Bằng lối viết “nhân diện thư’ và “vật điểu thư”, nhà thư pháp Lê Thiên Lý, chủ nhiệm CLB thư pháp Hải Phòng đã ‘thổi hồn” vào những chú lợn - biểu tượng năm Kỷ Hợi - trở nên độc đáo, sinh động.
Tạo dấu ấn cho thư pháp Việt
Nhà thư pháp Lê Thiên Lý nổi danh trong làng thư pháp Việt Nam với nhiều kỷ lục: viết 1000 bức thư pháp chữ Long chào mừng Đại lễ ngàn năm Thăng Long – Hà Nội được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập năm 2010; sáng tạo đủ 2012 chữ Phượng trưng bày trên bạt khổ lớn trải dài suốt 20km “con đường thư pháp chữ Phượng” vào dịp Lễ hội hoa phượng đỏ Hải Phòng...Tất cả đều được viết theo lối “nhân diện thư” và “vật điểu thư” độc đáo do ông sáng tạo ra.
Nói đến thư pháp Việt, người hiểu biết nghĩ ngay đến 5 lối viết cơ bản là Triện thư, Lễ thư, Khải thư, Thảo thư, Hành thư bắt nguồn từ Trung Quốc. Điều đó đã thôi thúc nhà thư pháp Lê Thiên Lý sáng tạo ra lối viết đặc trưng của người Việt, thoát khỏi lối mòn từ ngàn đời. “Nhân diện thư” và “Vật điểu thư” ra đời như một minh chứng cho sự sáng tạo độc đáo, một sự khai phá mới lạ so với thư pháp cổ.
Với “Nhân diện thư”, mỗi nét chữ được biến thể thành nét mặt nhân vật có nội tâm, tính cách. Còn lối viết “Vật điểu thư” thì mỗi nét chữ lại mang dáng dấp của 1 con chim hoặc 1 bông hoa. Nét mềm mại, uyển chuyển của nghệ thuật thư pháp đã được ông thổi vào những con chim, bông hoa đó khiến nó sống động và bay bổng như thật. Mọi suy tư, cảm xúc được dồn nén vào ngòi bút mà hóa lên mặt giấy. Khi ngắm những tác phẩm thư pháp này, người xem cảm thấy tâm hồn tĩnh lặng, thư thái hướng về vẻ đẹp Chân – Thiện – Mỹ.
Có thể bạn quan tâm
15:00, 04/02/2019
11:05, 04/02/2019
11:03, 04/02/2019
05:14, 04/02/2019
07:00, 03/02/2019
05:00, 03/02/2019
11:00, 31/01/2019
Hai lối viết thư pháp mới của nghệ nhân Lê Thiên Lý đã loại bỏ được lối viết khuôn mẫu khô cứng của thư pháp cũ, vì vậy ngay sau khi ra đời, nó lập tức trở thành hiện tượng lạ. Bạn bè quốc tế cũng phải “ngã mũ bái phục” trước sự sáng tạo, trí tuệ của người Việt. Nhiều lần, ông còn sang tận Trung Quốc để “mang chuông đi đánh xứ người”.
Ông Lý cho biết thêm, các bức thư pháp hình con giáp của ông đều được viết bằng chữ quốc ngữ để nhiều người có thể đọc và luận ngay được, đặc biệt là các bạn nhỏ khi nhìn thấy có thể đọc, thậm chí là học viết theo. Đó cũng chính là dụng ý của ông nhằm truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ đam mê theo đuổi bộ môn nghệ thuật đặc biệt này. Không chỉ truyền cảm hứng bằng tác phẩm, nhà thư pháp Lê Thiên Lý còn trực tiếp dạy viết thư pháp miễn phí 14 năm nay cho những học trò có niềm đam mê. Hiện nay, nhiều học trò của ông đã thành tài, thành danh trong nghề.
