02/2018

Theo Ủy ban Tài chính, Ngân sách thống nhất với báo cáo, số liệu của Chính phủ và trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2016 như sau: Tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 1.407.572 tỷ đồng;  Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.574.448 tỷ đồng; Bội chi ngân sách nhà nước là 248.728 tỷ đồng, bằng 5,52% GDP (không bao gồm 81.852 tỷ đồng kết dư ngân sách địa phương).

Ủy ban Tài chính Ngân sách ghi nhận trước nhiều khó khăn, thách thức, tốc độ tăng trưởng kinh tế không đạt chỉ tiêu đề ra, song số quyết toán thu NSNN vượt 9,2% (tương ứng 92.881 tỷ đồng)  thể hiện sự nỗ lực của Chính phủ trong điều hành thực hiện dự toán thu NSNN năm 2016.

Tuy nhiên, Ủy ban cũng chỉ ra một số hạn chế như chủ yếu là tăng thu từ đất, thu cổ tức, lợi nhuận còn lại của các DNNN và chủ yếu tăng thu của ngân sách địa phương, còn ngân sách trung ương thì hụt thu cân đối…

Đáng lưu ý, việc giao dự toán cho một số địa phương vượt quá khả năng thực hiện và hụt thu ngân sách trung ương vẫn tiếp diễn trong năm ngân sách 2017. Đây cũng là hệ quả của việc chậm triển khai sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế và việc thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập còn bất cập.

Việc cơ cấu lại chi ngân sách chậm nên tỷ trọng chi thường xuyên/tổng chi NSNN có xu hướng tăng (chi thường xuyên năm 2015 chiếm 62,3% tổng chi NSNN nhưng năm 2016 tăng lên mức 63,5%).

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải, việc chậm cải cách chính sách thu cùng với giao dự toán vượt quá khả năng thực hiện dẫn đến năm 2016 có 12 địa phương (loại trừ thu sử dụng đất) hụt thu cân đối khoảng 5.300 tỷ đồng, loại trừ khoản vượt thu viện trợ, tiền sử dụng đất ghi thu - ghi chi cho các dự án để chi cho mục tiêu thì ngân sách trung ương hụt thu cân đối 1.398 tỷ đồng và không có nguồn để thưởng vượt thu cho 7 địa phương đủ điều kiện được thưởng.

Về chi NSNN, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như việc lập và giao dự toán chi đối với một số khoản chi chưa sát thực tế; vẫn còn tình trạng giao dự toán chậm; giao dự toán chi đầu tư phát triển chưa đúng đối tượng... Có 40/47 địa phương được kiểm toán chưa phân bổ hết dự toán cho các đơn vị từ đầu năm là 15.551 tỷ đồng.

Tổng chi NSNN vượt dự toán song một số nhiệm vụ chi quan trọng, đảm bảo cho phát triển bền vững lại không đạt dự toán như chi cho giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ…

Bên cạnh đó, tình trạng chi sai chế độ, sử dụng sai nguồn kinh phí ở các đơn vị sử dụng ngân sách, các chủ đầu tư và cả trong điều hành ngân sách vẫn tái diễn.

Ủy ban Tài chính Ngân sách dẫn chứng, tại các bộ ngành, địa phương còn sử dụng sai nguồn kinh phí 1.952 tỷ đồng; sử dụng nguồn cải cách tiền lương cho mục đích khác 804,8 tỷ đồng.

Nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương quyết toán một số khoản chi thường xuyên không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức. Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị thu hồi, nộp NSNN 670,7 tỷ đồng; một số địa phương hỗ trợ không đúng nhiệm vụ chi.

Do đó, Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị của KTNN. Đồng thời đề nghị KTNN xem xét, có ý kiến phản hồi chính thức đối với các kiến nghị chưa thống nhất, đang trong quá trình giải trình để xử lý dứt điểm các kiến nghị kiểm toán.

Ủy ban cũng lưu ý về việc, Chính phủ mới báo cáo số lượng các tổ chức, cá nhân vi phạm và số lượng tổ chức, cá nhân đã xử lý kỷ luật nhưng chưa báo cáo cụ thể chi tiết danh sách, mức độ sai phạm của các tổ chức, cá nhân cũng như mức độ xử lý đối với các tổ chức, cá nhân này để trình Quốc hội phê chuẩn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ngân sách Nhà nước 2016: Chủ yếu tăng thu từ đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO