Tăng trưởng 2 chữ số là lời khẳng định rằng với sự đồng lòng và quyết tâm, Việt Nam hoàn toàn có thể bước vào "kỷ nguyên vươn mình" một cách mạnh mẽ và bền vững.
Tăng trưởng kinh tế 2 chữ số là một mục tiêu tham vọng, nhưng không phải là không khả thi nếu có chiến lược đúng đắn và sự phối hợp hiệu quả giữa các thành phần trong xã hội. Đây là con số biểu trưng, là chỉ dấu quan trọng cho sự chuyển mình mạnh mẽ của đất nước, mở ra cơ hội nâng cao đời sống nhân dân và khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong mục tiêu đó, Chính phủ đóng vai trò "nhạc trưởng" định hướng và thực hiện các chính sách kinh tế, tài khóa và tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng. Các cải cách mạnh mẽ về pháp lý, như sửa đổi Luật Quản lý vốn nhà nước, tháo gỡ rào cản cho các dự án bất động sản và cơ sở hạ tầng, hay cải thiện môi trường kinh doanh, sẽ là chìa khóa để thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Ngoài ra, chính sách thuế cần được điều chỉnh để "khoan sức dân", khuyến khích tiêu dùng, bởi tiêu dùng nội địa chiếm đến 50% GDP quốc gia. Chính phủ cũng cần linh hoạt trong chính sách tài khóa, đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng chiến lược, đặc biệt là các dự án giao thông liên vùng và công nghệ cao, để tạo sức bật cho nền kinh tế.
Doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân và startup, là đầu tàu của tăng trưởng. Để phát huy vai trò này, doanh nghiệp cần được hỗ trợ trong việc tiếp cận vốn, công nghệ và thị trường. Chính phủ và các địa phương cần đẩy mạnh chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo điều kiện cho họ tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Hơn nữa, việc áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, và chuyển đổi số phải trở thành ưu tiên hàng đầu. Các ngành công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, và tăng trưởng xanh không chỉ là xu hướng, mà còn là yêu cầu bắt buộc để tạo ra giá trị gia tăng cao và đảm bảo tăng trưởng bền vững.
Đặc biệt, tăng trưởng kinh tế không có ý nghĩa nếu không đi đôi với cải thiện đời sống của người dân. Để người dân trở thành trung tâm và động lực cho tăng trưởng, cần đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục, y tế, và phúc lợi xã hội. Chính sách an sinh cần được mở rộng, đảm bảo người dân được hưởng lợi trực tiếp từ các thành tựu kinh tế.
Bên cạnh đó, tinh thần đồng lòng và sáng tạo của người dân là yếu tố không thể thiếu. Khi người dân có niềm tin vào chính sách và khát vọng chung, họ sẽ sẵn sàng đóng góp, từ lao động, tri thức đến các ý tưởng sáng tạo để xây dựng đất nước.
Nhìn lại 40 năm đổi mới, Việt Nam đã chuyển mình mạnh mẽ từ một quốc gia nghèo, thu nhập thấp, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp và đang tiến gần hơn tới ngưỡng thu nhập trung bình.
Hai cột mốc quan trọng – năm 2030 đạt thu nhập trung bình cao và năm 2045 trở thành quốc gia có thu nhập cao – đã thể hiện ý chí, sự đồng thuận và lòng tin của toàn dân vào một tương lai thịnh vượng.
Và để đạt được những cột mốc này, chúng ta cần duy trì mức tăng trưởng kinh tế cao hơn nữa, cụ thể là tăng trưởng 2 chữ số trong dài hạn.
Thực tế cho thấy, giai đoạn 1992 - 1997, khi tốc độ tăng trưởng GDP đạt trung bình 8,8 - 9%, là thời kỳ kinh tế Việt Nam bứt phá mạnh mẽ. Nhưng con số 9,4% cao nhất thời kỳ này vẫn chưa chạm tới mốc 2 chữ số, minh chứng cho những thách thức lớn trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh nhưng bền vững.
Do đó, để đạt được tăng trưởng 2 chữ số không chỉ là bài toán về tốc độ, mà còn phải đảm bảo chất lượng cuộc sống, giảm thiểu các tác động tiêu cực như lạm phát hay mất cân bằng kinh tế. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải vừa mở rộng quy mô, vừa gia tăng hiệu quả kinh tế, tận dụng tốt các nguồn lực và cơ hội từ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, khoa học công nghệ, và tăng trưởng xanh.
Phân tích nhanh sẽ thấy, nếu đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 2 chữ số, Việt Nam sẽ chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ, với quy mô kinh tế tăng gấp 4 lần hiện tại. Điều này không chỉ tạo ra thêm việc làm, cải thiện thu nhập mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống, đưa người dân tới gần hơn với khát vọng ấm no và hạnh phúc.
Nhưng để đạt được mục tiêu này, các trụ cột kinh tế như tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu cần được tái cơ cấu để phát huy tối đa hiệu quả. Song song đó, việc đầu tư vào các lĩnh vực mới như công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số và tăng trưởng xanh sẽ trở thành chìa khóa thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Cùng với đó, việc "làm mới" động lực tăng trưởng là yếu tố then chốt. Chính sách thuế thu nhập cá nhân cần được cải cách để khoan sức dân, tạo điều kiện kích thích chi tiêu trong nước.
Đặc biệt, việc mở rộng chính sách tài khóa là giải pháp hiệu quả nhằm tăng cường đầu tư. Tận dụng tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp nhà nước, khai thác hiệu quả khối tài sản hàng triệu tỷ đồng và khởi động lại các dự án đang "đắp chiếu" sẽ giúp bơm thêm dòng vốn vào nền kinh tế.
Đáng chú ý, việc phân cấp và phân quyền sâu rộng hơn cho các đầu tàu kinh tế như TP.HCM và Hà Nội là yếu tố then chốt thúc đẩy sự phát triển vượt bậc. Hai địa phương này không chỉ đóng góp tỷ trọng lớn vào GDP cả nước mà còn là trung tâm thu hút đầu tư, đổi mới sáng tạo và các dự án kinh tế quy mô lớn.
Ngoài ra, Việc trao thêm quyền tự chủ về quản lý ngân sách, đầu tư công và quy hoạch phát triển sẽ giúp các địa phương linh hoạt hơn trong việc triển khai các dự án quan trọng. Kết hợp với đó, tinh gọn bộ máy hành chính là giải pháp cần thiết để giảm bớt các thủ tục rườm rà, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng hơn cho doanh nghiệp và người dân.
Những thay đổi này không chỉ gia tăng động lực tăng trưởng mà còn đặt nền móng cho sự phát triển bền vững và lâu dài, đưa Việt Nam tiến gần hơn tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao.