Vĩnh Phúc: Để “con voi chui lọt lỗ kim”- ai chịu trách nhiệm?
Mặc dù các doanh nghiệp đua nhau “bức tử” hồ Đại Lải, xây dựng nhiều công trình trái phép trong thời gian dài, thế nhưng điều ngạc nhiên là các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc “không biết”!?
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, tại kết luận kiểm tra việc chấp hành pháp luật về Tài nguyên và Môi trường đối đối với Cty Đạt Tiến khi thực hiện dự án khu du lịch Đảo Ngọc do Phó Giám đốc Sở TN&MT Vĩnh Phúc, ông Hoàng Văn Đăng ký đã nêu rõ: “Cty Đạt Tiến đã tự ý san lấp, đóng cọc, đắp nền phần diện tích bán ngập với diện tích hơn 15.000m2 để trồng cây, làm vườn, đường dạo xung quanh khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép là vi phạm pháp luật”.
Nhưng đáng nói là dù xác định được hành vi vi phạm nghiêm trọng của chủ đầu tư dự án, nhưng cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc lại đề xuất “hợp thức hóa” cho sai phạm này.
Theo đó, sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị UBND tỉnh này hợp pháp hóa cho chủ dự án bằng cách: “Cho phép Cty Đạt Tiến được lập hồ sơ xin giao, cho thuê bổ sung phần diện tích hơn 15.000m2”.
Đến đây cũng cần phải nói thêm, những hành vi xâm lấn hồ Đại Lải báo chí đã liên tục phản ánh trong những năm qua, nhưng có một điều hết sức “lạ lùng”, thay vì có những biện pháp ngăn chặn, thì dường như UBND tỉnh Vĩnh Phúc lại “tạo điều kiện” cho các doanh nghiệp mở rộng diện tích dự án(!?).
Cụ thể, trước thời điểm có quy hoạch chung Khu du lịch Đại Lải, vào năm 2003, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có quyết định giao diện tích 30,1ha đất tại khu du lịch Đại Lải cho Cty TNHH Nhật Hằng thực hiện dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu nghỉ ngơi và vui chơi giải trí Trại Thị.
Theo quyết định giao đất của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, vị trí, ranh giới của dự án được thể hiện trên bản đồ địa chính theo tỷ lệ 1/1000… Chủ đầu tư tiến hành thực hiện dự án bằng việc xây dựng hàng loạt các công trình, đặc biệt là biệt thự nghỉ dưỡng. Ngoài ra, các tài liệu cũng thể hiện, doanh nghiệp Nhật Hằng đổi tên công ty thành Cty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Nhật Hằng, đồng thời dự án có thêm một nhà đầu tư nữa là Cty Cổ phần Paradise Đại Lải.
Hơn 10 năm Nhật Hằng thực hiện dự án du lịch nghỉ dưỡng quanh hồ Đại Lải, mặc dù đã có quy hoạch chung nhưng chủ đầu tư liên tục điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh diện tích để mở rộng thêm phạm vi dự án. Càng khó hiểu hơn, hầu như tất cả những tờ trình của chủ đầu tư về những nội dung này đều được UBND tỉnh Vĩnh Phúc chấp thuận(!?).
Theo thông tin nhiều cơ quan báo chí đã đăng tải, chỉ trong 2 năm, năm 2015 và 2017, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, ông Vũ Chí Giang đã liên tiếp ký các quyết định về việc điều chỉnh nội dung giao và cho thuê đất theo QHCTXD tỷ lệ 1/500 dự án biệt thự và vui chơi giải trí Đại Lải. Những quyết định này của UBND tỉnh Vĩnh Phúc không chỉ giúp chủ đầu tư điều chỉnh nội dung về sử dụng đất mà còn giúp chủ đầu tư tăng diện tích dự án lên nhiều ha.
Điển hình như Quyết định phê duyệt điều chỉnh Khu biệt thự và vui chơi giải trí Đại Lải (lần 3) mà ông Vũ Chí Giang ký ngày 24/10/2017 thể hiện: Tổng diện tích đất được UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao cho Cty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Nhật Hằng và Cty Cổ phần Paradise Đại Lải tại Quyết định 1508/QĐ-UBND ngày 2/6/2015 là 37,1662 ha (trước đó doanh nghiệp được giao 30,1ha đất - PV). Như vậy, phần chênh lệch hơn 7ha này không hiểu doanh nghiệp đã “mở rộng” từ đâu?
Theo một diễn biến mới nhất, liên quan đến việc hồ Đại Lải đang bị “bức tử” một cách nghiêm trọng, chiều 1/7 vừa qua, đoàn công tác liên ngành Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) và Cục cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) do ông Nguyễn Đắc Long – Vụ trưởng Vụ pháp chế - Thanh tra (Tổng cục Thủy lợi) làm trưởng đoàn đã tới Vĩnh Phúc làm việc.
Tại đây, ông Nguyễn Đắc Long cho biết nội dung làm việc của đoàn nhằm kiểm tra việc thực hiện kết luận số 253 ngày 20/3/2020 của Tổng cục Thủy lợi về những vi phạm trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải.
Theo báo cáo của các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc, sau kết luận số 253 của Tổng cục Thủy lợi, UBND thành phố Phúc Yên đã chỉ đạo kiểm tra, yêu cầu dừng hoàn toàn việc đổ đất san lấp xuống lòng hồ Đại Lải từ cốt 23 trở xuống; một số nội dung trong kết luận như xử phạt vi phạm hành chính đối với các doanh nghiệp vi phạm; UBND tỉnh Vĩnh Phúc báo cáo Bộ NN-PTNT trước ngày 30/3/2020, tới nay vẫn… chưa thực hiện được!?
Trước hàng loạt sai phạm cùng những động thái của tỉnh Vĩnh Phúc, dư luận không khỏi băn khoăn hoài nghi rằng, rồi đây, hồ Đại Lải có được giải cứu? Sai phạm đến bao giờ mới bị xử lý? Và có lẽ câu hỏi về trách nhiệm không bao giờ có hồi đáp? Bởi suốt bao năm qua, “con voi chui lọt lỗ kim” dường như đã trở thành chuyện thường ngày ở Vĩnh Phúc (?).
Có thể bạn quan tâm
Cần bịt kẽ hở “hợp thức hóa” khiến sai phạm gia tăng
05:10, 06/07/2020
Chuyện “hợp thức hóa” sai phạm và cơ chế “xin – cho” ở Vĩnh Phúc
06:30, 24/06/2020
Chuyện “phạt” để “hợp thức hóa” sai phạm bao giờ chấm dứt?
04:30, 27/06/2020
“Hợp thức hóa” hay cố tình “lách luật” để bao che sai phạm?
13:50, 09/06/2020
“Hợp thức hóa sai phạm” tại Yên Phong (Bắc Ninh): Trách nhiệm thuộc về ai?
05:30, 09/06/2020
Yên Phong (Bắc Ninh): Dự án khu vui chơi giải trí Thuần Việt được chính quyền "hợp thức hóa sai phạm"?
05:30, 07/06/2020
Điều chỉnh quy hoạch để hợp thức hóa sai phạm?
06:20, 06/04/2020