HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 10): Kinh tế thị trường và vai trò của doanh nghiệp nhà nước

TS NGUYỄN SĨ DŨNG, GIÁM ĐỐC VMC 05/03/2021 04:55

Kinh tế nhà nước và doanh nghiệp nhà nước là một trong những nội dung cải cách quan trọng trong quá trình chuyển đổi kinh tế Việt Nam từ năm 1986.

Sau 35 năm đổi mới, đến nay, doanh nghiệp nhà nước luôn là lực lượng vật chất quan trọng, góp phần bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Ðồng thời có đóng góp lớn trong xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế…

Song, nếu so với sứ mệnh được giao, nguồn lực được nắm giữ, hiệu quả của khu vực doanh nghiệp này vẫn là điều cần bàn.

Số lượng doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa qua các năm. Nguồn: Bộ Tài chính

Số lượng doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa qua các năm. Nguồn: Bộ Tài chính

Đóng góp lớn lao

Về đóng góp cho nền kinh tế, mặc dù số lượng chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong khu vực doanh nghiệp (khoảng 0,67%), nhưng doanh nghiệp nhà nước vẫn đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước.

Tốp 5 doanh nghiệp đóng góp thuế nhiều nhất năm 2015 (năm 2016 chưa được công bố) thì đều là doanh nghiệp nhà nước, hoặc có vốn Nhà nước chi phối, đó là: Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng công ty Khí Việt Nam-Công ty CP, Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank). Nếu mở rộng ra tốp 10 doanh nghiệp đóng thuế hàng đầu năm 2015 thì cũng có tới 7 doanh nghiệp nhà nước, hoặc có vốn Nhà nước chi phối. Doanh nghiệp nhà nước cũng đang đóng góp lớn nhất vào GDP với tỷ lệ 28,8%, so với doanh nghiệp ngoài nhà nước là 11,8% và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là 17,9%.

Đáng chú ý, trong các diễn đàn kinh tế của Việt Nam gần đây, người ta hay nhắc đến tên Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel), không chỉ bởi dấu mốc 30 năm thành lập mà do kỳ tích biến mình từ vô danh thành "người khổng lồ" về công nghệ.

Tiền thân là Công ty Sigelco (thành lập năm 1989) tổng tài sản chỉ vài tỷ đồng, chuyên dựng cột, kéo cáp viễn thông, đầu năm 2019, Viettel đã trở thành một trong 30 công ty viễn thông lớn nhất thế giới, thương hiệu Việt Nam duy nhất lọt vào danh sách 500 thương hiệu có giá trị nhất thế giới, được định giá hơn 4,3 tỷ USD. Cuộc chuyển đổi lớn lần thứ tư của Viettel đang diễn ra trong hai năm 2019-2020, khi tiên phong thực hiện chuyển đổi số, bắt kịp cùng thế giới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, với tầm nhìn chiến lược trở thành tập đoàn công nghệ - kinh doanh toàn cầu, tiếp tục duy trì vị thế dẫn dắt số một tại Việt Nam về viễn thông công nghệ cao.

Doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế.

Doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế.

Ðóng góp vào giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn của cả nước, luôn có vai trò quan trọng của ngành dệt may, trong đó nòng cốt là Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). Năm 2018, xuất khẩu dệt may thu về hơn 36 tỷ USD (trong đó xuất siêu 17,8 tỷ USD), chiếm 15% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu dệt may lớn thứ hai trên thế giới.

Không những thế, dệt may còn đứng đầu về sử dụng lao động, tạo ra hơn 2,5 triệu việc làm trực tiếp, đóng góp lớn vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Tổng Giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường tự hào cho biết: từ khi thành lập (năm 1995) đến nay, Vinatex luôn giữ vai trò nòng cốt trong định hướng thị trường và đầu tư cho các doanh nghiệp thành viên.

