Sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ: Giải quyết những tồn tại về đăng ký nhãn hiệu
Không chỉ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) còn được cho sẽ giải quyết những tồn tại về đăng ký nhãn hiệu…
Theo các chuyên gia, việc đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, bên cạnh các vấn đề liên quan đến thủ tục, thời gian, việc đăng ký nhãn hiệu còn nhiều “rào cản” khiến doanh nghiệp gặp khó, dẫn tới đánh mất cơ hội kinh doanh.
Thực tế hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất luôn được khuyến khích để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của mình trước khi gia nhập thị trường, việc làm này không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao vị thế cạnh tranh, uy tín trong ngành mà còn giúp doanh nghiệp tránh được những tranh chấp pháp lý không đáng có trong tương lai.
Đặc biệt, thủ tục đăng ký nhãn hiệu dù không bắt buộc nhưng dần trở thành xu thế chung trong quá trình hội nhập kinh tế của các nhà sản xuất. Rất nhiều trang thương mại điện tử lớn như Shoppe mall hay Amazone đã yêu cầu việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp có thể đăng bán sản phẩm của mình trên sàn của họ.
Đáng nói, trước đó, liên quan đến đăng ký nhãn hiệu không ít bài học nhãn tiền đã xảy ra, từ Cà phê Trung Nguyên, Võng xếp Duy Lợi, Kẹo dừa Bến Tre,… cho tới mới đây nhất là vụ việc của gạo ST25 ngon nhất, nhì thế giới đã bị doanh nghiệp ngoại nhanh chân đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Mỹ.
Thông tin với báo chí, Tiến sĩ, Luật sư Lê Ngọc Khánh - Công ty Luật TNHH TGS cho rằng: Việc đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu là một trong những công việc cần được các doanh nghiệp thực hiện trước khi tiến hành sản xuất, kinh doanh hàng hóa.
“Có thể thấy lợi ích của việc chú trọng bảo hộ thương hiệu sản phẩm là không hề nhỏ đối với cả uy tín và lợi nhuận của doanh nghiệp. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường kinh tế hội nhập và thời đại công nghệ 4.0, việc bán hàng trên các trang thương mại điện tử ngày càng phát triển, các doanh nghiệp cần thiết phải đáp ứng được các yêu cầu của các sàn đưa ra, trong đó có việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền”, Luật sư Khánh chia sẻ.
Tuy nhiên, thực tế việc đăng ký nhãn tại Việt Nam đang có nhiều vướng mắc, gây khó khăn cho các doanh nghiệp.
Theo Luật sư Khánh, việc tra cứu nhãn hiệu trước khi đăng ký chưa hiệu quả, trong đó, việc cho ra đời một nhãn hiệu để sản phẩm, dịch vụ của mình có thể tiếp cận thị trường, các doanh nghiệp đã tốn rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để tạo ra một mẫu nhãn hiệu độc đáo và ấn tượng. Trước khi nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ, doanh nghiệp có thể thực hiện tra cứu đánh giá khả năng được cấp văn bằng bảo hộ, loại trừ đối chứng với các nhãn hiệu đã đăng ký.
Thế nhưng, số lượng bản ghi hiển thị khi tra cứu bị giới hạn, người tra cứu không thể nắm bắt được hết các nhãn hiệu trùng, tương tự với nhãn hiệu mình dự định đăng ký. Hơn nữa, người tra cứu cũng không thể tra cứu được những nhãn hiệu vừa mới nộp đơn đăng ký chưa hiển thi trên công báo của Cục Sở hữu trí tuệ. Do vậy, mặc dù đã thực hiện tra cứu đánh giá trước khi đăng ký bảo hộ nhưng tỷ lệ nhãn hiệu nộp đơn đăng ký bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ vì “vướng” phải các nhãn hiệu đối chứng đã đăng ký trước đó vẫn rất cao.
Bên cạnh đó, cũng theo Luật sư Khánh, các quy định của Luật SHTT còn khá cứng nhắc.
Cụ thể, Điều 90 Luật SHTT 2005, sửa đổi bổ sung 2019 có quy định: “Trong trường hợp có nhiều đơn đăng ký cùng đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ và cùng có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất thì văn bằng bảo hộ chỉ có thể được cấp cho một đơn duy nhất trong số các đơn đó theo sự thoả thuận của tất cả những người nộp đơn; nếu không thoả thuận được thì tất cả các đơn đều bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ”.
“Quy định này dẫn đến việc gây ảnh hưởng đến lợi ích của các doanh nghiệp đã sử dụng hoạt động lâu năm, vì vậy, cần có thêm các cơ chế bảo vệ đối với các doanh nghiệp này”, Luật sư Khánh cho biết.
Ngoài ra, Luật sư Khánh cho rằng, thời gian đăng ký nhãn hiệu quá lâu bởi theo quy định pháp luật về SHTT hiện hành, thời gian đăng ký nhãn hiệu từ lúc nộp hồ sơ đến khi được cấp văn bằng bảo hộ là 12 tháng. Tuy nhiên, thực tế việc đăng ký nhãn hiệu có thể kéo dài lên đến từ 18 – 24 tháng, thậm chí, đến thời điểm hiện tại có thể lên đến gần 36 tháng. Nguyên nhân là do số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu đang bị quá tải, việc xử lý và thẩm định đơn của các chuyên viên bị kéo dài thời gian.
“Việc thời gian đăng ký nhãn hiệu bảo hộ nhãn hiệu kéo dài gây hạn chế rất nhiều cơ hội, thời gian và tiền bạc của các doanh nghiệp, tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân khách quan”, Luật sư Khánh chia sẻ.
Từ thực trạng đã nêu, nhiều chuyên gia nhận định, việc sửa đổi Luật SHTT thời gian tới không chỉ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia mà sẽ giải quyết được những tồn tại, bất cập đang có.
Trong đó, với việc sửa đổi, bổ sung 93 Điều (bổ sung 12 Điều, sửa đổi 81 Điều) và bãi bỏ 1 Điều, nâng tổng số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sau khi sửa đổi lên 233 Điều, thuộc 7 nhóm chính sách, nhiều ý kiến đánh giá, dự án Luật đã đề cập trực tiếp, khắc phục được nhiều hạn chế, bất cập về quyền tác giả và các quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp, bảo hộ giống cây trồng thời gian qua, có những sửa đổi, bổ sung tương thích với cam kết và điều ước quốc tế.
Có thể bạn quan tâm
Sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ: Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
04:20, 19/10/2021
Vi phạm quyền sở hữu trí tuệ: Bất cập trong bảo hộ và thực thi quyền đối với nhãn hiệu
04:30, 28/05/2021
Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần chủ động tiếp cận quyền sở hữu trí tuệ
15:48, 20/05/2021
Nhượng quyền sở hữu trí tuệ cho nhà nước trên cơ sở nào?
10:56, 13/05/2021
Từ ST 25, doanh nghiệp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ như thế nào?
04:30, 28/04/2021