HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 8): Kinh tế thị trường và nhà nước kiến tạo

TS NGUYỄN SĨ DŨNG, GIÁM ĐỐC VMC 03/03/2021 04:55

Trong tiến trình xây dựng nền kinh tế thị trường, việc xây dựng thành công mô hình nhà nước kiến tạo có thể sẽ mang lại thành công vang dội cho Việt Nam trong quá trình phát triển.

Xây dựng “Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt phục vụ người dân và doanh nghiệp” là một định hướng của Chính phủ đang nhận được sự đồng tình, ủng hộ của xã hội. Việc xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển hay Nhà nước kiến tạo phát triển rất phù hợp với việc xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Đây cũng là vấn đề rất đáng quan tâm trong hành trình đổi mới của Việt Nam.

Mô hình nhà nước kiến tạo có thể là lựa chọn tối đa cho Việt Nam.

Mô hình nhà nước kiến tạo có thể là lựa chọn tối đa cho Việt Nam.

"Việt Nam giống con nhộng lột xác một nửa"

Hiện tại tổ chức bộ máy nhà nước Việt Nam có rất nhiều vấn đề, song tựu trung có 4 vấn đề lớn: một hệ thống mà hai tiêu chuẩn; phương thức vận hành chưa rõ theo mô hình nhà nước kiến tạo phát triển hay nhà nước điều chỉnh; không phân định hành pháp chính trị và hành chính công vụ; phân quyền cho địa phương không theo Hiến pháp.

Theo đó, vấn đề thứ nhất là một hệ thống mà hai tiêu chuẩn. Trong quá trình cải cách từ năm 1986 đến nay, Việt Nam đã có nhiều cải cách; đặc biệt về chính trị, Việt Nam cải cách hơn Trung Quốc khá nhiều.

Hiến pháp Việt Nam quy định quyền lập pháp thuộc về Quốc hội, quyền hành pháp thuộc về Chính phủ, quyền tư pháp thuộc về Tòa án và nói rõ các cơ quan quyền lực nhà nước kiểm soát lẫn nhau.

Đó là hệ chuẩn rất mới. Nhưng theo tôi, Việt Nam chúng ta đang giống với "con nhộng lột xác có một nửa". Quan trọng là ta chọn một hệ chuẩn thôi và sắp xếp bộ máy theo hệ chuẩn đó. Ta đã lột xác được một nửa thì nên lột xác tiếp, hơn là đắp lại lớp vỏ cũ.

Vấn đề thứ hai là sau khi từ bỏ nhà nước kế hoạch hóa, Việt Nam nên vận hành theo hệ chuẩn nào, nguyên tắc nào? Có hai mô hình nhà nước mà chúng ta có thể lựa chọn nhà nước kiến tạo phát triển và nhà nước điều chỉnh. Giai đoạn vừa rồi, Việt Nam đã nói nhiều về mô hình nhà nước kiến tạo phát triển – như mô hình của Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc. Tuy nhiên chúng ta lại đang hành xử theo mô hình nhà nước điều chỉnh của Anh, của Mỹ. Càng ngày nhà nước càng thể hiện rõ mô hình điều chỉnh.

Nhiều quan điểm nhấn mạnh mô hình nhà nước điều chỉnh sẽ là sự lựa chọn tối ưu cho Việt Nam. Tuy nhiên, từ góc nhìn của mình, tôi cho rằng nếu theo mô hình nhà nước điều chỉnh, Việt Nam sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, vì văn hóa của Việt Nam khác với Anh, Mỹ. Việt Nam chuyển từ kế hoạch hóa tập trung sang thị trường thì mô hình nhà nước kiến tạo phát triển phù hợp hơn, bởi đây là mô hình chuyển tiếp. Ở mô hình này, vai trò của nhà nước trong hoạch định rất quan trọng. Trung Quốc đã theo mô hình này và phát triển như vũ bão.

Ta nói theo mô hình kiến tạo mà lại vận hành theo mô hình điều chỉnh, đó là vấn đề rất lớn. Tôi kiến nghị hãy theo mô hình của Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Văn hóa Đông Bắc Á là nền tảng để mô hình nhà nước kiến tạo phát triển thành công.

Vấn đề thứ ba là việc lẫn lộn giữa hành pháp chính trị và hành chính công vụ. Thật ra, hiện nay Bộ trưởng được gọi là Tư lệnh ngành – tức là người điều hành mà chưa thực sự là một người hoạch định chính sách.