Họa xuân bằng hình ảnh lợn độc đáo
Từ lối viết mới tự sáng tạo, nhà thư pháp Lê Thiên Lý gây chú ý với một loạt con giáp cách điệu: con ngựa năm Giáp Ngọ, con dê năm Ất Mùi, con khỉ năm Bính Thân, con gà năm Đinh Dậu, con chó năm Mậu Tuất. Nối tiếp ý tưởng đó, năm nay những chú lợn Kỷ Hợi tiếp tục xuất hiện trong các bức tranh thư pháp của ông vô cùng đáng yêu và tràn đầy sức sống.
Chia sẻ về loài vật này, ông Lý hào hứng cho biết: Trong văn hóa phương Đông, lợn đứng cuối cùng trong 12 con giáp (Hợi) và cũng đứng cuối cùng trong lục súc, gần gũi với đời sống hàng ngày của con người. Có thể nói, lợn là con vật song hành lâu nhất với con người trong suốt quãng đường dài tiến hóa. Hình ảnh con lợn xuất hiện trong thơ ca, ca dao, hội họa dân gian, trở thành một biểu tượng văn hóa. Con lợn trong quan niệm dân gian có tính cách ôn hòa nhã nhặn, sinh nở đầy đàn nên yếu tố phồn thực được đề cao, chúc tụng năm mới gặp nhiều may mắn, con cháu đông vui, phúc lộc. Người ta còn dùng hình ảnh con heo đất như một biểu tượng về tài chính. Ngoài ra, thủ lợn (đầu heo) là món sính vật quan trọng ở lễ nghi long trọng của người Việt.
Với lối viết thư pháp tài hoa “nhân diện thư” và “vật điểu thư”, nhà thư pháp Lê Thiên Lý đã phác họa hai chữ “Kỷ Hợi” 2019 bằng những hình ảnh vô cùng quen thuộc: con lợn âm dương, con cá bơi lội tung tăng, đôi chim đang bay lượn trên bầu trời, nậm rượu biểu trưng cho sự no ấm tràn trề, đỉnh hương thể hiện sự uy nghiêm, linh thiêng...thậm chí là hình ảnh em bé, cô thiếu nữ “gợi xuân tình”. Những bức thư pháp được cách tân, mang dấu ấn hiện đại của hội họa, gần gũi với cuộc sống nhưng vẫn giữ được hồn cốt của thư pháp cổ đầy mê hoặc.
Là một người thường xuyên xin chữ “ông đồ” Lê Thiên Lý mỗi khi xuân về, ông Nguyễn Công Thành - Phó chủ tịch Hội Văn hóa Doanh nhân Hải Phòng chia sẻ: “Xin chữ đã trở thành hoạt động truyền thống của đại gia đình trong năm mới nhằm cầu bình an, may mắn và tài lộc. Khi viết chữ, thầy vừa viết vừa giảng giải ý nghĩa của từng nét để mình có thể hiểu được hết những ý nghĩa sâu sắc của từng chữ”. Không chỉ xin những chữ Hán, gia đình ông Thành còn xin những bức thư pháp viết theo lối “vật điểu thư” hình ảnh con giáp tượng trưng cho mỗi năm để tặng con cháu, nhằm hướng bọn trẻ yêu thích và ý thức gìn giữ 1 nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.
Thư pháp đang dần trở thành “món ăn” tinh thần cho người Việt khi tết đến xuân về. Nghệ thuật thư pháp luôn đòi hỏi sự khổ luyện và đề cao tâm hồn, tinh thần của người viết. Nhờ những nhà thư pháp tâm huyết với bộ môn nghệ thuật này như ông Lý, thư pháp Việt Nam từng bước hòa vào “hơi thở” cuộc sống hiện đại.
Kính mời quý độc giả gửi chia sẻ ý kiến của mình về vấn đề này qua hộp thư toasoan@dddn.com.vn. Bài viết phù hợp sẽ được đăng tải kèm theo chế độ nhuận bút nhanh, hấp dẫn.