Bên cạnh đó, Tập đoàn còn là cầu nối, tham gia tham vấn cho Chính phủ về định hướng mục tiêu, triển khai các hiệp định thương mại với nhiều quốc gia trên thế giới. Cạnh tranh chính là động lực thúc đẩy doanh nghiệp dệt may trưởng thành. Sau 20 năm phát triển, quy mô của ngành dệt may đã đủ lớn, không còn là "thuyền tre trước sóng dữ" nữa.

Nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp thu lỗ

Nhìn nhận công bằng, ở chiều ngược lại, cũng phải thấy rằng, doanh nghiệp nhà nước giữ một lượng vốn cùng khối lượng tài sản lớn trong nền kinh tế. Cụ thể, tổng vốn chủ sở hữu tại doanh nghiệp nhà nước hiện là 1,234 triệu tỷ đồng; tổng tài sản là 3,105 triệu tỷ đồng. Nhiều ý kiến cho rằng, lượng tài sản khổng lồ doanh nghiệp nhà nước nắm giữ chưa phát huy hết được hiệu quả. Trong đó có không ít doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản.

Nói như thế, để thấy rằng, lối suy nghĩ doanh nghiệp nhà nước là yếu kém toàn diện, cần phải cắt bỏ sớm là không đúng đắn. Nhưng đồng thời, cũng phải nhìn nhận rằng, việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là điều tất yếu. Bởi xét trên diện rộng thì nền kinh tế thế giới đang ngày càng chuyển động nhanh hơn, đòi hỏi toàn bộ các thành tố cấu thành cũng phải chuyển động theo.

Trên thế giới có những tập đoàn kinh tế tư nhân rất lớn mạnh bỗng trở thành con số 0 chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, chỉ vì không thay đổi, để thích ứng kịp sự thay đổi của nền kinh tế.

Vì thế, nền kinh tế Việt Nam cũng phải luôn chủ động thay đổi, nhằm thích ứng, nâng cao hiệu quả. Trong đó, doanh nghiệp nhà nước chính là một trong những trọng tâm phải được xem xét thay đổi. Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước quan hệ hữu cơ với việc tái cơ cấu đầu tư công và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

Trong bối cảnh mới, để doanh nghiệp nhà nước có thể hoạt động hiệu quả, chúng ta cần cách tiếp cận mới cho doanh nghiệp nhà nước.

Bài 11: Doanh nghiệp nhà nước cần cách tiếp cận mới

Có thể bạn quan tâm

  • HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 9): Bốn rủi ro của mô hình nhà nước kiến tạo

    HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 9): Bốn rủi ro của mô hình nhà nước kiến tạo

    04:55, 04/03/2021

  • HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 8): Kinh tế thị trường và nhà nước kiến tạo

    HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 8): Kinh tế thị trường và nhà nước kiến tạo

    04:55, 03/03/2021

  • HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 7): Cải cách bắt đầu từ đâu?

    HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 7): Cải cách bắt đầu từ đâu?

    04:50, 02/03/2021

  • HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 6): Kinh tế thị trường và vai trò của nhà nước

    HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 6): Kinh tế thị trường và vai trò của nhà nước

    04:50, 01/03/2021

  • HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 4): Luật riêng về tích tụ ruộng đất phải giải quyết được những vấn đề gì?

    HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 4): Luật riêng về tích tụ ruộng đất phải giải quyết được những vấn đề gì?

    05:30, 21/02/2021

  • HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 3): Tích tụ ruộng đất như thế nào cho hiệu quả?

    HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 3): Tích tụ ruộng đất như thế nào cho hiệu quả?

    11:10, 20/02/2021

  • HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 2): Từ Khoán 10 tới tích tụ ruộng đất

    HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 2): Từ Khoán 10 tới tích tụ ruộng đất

    04:50, 16/02/2021

  • HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 1): “Cha đẻ của khoán 10”, người mở đường cho tư duy đổi mới nông nghiệp

    HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 1): “Cha đẻ của khoán 10”, người mở đường cho tư duy đổi mới nông nghiệp

    11:01, 13/02/2021

TS NGUYỄN SĨ DŨNG, GIÁM ĐỐC VMC