Vấn đề thứ tư, là việc phân quyền cho chính quyền địa phương chưa thực sự tuân theo quy định của Hiến pháp. Hiến pháp quy định việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương: “... trên cơ sở phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương và của mỗi cấp chính quyền địa phương”.

Từ quy định này có thể thấy: những vấn đề gì đã thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước ở trung ương sẽ không thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương, những gì thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền cấp này sẽ không thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền cấp khác.

Quy định của Hiến pháp thể hiện rất rõ quan điểm phân quyền theo chiều dọc, phân quyền giữa trung ương và địa phương, giữa chính quyền địa phương các cấp. Việc phân quyền được xác định trong các đạo luật nhằm bảo đảm tính ổn định của hoạt động nhà nước, hoạt động của các cấp chính quyền, bảo đảm cho tính năng động, sáng tạo và trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Nhà nước kiến tạo là lựa chọn tối ưu

Để giải quyết các vấn đề trên, đồng thời để Việt Nam có thể hóa rồng, tôi vẫn cho rằng Việt Nam nên lựa chọn mô hình nhà nước kiến tạo phát triển.

Nhiều quan điểm lo ngại rằng, nhà nước kiến tạo không phải là mô hình phù hợp với Việt Nam bởi chúng ta chưa có được bộ máy hành chính công vụ tinh hoa. Tuy nhiên, do là một nước có nền tảng văn hóa của Đông Bắc Á, mô hình nhà nước kiến tạo phát triển có thể là tối ưu cho Việt Nam.

Thật ra, kể từ Đại hội VI của Đảng, chúng ta đã thật sự từ bỏ mô hình nhà nước kế hoạch hóa tập trung, mà đi theo mô hình nhà nước kiến tạo phát triển. Đảng và Nhà nước đã đề ra đường lối công nghiệp hóa đất nước, đã công nhận cơ chế thị trường, nhưng vẫn coi trọng vai trò quản lý của Nhà nước.

Sự lựa chọn mô hình nhà nước kiến tạo phát triển, đã đưa lại sự phát triển và thịnh vượng cho rất nhiều quốc gia.

Đây là điều không thể chối cãi. Trong điều kiện các doanh nghiệp của nước ta làm ăn khó khăn như hiện nay, có lẽ đây cũng là cách làm rất cần thiết. Và sự lựa chọn đúng đắn hơn cho đất nước ta vì vậy có vẻ vẫn là mô hình nhà nước kiến tạo phát triển (theo mô hình các quốc gia Đông Bắc Á) chứ không hẳn là mô hình nhà nước điều chỉnh (theo kiểu Anh-Mỹ).

Tuy nhiên, cũng giống như các mô hình nhà nước khác, việc lựa chọn mô hình nhà nước kiến tạo cũng mang lại rất nhiều rủi ro cho Việt Nam.

Bài 9: Bốn rủi ro của mô hình nhà nước kiến tạo

Có thể bạn quan tâm

  • HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 7): Cải cách bắt đầu từ đâu?

    HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 7): Cải cách bắt đầu từ đâu?

    04:50, 02/03/2021

  • HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 6): Kinh tế thị trường và vai trò của nhà nước

    HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 6): Kinh tế thị trường và vai trò của nhà nước

    04:50, 01/03/2021

  • HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 5): Bước ngoặt chuyển đổi

    HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 5): Bước ngoặt chuyển đổi

    04:50, 24/02/2021

  • HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 4): Luật riêng về tích tụ ruộng đất phải giải quyết được những vấn đề gì?

    HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 4): Luật riêng về tích tụ ruộng đất phải giải quyết được những vấn đề gì?

    05:30, 21/02/2021

  • HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 3): Tích tụ ruộng đất như thế nào cho hiệu quả?

    HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 3): Tích tụ ruộng đất như thế nào cho hiệu quả?

    11:10, 20/02/2021

  • HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 2): Từ Khoán 10 tới tích tụ ruộng đất

    HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 2): Từ Khoán 10 tới tích tụ ruộng đất

    04:50, 16/02/2021

  • HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 1): “Cha đẻ của khoán 10”, người mở đường cho tư duy đổi mới nông nghiệp

    HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 1): “Cha đẻ của khoán 10”, người mở đường cho tư duy đổi mới nông nghiệp

    11:01, 13/02/2021

  • HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI: Tầm nhìn 2045

    HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI: Tầm nhìn 2045

    04:50, 11/02/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 8): Kinh tế thị trường và nhà nước kiến tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO