Ý đồ của Trung Quốc với tiền điện tử (Bài cuối)
Dù Trung Quốc đang nỗ lực đẩy mạnh quốc tế hóa Nhân dân tệ thông qua tiền điện tử, nhưng USD vẫn sẽ tiếp tục là “ông vua” trong hệ thống tài chính toàn cầu.
Vấn đề không chỉ là đối với riêng tiền điện tử - bao trùm đó chính là cuộc chiến tranh tiền tệ đang manh nha, không chỉ là Mỹ, Trung Quốc mà còn có Nga, Nhật Bản và Liên minh châu Âu. Đồng Nhân dân tệ liệu có hoàn thành sứ mệnh to lớn - Trung Hoa mộng?
Chiến tranh tiền tệ là một cuộc xung đột kinh tế, trong đó các nền kinh tế tìm cách giảm giá tiền tệ của mình và như vậy làm tăng khả năng cạnh tranh quốc tế, làm thiệt thòi các nền kinh tế khác. Vì sao vậy?
Khi đồng tiền của một nước mất giá thì hàng hóa sản xuất trong nước khi bán ra ngoài sẽ rẻ hơn. Nhờ vậy sự xuất cảng hàng hóa nước đó sẽ gia tăng, họ có thể sản xuất nhiều hơn, do đó sẽ giảm số người thất nghiệp. Tác dụng của nó là đánh bại thị trường đối thủ
Đặc điểm của một cuộc chiến tranh tiền tệ là những biện pháp trả đũa của các nền kinh tế liên hệ, nói chung là sẽ dẫn tới sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu.
Từ 2008 đến nay, Trung Quốc liên tục kìm giá đồng Nhân dân tệ, động thái này diễn ra với tần suất dày hơn rất nhiều so với trước. Đây là đòn hiểm đánh vào kinh tế Mỹ khi căng thẳng đôi bên leo thang, nhưng không mấy hiệu quả.
Đầu tiên, đồng USD được xây dựng trên nền tảng quá vững chắc. Nó không do chính phủ Mỹ kiểm soát mà nằm trong tay FED- cơ quan đóng vai trò độc lập.
Đồng USD hiện nắm 2 quyền lực cơ bản trong hệ thống tài chính quốc tế: Tăng, giảm lãi suất, chính vì nó là đồng tiền chủ chốt nên lãi suất thay đổi ngay lập tức tác động sâu sắc đến phần còn lại.
Khi tổ chức này đưa ra các chỉ thị về khối lượng tiền mặt dự trữ sẽ khiến 12 ngân hàng trực thuộc phải tuân thủ. Nếu số lượng dự trữ lớn, phần cho vay sẽ giảm đi, vay mượn khó hơn và lãi suất tăng lên. Dĩ nhiên, phạm vi ảnh hưởng sẽ mang tính toàn cầu.
Một đồng tiền mạnh - đương nhiên, nó được bổ sung bởi đồng loạt các biện pháp, kể cả vũ trang quân sự. Nhưng quan trọng hàng đầu là đồng tiền ấy được sản sinh ra từ nền kinh tế mạnh, ổn định, có chiều sâu, uy tín chính phủ và đẳng cấp hệ thống tài chính.
Về khoản này, Mỹ có thừa, dân số Mỹ chỉ chiếm 4,5% toàn cầu nhưng tạo ra 1/5 của cải toàn cầu. Như vậy, năng suất lao động Mỹ thuộc hạng cao nhất thế giới. Sở hữu nền tảng công nghệ số 1, các trường đại học hàng đầu, dự trữ vàng và dầu mỏ khổng lồ.
Đây là một trong những lý do để Mỹ tiếp tục thống trị thế giới, cố nhiên, đồng bạc xanh tiếp tục là “ông vua” trong hệ thống tài chính toàn cầu.
Trong khi đó, đồng Nhân dân tệ, tuy ngày càng đóng vai trò quan trọng theo đà tăng trưởng nhanh của nền kinh tế Trung Quốc. Song, nó chưa thể đứng ngang hàng với USD, euro.
Lý do là gì? Hệ thống tài chính Trung Quốc tồn tại quá nhiều bất ổn, như “đứa trẻ khổng lồ”. Trong Báo cáo “Ổn định Tài chính 2019” công bố hồi năm ngoái, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho biết 586 trên tổng số 4.400 ngân hàng nước này “đối mặt rủi ro cao”.
Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chưa vượt qua thời kỳ “kiểu cũ”, tức là năng suất lao động chưa dựa vào chân đế khoa học công nghệ, chủ yếu là gia công, bán rẻ sức lao động. Đây không phải là đặc điểm của nền kinh tế mạnh và ổn định nên không thể sản sinh ra đồng tiền để mọi quốc gia dùng làm thanh toán xuyên biên giới.
Cuối cùng, những gì Trung Quốc “gây ra” khiến người ta ác cảm với “tiền Trung Quốc”, nó không khác gì tiền của “chủ nợ”. Đây là thương hiệu quốc gia!
Có thể bạn quan tâm
Ý đồ của Trung Quốc với tiền điện tử (Bài 2)
05:20, 04/06/2021
Ý đồ của Trung Quốc với tiền điện tử (Bài 1)
06:00, 03/06/2021
"Xinomic" và đôi chân yếu của kinh tế Trung Quốc
06:00, 17/08/2020
Do đâu nền kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng bất kể đại dịch COVID-19?
05:20, 02/08/2020
Sự phân hoá trong nền kinh tế Trung Quốc (Bài 2)
07:00, 08/07/2020
Sự phân hoá trong nền kinh tế Trung Quốc (Bài 1)
06:30, 06/07/2020