Chiến lược “thế chỗ” của Trung Quốc ở Trung Đông

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 31/03/2021 06:15

Trung Quốc đã thành công với chiến lược "điền vào ô trống" ở Trung Đông.

Căng thẳng Mỹ và Iran với toàn bộ Trung Đông là cơ hội cho Trung Quốc

Căng thẳng Mỹ và Iran với toàn bộ Trung Đông là cơ hội cho Trung Quốc

Sau hội đàm Alaska bất thành với Mỹ cách đây chưa lâu, Trung Quốc nhanh chóng gia tăng quan hệ ngoại giao với khu vực Trung Đông thông qua chuyến công du của Ngoại trưởng Vương Nghị đến 6 nước hồi giáo.

Bắc Kinh đã đạt được thỏa thuận quan trọng với Iran bằng cam kết đầu tư 400 tỷ USD vào hàng chục lĩnh vực trong đó có ngân hàng, viễn thông, cảng biển, đường sắt, y tế và công nghệ thông tin,… Đổi lại, trong 25 năm tới Iran đảm bảo nguồn cung dầu mỏ cho Trung Quốc.

Đây là thương vụ đầu tư lớn nhất trong lịch sử thế giới hiện đại, nói cách khác - dù không thể hiện nhưng Bắc Kinh và Teheran chính thức xem nhau là đồng minh thân thiết, cùng chung chiến hào trong cuộc chiến chống lại Mỹ và phương Tây.

Động lực giúp đôi bên xích lại gần nhau chính là câu nói “kẻ thù của kẻ thù chính là bạn”. Thỏa thuận này giúp Trung Quốc đạt được mục đích kinh tế, chính trị, và sẽ mang lại cho Iran lối thoát về mặt ngoại giao, hội nhập.

Tại 5 quốc gia khác là Saudi Arabia, Oman, Thổ Nhĩ Kỳ, UAE, Bahrain, Trung Quốc đề xuất tổ chức đối thoại tái thiết hòa bình cho Israel và Palestine, đồng thời đưa ra các giải pháp cho vấn đề hạt nhân Iran.

Như vậy, Bắc Kinh không còn dấu diếm thái độ thể hiện vai trò cường quốc đối với những vấn đề hóc búa mà xưa nay chỉ có Mỹ khởi xướng. Tại những nơi mà ông Vương đặt chân đến đều có tầm ảnh hưởng tại khu vực và đang vướng mắc mớ trong quan hệ với Washington.

Ví dụ, Saudi Arabia bị Mỹ cáo buộc phá bĩnh thị trường dầu mỏ do hạ giá và khai thác quá nhiều, điều này đi ngược với toan tính thống trị thị trường dầu mỏ, đánh sập ngành dầu đá phiến của giới chủ phố Wall. Để trả đũa, Mỹ đã rút hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot ra khỏi nước này.

Ông Vương Nghị đến Saudi Arabia và nói rằng: “ủng hộ sự tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng công lý và bình đẳng, đạt được mục tiêu không phổ biến vũ khí hạt nhân, hợp tác để đạt được an ninh tập thể”.

Rất trùng hợp, tất cả những nội dung trên đều là thất bại của Mỹ ở Trung Đông, hầu hết các quốc gia ở đây xem Mỹ là kẻ thù, chính sách can thiệp của Washington để lại di họa nặng nề ở nhiều quốc gia.

Trong khi Mỹ nhất quán ủng hộ Israel trong cuộc chiến lịch sử với thế giới Hồi giáo thì Trung Quốc mang đến đây giọng điệu ngọt ngào khôn ngoan, đánh trúng tâm lý khát khao yên bình của người dân Trung Đông.

Ông Vương Nghị đã hứa hẹn mang lại công lý và bình đẳng cho Trung Đông!

Trung Quốc đã hứa hẹn mang lại công lý và bình đẳng cho Trung Đông!

Với Iran tuy sở hữu lượng dầu mỏ khổng lồ nhưng luôn nằm dưới sự kiểm soát vô hình của người Mỹ bằng công cụ petrodollars và cấm vận kinh tế. Dĩ nhiên, không một quốc gia nào dám làm ăn với Teheran vì sợ tai họa.

Việc Trung Quốc sẵn sàng hào phóng chi núi tiền 400 tỷ USD đầu tư ở Iran chẳng khác nào trực diện thách thức quyền lực của Mỹ. Tuy nhiên, bây giờ chính phủ ông Hassan Rouhani xem Trung Quốc là con đường để thoát thế cô lập.

Bằng bước đi này, có thể thấy Trung Quốc không còn e dè Mỹ, điều đó cũng cho thấy các chiến lược gia ở Bắc Kinh nhận ra nước Mỹ đang suy yếu cục bộ.

Không có gì đảm bảo sự có mặt của cường quốc châu Á tại Trung Đông sẽ đem lại “công lý”, “bình đẳng”, bởi tiếng nói của Trung Quốc chưa đủ trọng lượng, cũng như thiếu công cụ thể hiện bằng sức mạnh mềm.

Mặt khác, về kinh nghiệm xử lý các vấn đề toàn cầu, Trung Quốc chưa thể nào bằng Mỹ - đất nước có lịch sử hàng trăm năm chinh chiến khắp nơi trên toàn cầu. Và, Bắc Kinh cũng tồn tại quá nhiều vấn đề nội bộ trước khi nghĩ đến xây dựng hòa bình cho Trung Đông.

Như vậy có nghĩa, điều duy nhất được nhắm đến là nguồn dầu mỏ khổng lồ đảm bảo cho tham vọng phát triển kinh tế. Song, dù sao sự có mặt của Trung Quốc cũng tạo thêm một lựa chọn cho nhiều quốc gia Trung Đông đang mắc kẹt dưới sự ảnh hưởng của Mỹ.

Có thể bạn quan tâm

  • Quan hệ Mỹ - Iran nhìn từ vụ tấn công sân bay tại Iraq

    Quan hệ Mỹ - Iran nhìn từ vụ tấn công sân bay tại Iraq

    06:38, 19/02/2021

  • Cô gái Việt khởi nghiệp từ nông sản, thành bà chủ ở Iran

    Cô gái Việt khởi nghiệp từ nông sản, thành bà chủ ở Iran

    05:30, 08/11/2020

  • Liên minh Trung Quốc- Iran sắp lộ diện?

    Liên minh Trung Quốc- Iran sắp lộ diện?

    11:06, 20/08/2020

  • Xung đột Mỹ- Iran leo thang, giá vàng sẽ bay tới đâu?

    Xung đột Mỹ- Iran leo thang, giá vàng sẽ bay tới đâu?

    11:32, 08/01/2020

  • Áp lực ngành năng lượng từ xung đột Mỹ - Iran

    Áp lực ngành năng lượng từ xung đột Mỹ - Iran

    07:00, 08/01/2020

  • Xung đột Iran - Mỹ leo thang có thể gây họa cho kinh tế Việt Nam!

    Xung đột Iran - Mỹ leo thang có thể gây họa cho kinh tế Việt Nam!

    16:00, 03/01/2020

TRƯƠNG KHẮC TRÀ