[CẢM XÚC NGÀY XUÂN] Giải hạn để đón “lửa thiêng” của cộng đồng B’râu
Lễ kiêng làng - một nghi lễ tưởng chừng đã bị xóa bỏ khỏi đời sống tâm linh của cộng đồng dân tộc B’râu thì này đang được sống lại bởi các thế hệ trẻ tâm huyết.
Khi lúa đầy kho, ghè rượu nồng lên mùi “men rừng” cũng là lúc mà bà con đồng bào các dân tộc Tây Nguyên bước vào một mùa xuân mới với nhiều gam màu đặc sắc của lễ hội. Ở miền biên viễn làng Đắk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) – nơi quần tụ của hơn 400 hộ dân tộc B’râu (một trong 5 dân tộc ít người nhất hiện nay tại Việt Nam) đang tồn tại một nghi lễ đậm màu sắc tâm linh đó là Lễ “Bon Xơ Ruk” hay còn gọi là Lễ kiêng làng.
Có thể bạn quan tâm
[CẢM XÚC NGÀY XUÂN] Xuân Kỷ Hợi trong nét thư pháp tài hoa
11:00, 06/02/2019
[CẢM XÚC NGÀY XUÂN] Ngày tết nói chuyện về niềm tin
14:07, 05/02/2019
[CẢM XÚC NGÀY XUÂN] Xuân về trên mái nhà rông
11:17, 05/02/2019
[CẢM XÚC NGÀY XUÂN] Khai bút đầu năm - tao nhã Tết Việt xưa
07:00, 05/02/2019
[CẢM XÚC NGÀY XUÂN] "Tôi rất muốn được làm một người Việt Nam"
06:30, 05/02/2019
Khẩn cầu ngọn lửa thiêng
Người B’râu cũng như hầu hết các dân tộc tại Tây Nguyên vẫn đang tồn tại một quan điểm đa thần, khi đối mặt với sự kiện, biến động, ảnh hưởng to lớn thậm chí quyết định đến tồn vong của buôn làng, cộng đồng B’râu quan niệm rằng đó là do con người đã làm cho Yàng (có nghĩa là Trời – Thần) tức giận mà giáng họa xuống. Muốn tai qua nạn khỏi, Hội đồng già làng sẽ họp bàn thống nhất chọn ngày (thường là vào các ngày cuối năm hoặc đầu xuân) tổ chức “Bon Xơ Ruk” để cầu mong điều dữ qua đi, điều tốt đẹp trở lại với cộng đồng.
Bon Xơ Ruk - lễ kiêng làng là lễ hội cực kỳ quan trọng và hiện đang rất khó để tìm kiếm một “truyền nhân” thực thụ để khái quát sâu đậm nhất về nghi lễ này. Tuy vậy, muốn tổ chức nghi lễ này họ phải rất công phu chuẩn bị nhiều ngày. Tất cả phụ nữ (trừ người già và trẻ con) trong làng đều gánh trách nhiệm chuẩn bị lương thực, thực phẩm, ủ rượu ghè, lấy củi, gùi nước… để không bao giờ được thiếu; đàn ông vào rừng chặt cây, lấy gỗ, tre, lồ ô để làm cột gưng (cây nêu), làm nhà cúng…
Khi việc chuẩn bị đã hoàn tất cũng đúng vào ngày đã chọn, người B’râu tiến hành rào làng bằng gỗ, tre, nứa rất kiên cố, cổng làng được đóng kín. Lúc này, mọi sinh hoạt của cộng đồng phải tuân thủ theo luật tục một cách nghiêm ngặt, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Trường hợp có người ở làng khác đến thì phải đưa họ ra khôi làng trước khi đóng cổng, nếu không thì người đó phải ở lại đến hết cả 3 ngày đêm diễn ra lễ hội.
Ngày thứ nhất, người B’râu tiến hành nghi thức dựng cột gưng, rước túi thiêng, lễ đâm trâu cúng Yàng, lễ cúng Yàng bản mệnh. Sáng sớm trước khi làm lễ tại nhà Rông, mỗi thành viên trong buôn làng đều phải tắt hết lửa trong bếp của các gia đình, bởi người B’râu quan niệm ngọn lửa là lửa thiêng do Yàng Uynh (có nghĩa là Trời lửa, Thần lửa…) ban tặng, ngọn lửa là sự sống, quyết định tất cả mọi việc trong cộng đồng.
Vì vậy, khi buôn làng gặp hoạn nạn, có việc không may mắn hay tai hoạ ập đến với cộng đồng cũng có nghĩa là ngọn lửa này đã mất thiêng, do vậy phải xin lễ để được Yàng Uynh ban cho ngọn lửa mới.
Chiều tối ngày thứ nhất, trên nhà Rông chỉ còn lại một số thành viên cùng già làng, Pơtâu (thầy cúng) uống rượu, vui chơi suốt đêm nhưng tất cả đều không được dùng lửa. Ngày thứ hai là ngày đặc biệt quan trọng - ngày xin ngọn lửa thiêng mới…Khi tất cả công việc chuẩn bị đã xong, già làng cùng Pơtâu làm lễ cúng, xin phép Yàng và Yàng Uynh làm lửa mới.
