Gần 3 năm khởi nghiệp với các mặt hàng nông sản Iran, 8X Việt trở thành bà chủ, mua được nhà và xe hơi.
Gia đình Đỗ Lệnh Hoài Anh (28 tuổi, TP.HCM) đều làm trong ngành giáo dục ở Việt Nam. Cô sang Iran học Thạc sĩ với dự định, khi về nước sẽ theo đuổi ngành nghề của bố mẹ.
Thế nhưng cuộc gặp gỡ với chàng trai Iran không chỉ níu giữ cô lại đất nước này mà còn tạo nên một bước ngoặt đầy bất ngờ.
Thời điểm năm 2017, khi Hoài Anh sang Iran được 2 năm, cô nảy sinh tình yêu với Amir Hossein (31 tuổi).
Amir nhìn thấy tố chất kinh doanh của bạn gái nên đã tư vấn cho cô mang các sản phẩm của Iran bán cho thị trường Việt Nam. Đặc biệt là nhụy hoa nghệ tây (saffron - loại nông sản chuyên dùng trong chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp).
“Nhụy hoa nghệ tây là một loại gia vị giống như gừng, nghệ, tỏi... mà người Việt sử dụng trong các bữa ăn. Bên cạnh việc sử dụng trong các món ăn, có thể pha vài sợi saffron trong nước ấm và uống hàng ngày”, Hoài Anh giải thích.
Mặc dù thiếu tự tin nhưng dưới sự hỗ trợ của bạn trai - vốn là giám đốc một công ty chuyên về du lịch lữ hành, Hoài Anh đã mạnh dạn gây dựng thương hiệu và đưa nông sản Iran tiếp cận thị trường Việt Nam.
Trải qua nhiều bế tắc, đến nay “tiệm tạp hóa Iran” của cô đã được mọi người biết đến.
Hoài Anh chia sẻ, quãng thời gian mới khởi nghiệp cô gặp nhiều trở ngại, muốn buông bỏ.
“Tôi là kẻ tay ngang làm kinh doanh, từ bé đến lớn chỉ tập trung học văn hóa. Ban đầu, tôi cũng nản vì mặt hàng Iran không được ưa chuộng tại Việt Nam. Đa số khách hàng tin dùng hàng Mỹ, Nhật, Hàn… Việc đưa hàng Iran về Việt Nam bán được cho là mạo hiểm”, cô nói.
Các thủ tục xuất nhập ở Iran cần rất nhiều giấy tờ để hợp lệ. Trong khi đó, bản thân Hoài Anh lại chưa có kinh nghiệm nên hàng hóa ách tắc, vốn lại thấp… Khó khăn chồng chất khiến Hoài Anh hoang mang không biết làm gì để tháo gỡ.
Giây phút bế tắc nhất, cô tìm một nơi thật yên tĩnh, gạt hết những lo toan để tĩnh tâm. “Tinh thần bớt căng thẳng cũng là lúc tôi quyết định quay lại vạch xuất phát”, Hoài Anh tâm sự.
Cô tìm nguồn hàng chuẩn, học về cách sử dụng sản phẩm, phân biệt hàng hóa… Sau khi nắm rõ về chất lượng các mặt hàng, cô chọn lọc sản phẩm để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng Việt Nam.
“Hàng hóa Iran không hề thua kém các nước tiên tiến. Do một số nguyên nhân nên ít người biết đến. Đây là yếu tố thuận lợi nhưng cũng là khó khăn”, 8X Việt khẳng định.
Cô lý giải, thuận lợi là mọi người ít biết đến, thị trường sẽ có nhiều tiềm năng cho mình phát triển. Tuy nhiên, giai đoạn đầu cô phải vất vả để gây dựng đầu ra. Tất cả các kênh bán hàng từ trực tiếp đến gián tiếp, online, người quen… cô đều áp dụng để phân phối sản phẩm.
Gần 3 năm kinh doanh nông sản Iran, Hoài Anh đã đạt được một số thành công nhất định. Hiện Hoài Anh và Amir đã kết hôn.
Hoài Anh chia sẻ thêm, những ngày đầu mới khởi nghiệp, ông xã hỗ trợ cô giao dịch với các nhà cung cấp Iran.
Về mặt tài chính, hai vợ chồng coi nhau như cổ đông, mỗi bên góp vốn 50%. “Gọi là góp vốn nhưng thực ra chồng cho tôi mượn và sau một năm tôi đã hoàn vốn cho chồng”, 8X cho hay.
Đến nay, doanh thu của cô khá ổn định. Nữ thạc sĩ Việt tiết lộ, thu nhập hàng tháng lên đến cả trăm triệu đồng.
Mục tiêu của Hoài Anh trong tương lai là xây dựng được chuỗi cửa hàng chuyên bán các sản phẩm hàng hóa của Iran và Trung Đông tại Việt Nam.
Năm 2020, Hoài Anh có chương trình quảng bá hình ảnh và sản phẩm chất lượng cao của Iran tại Việt Nam nhưng do ảnh hưởng của dịch nên cô dời lại năm sau.
Từ khi kết hôn, chồng luôn khuyến khích Hoài Anh tạo lập sự nghiệp riêng. Chồng cô từng nói, muốn hôn nhân hạnh phúc, người phụ nữ phải bước qua ranh giới bản thân, độc lập về tài chính, tự chủ về cuộc sống.
Theo đó, phụ nữ không nên chỉ cắm cúi vào bếp và lo việc con cái mà cần học hỏi và trau dồi những kiến thức xã hội. Như vậy, họ không chỉ có tư tưởng tiến bộ, biết san sẻ mọi khó khăn cùng chồng mà còn trở nên hấp dẫn hơn.
“Amir nói như thế không phải vì anh sòng phẳng về kinh tế hay không lo được cho tôi. Anh có thể lo cho tôi cuộc sống sung túc nhưng anh muốn vợ thực sự thoải mái, không mang tiếng phụ thuộc”, Hoài Anh cho biết.
Ngoài kinh doanh nông sản của Iran, thời gian tới Hoài Anh cũng ấp ủ những kế hoạch mới, như đưa hàng Việt Nam sang Iran, kinh doanh lĩnh vực làm đẹp.
“Văn hóa Iran, phụ nữ đều trùm khăn nhưng không phải trùm khăn mà họ ít làm đẹp. Ở đây, các tiệm chăm sóc sắc đẹp, vẽ móng còn nhiều hơn ở Việt Nam. Đây cũng là một hướng hay cho tôi phát triển”, Hoài Anh nhấn mạnh.
Hoài Anh kể, phụ nữ Iran sở hữu nét đẹp pha giữa mắt sâu của Trung Đông và mũi cao của Châu Âu. Mỗi khi trùm khăn, chiếc khăn tôn lên sự bí ẩn và nét đẹp đó.
“Ở Iran, phụ nữ chỉ trùm khăn che tóc chứ không phải che mặt như các nước Hồi giáo khác nên thời trang của họ rất đẹp”, 8X Việt nói.