HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 9): Bốn rủi ro của mô hình nhà nước kiến tạo
Mô hình nhà nước kiến tạo có thể là tối ưu với Việt Nam nhưng nếu lựa chọn mô hình này, Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức không nhỏ.
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin ở bài trước, kể từ khi từ bỏ nền kinh tế kế hoạch hóa, tập trung, quan liêu, bao cấp và xây dựng nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, về cơ bản chúng ta đã đi theo mô thức của một nhà nước kiến tạo phát triển. Cái mà các Thủ tướng của chúng ta quan tâm là thúc đẩy những cải cách để kiến tạo ra sự phát triển nhanh chóng và vượt bậc cho đất nước.
Ở Việt Nam, thuật ngữ “Chính phủ kiến tạo phát triển” lần đầu tiên được đưa ra trong một bài viết của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào năm 2014. Thế nhưng, thuật ngữ này chỉ thật sự trở thành một định hướng của cải cách, từ khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra cam kết xây dựng một “Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân” trong phát biểu nhậm chức của mình và nỗ lực đẩy mạnh thực hiện trong thời gian qua.
Nếu đặt câu hỏi: Các Thủ tướng của chúng ta có chịu ảnh hưởng của lý thuyết về mô hình nhà nước kiến tạo phát triển được các nhà nghiên cứu đưa ra từthế kỷ trước hay không? Câu trả lời có lẽ là không. Kể từ khi từ bỏ nền kinh tế kế hoạch hóa, tập trung, quan liêu, bao cấp và xây dựng nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, về cơ bản chúng ta đã đi theo mô thức của một nhà nước kiến tạo phát triển. Cái mà các Thủ tướng của chúng ta quan tâm là thúc đẩy những cải cách để kiến tạo ra sự phát triển nhanh chóng và vượt bậc cho đất nước.
Có lẽ, trong điều kiện của Việt Nam thì để kiến tạo phát triển, Nhà nước cần phải hoạch định đường lối phát triển cho đất nước (đặc biệt là đường lối công nghiệp hóa và chương trình xóa đói giảm nghèo) và thúc đẩy việc hiện thực hóa đường lối đó. Dù vậy rủi ro của lựa chọn này là hoàn toàn không nhỏ.
Trước hết, đó là rủi ro về năng lực. Chúng ta có khả năng hoạch định chính sách phát triển công nghiệp đúng đắn hay không? Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thì chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam phải là gì? Đây quả thực là những câu hỏi không dễ trả lời. Thiếu một đội ngũ lãnh đạo tinh hoa khó lòng hoạch định chính sách phát triển đúng đắn được. Để có được một đội ngũ lãnh đạo như vậy, thu hút người tài vào trong Đảng là rất quan trọng. Đây phải được coi là một trong những nhiệm vụ chiến lược hàng đầu của Đảng ta trong thời gian sắp tới. Ngoài ra, tận dụng tri thức của giới Việt kiều tinh hoa để hoạch định chính sách phát triển công nghiệp cũng rất quan trọng. Nếu lựa chọn mô hình nhà nước kiến tạo thì Việt Nam phải trả lời được những câu hỏi này.
Rủi ro thứ 2, do đã hội nhập sâu rộng với thế giới và tham gia rất nhiều các hiệp định về tự do thương mại song phương và đa phương, nên không gian chính sách còn lại của Nhà nước ta cho việc hoạch định và triển khai chương trình công nghiệp hóa một cách độc lập và tự chủ là rất nhỏ hẹp.
Bị ràng buộc bởi vô vàn những cam kết quốc tế, Nhà nước rất khó can thiệp vào thị trường để thúc đẩy phát triển những ngành công nghiệp mà chúng ta lựa chọn. Để vượt qua rủi ro này, quan trọng là phải nâng cao năng lực thiết kế các hàng rào kỹ thuật, các hàng rào về thủ tục.
Điều này có vẻ như đang đi ngược với những cố gắng cắt giảm thủ tục hành chính của Chính phủ hiện nay, nhưng nếu chúng ta muốn phát triển ngành công nghiệp và bảo hộ cho hàng hóa và doanh nghiệp trong nước thì hàng rào kỹ thuật là rất cần thiết để ngành công nghiệp non trẻ này của đất nước không bị cạnh tranh quốc tế bóp chết từ trong trứng nước.
Ngoài ra, việc tận dụng các khoảng trống chính sách cũng rất quan trọng ở đây. Các hiệp định thương mại tự do không hạn chế Nhà nước đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) trong lĩnh vực (ví dụ như an ninh, quốc phòng chẳng hạn).
Tại sao chúng ta không đầu tư vào đây, khi cần thiết thì vẫn có thể chuyển giao các thành tựu nghiên cứu cho các lĩnh vực dân sự?
Rủi ro thứ 3, hiện nay bộ máy hành chính và đội ngũ công chức của chúng ta khá yếu kém. Bộ máy này đang bị chính trị hóa rất nặng nề.
Theo đó, điều quan trọng nhất vẫn là phải lựa chọn cho được những người tài giỏi nhất vào bộ máy hành chính. Truyền thống khoa bảng là điều kiện rất thuận lợi để chúng ta tuyển chọn người tài ở đây.
Ngoài ra, tâm lý thích học để làm quan cũng là động lực quan trọng để thu hút người tài vào bộ máy Nhà nước. Vấn đề là phải học thật và thi thật. Phải kiên quyết áp đặt một chế độ khoa bảng và thi tuyển nghiêm khắc nhất vào bộ máy hành chính nhà nước.
Rủi ro thứ 4, chính là quỹ thời gian để xây dựng thành công mô hình nhà nước kiến tạo phát triển còn lại không nhiều.
Với áp lực của hội nhập và dân chủ hóa như hiện nay thì mô hình coi trọng phát triển kinh tế hơn mở rộng dân chủ và nhân quyền như nhà nước kiến tạo phát triển chưa chắc đã có được sự chấp nhận của đông đảo công chúng.
Để vượt qua thách thức này, truyền thông đóng một vai trò hết sức quan trọng. Không có một nền tảng kinh tế-xã hội phù hợp và một nền tảng văn hóa chính trị trưởng thành, những cải cách dân chủ manh động không khéo lại chỉ dẫn đến đổ vỡ và bất ổn xã hội mà thôi.
|
Bài 10: Kinh tế thị trường và vai trò của doanh nghiệp nhà nước.
Có thể bạn quan tâm
HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 8): Kinh tế thị trường và nhà nước kiến tạo
04:55, 03/03/2021
HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 7): Cải cách bắt đầu từ đâu?
04:50, 02/03/2021
HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 6): Kinh tế thị trường và vai trò của nhà nước
04:50, 01/03/2021
HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 5): Bước ngoặt chuyển đổi
04:50, 24/02/2021
HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 4): Luật riêng về tích tụ ruộng đất phải giải quyết được những vấn đề gì?
05:30, 21/02/2021
HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 3): Tích tụ ruộng đất như thế nào cho hiệu quả?
11:10, 20/02/2021
HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 2): Từ Khoán 10 tới tích tụ ruộng đất
04:50, 16/02/2021
HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 1): “Cha đẻ của khoán 10”, người mở đường cho tư duy đổi mới nông nghiệp
11:01, 13/02/2021
HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI: Tầm nhìn 2045
04:50, 11/02/2021