Lễ vật là thịt trâu, gan trâu, tiết trâu, tiết gà, thịt gà và rượu cần. Hai thanh niên - nam vác gốc cây tre đực già, nữ vác gốc tre cái già đã chết khô được cộng đồng tìm chọn kỹ lưỡng trên rừng cùng mang vào nhà Rông.
Người B’Râu níu chặt hai gốc cây tre vào nhau, quấn bùi nhùi làm bằng xơ cây nứa được làm tơi như bông vào giữa. Đây là bộ phận chính để phát lửa. Già làng chọn một người đàn ông và một người đàn bà khoẻ mạnh, có uy tín trong làng để làm nghi thức nhóm lửa mới.
Già làng đọc lời khấn với đại ý: "Buôn làng làm Bra Uynh (lễ làm lửa mới), chúng tôi có thịt trâu, thịt gà, rượu ngon mời các Yàng xuống chung vui. Cầu mong Yàng Uynh mang cái lửa mới xuống bếp nhà rông, mang cái lửa mới đến từng bếp gia đình để xua tan cái lạnh, để làm ấm mái nhà, để nấu chín đồ ăn, để mang lại mọi điều tốt lành cho buôn làng…".
Lời khấn vừa dứt, người đàn ông và người đàn bà được chọn chọn, ngồi quay mặt vào nhau cùng cọ xát hai gốc tre vào nhau (mang tính nghi thức), sau đó chuyển cho những đôi trai gái có sức khoẻ thay nhau cọ xát một cách mạnh mẽ, liên tục dưới sự tán thưởng, hò reo, cổ vũ của mọi người, đến khi đủ độ nóng phát thành lửa - bùi nhùi bùng cháy.
Xin Yàng Uynh ban cho ngọn lửa thiêng là nghi thức quan trọng nhất của lễ hội Bon Xơ Ruk. Ngọn lửa cũ với bao điều bất ổn đã bị xóa bỏ hoàn toàn, thay vào đó là ngọn lửa thiêng mới được Yàng Uynh ban tặng chứa đựng sự may mắn, ấm áp sẽ được toả khắp cộng đồng.
Ngọn lửa thiêng của cộng đồng được nhóm lên trong sự náo nức của cả làng. Già làng lấy lửa thiêng nhóm lên bếp lửa cộng đồng ngay giữa nhà Rông, đoàn cồng chiêng, xoang múa điệu mừng lửa mới rộn ràng, hứng khởi quanh bếp lửa.
Đến lúc này, người B’râu mới được sử dụng ngọn lửa thiêng mới được Yàng Uynh ban cho để nấu những món ăn cho cộng đồng cùng tham gia lễ hội.
Dòng nước xóa sạch mọi hiềm khích
Xong phần nghi lễ, ngày thứ hai của “Bon Xơ Ruk” là ngày cộng đồng vui nhất. Tất cả mọi thành viên trong cộng đồng đều đắm mình trong không khí lễ hội. Các dàn chiêng hay nhất, các bài hát, điệu xoang đẹp nhất được các trai thanh nữ tú trong làng thể hiện hứng khởi. Cùng với đó là dân làng quây quần thưởng thức những món ăn, ghè rượu quẳng đi mọi lo toan, vất vả, xóa đi mọi hiềm khích dị hợm cá nhân và lan tỏa tình tình thương yêu, kết đoàn, sự sẻ chia và cảm thông sâu sắc.
Ngày cuối cùng của lễ hội, khi mặt trời đã lên tới ngọn cây đầu làng, mọi người lại tập trung tại nhà Rông để già làng và Pơtâu (thầy cúng) làm lễ đâm trâu và ăn đầu trâu. Sau khi già làng làm lễ xong, thịt đầu trâu được chế biến thành thức ăn cho cả làng. Mọi người lại tiếp tục ăn uống, nhảy múa đến chiều.
Sau đó, theo hiệu lệnh của già làng, dàn cồng chiêng đi trước, tiếp đến đội xoang và tất cả mọi người kết thành hàng dọc di chuyển ra con suối gần làng. Dòng suối này là nơi tất cả mọi người đều được nhảy ào xuống, té nước vào nhau… Cả cộng đồng đùa vui trong niềm hân hoan tột độ với quan niệm “tắm rửa thật kỹ để gột rửa sạch sẽ tất cả những xui xẻo, hiềm khích, tức giận đeo bám vào mỗi cá nhân và cộng đồng.”.
Sau khi tắm rửa ở suối tẩy sạch những tai hoạ, hiềm khích, cả cộng đồng B’râu kết thành hàng dọc tiến về nhà Rông – ngôi nhà chung của cả cộng đồng. Phải đến lúc này, người phụ nữ – người chủ của mỗi gia đình B’râu mới được đón lấy ngọn lửa thiêng từ già làng mang về nhóm tại bếp nhà mình và tổ chức bữa cơm đầu tiên bằng lửa thiêng mới trong niềm tin ấm no, hạnh phúc.
Kính mời quý độc giả gửi bài viết chia sẻ cảm xúc ngày Xuân của mình qua hộp thư toasoan@dddn.com.vn. Bài viết phù hợp sẽ được đăng tải kèm theo chế độ nhuận bút nhanh, hấp dẫn.