Bảo vệ môi trường và “rủi ro chính sách”
Bên cạnh những hạn chế, bất cập, xoay quanh Dự thảo Nghị định về Luật Bảo vệ môi trường, các chuyên gia còn quan ngại về tính tùy tiện – tận thu trong một số quy định…
Không chỉ đối diện với nhiều ý kiến phản đối từ cộng đồng doanh nghiệp, về những hạn chế, bất cập, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020 (Dự thảo) còn khiến các chuyên gia quan ngại về rủi ro chính sách nếu được thông qua và ban hành, đặc biệt là tính tùy tiện – tận thu trong một số quy định.
“Mập mờ”, bất hợp lý…
Ngoài những quan ngại về các quy định có thể dẫn tới việc thực thi kém hiệu quả, hình thành cơ chế xin – cho, không ít Điều, khoản tại Dự thảo còn được cho là “mập mờ”, bất hợp lý.
Như Điều 90 Dự thảo quy định, kinh phí hoạt động của Văn phòng EPR Việt Nam do Hội đồng EPR quốc gia phê duyệt và được trích từ số tiền đóng góp hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu…
Quy định này khiến cộng đồng doanh nghiệp quan ngại, tiền doanh nghiệp đóng góp để tái chế sản phẩm, bao bì được dùng vào các mục đích khác như trả kinh phí hoạt động của Văn phòng EPR là sai mục đích, và trái Luật Bảo vệ môi trường. Trong khi, họ đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế môi trường, và nhiều loại thuế phí khác.
Hay như khoản 4 Điều 89, Hội đồng EPR quốc gia thông qua và trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy chế quản lý và sử dụng tiền đóng góp hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu
Đây là quy định không có trong Luật, việc ủy quyền tiếp cho Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành là vi phạm Khoản 2 Điều 11 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
“Việc doanh nghiệp nộp tiền để EPR làm thay việc tái chế, nhưng Hội đồng EPR, Văn phòng EPR tự quản lý quỹ, quyết định thu chi, tự đặt ra quy định giám sát quản lý… chẳng khác gì “chơi hụi”, cộng đồng doanh nghiệp quan ngại.
Bên cạnh đó, các Điều 84 (bổ sung) về đóng góp tài chính; Điều 83; Điều 86; Phụ lục 9;… của Dự thảo cũng là các quy định đang gây ra nhiều tranh luận, phản đối từ cộng đồng doanh nghiệp vì chưa đảm bảo tính minh bạch, bất hợp lý.
Tiềm ẩn rủi ro chính sách
TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, khoản 4 Điều 28 của Dự thảo quy định: “Nội dung chính của báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường đối với dự án nhóm III hoặc cơ sở đang hoạt động có tiêu chí về môi trường tương đương dự án nhóm III phải bảo đảm đơn giản hơn dự án đầu tư, cơ sở nhóm II…”, về việc phân biệt rõ từng nhóm dự án cũng như yếu tố “đơn giản hơn” không hề được làm rõ.
Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến đóng góp từ thực tiễn của các Hội, Hiệp hội để đưa ra những chính sách chung có tầm nhìn dài hạn, phù hợp với tiến trình hội nhập và phát triển.
Theo ông Cung, điều này là rủi ro chính sách rất lớn cho doanh nghiệp, khi hoàn toàn có thể xảy ra trường hợp cơ quan quản lý “đặt tùy ý” các quy định không được làm rõ.
“Khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cần phải cực kỳ rõ ràng, cụ thể, tổ soạn thảo phải hình dung ra những thủ tục hành chính có thể phát sinh nếu các quy định chưa được làm rõ để “ngăn chặn sự tùy tiện”. Tuy nhiên, Dự thảo dường như đang đi trái với chủ trương cải cách hành chính, chủ trương chuyển đổi số của Nhà nước”, ông Cung nhận xét.
Minh bạch tiền “đóng góp”
Cũng theo ông Cung, một điểm bất cập khác của Dự thảo, gây ra bức xúc rất lớn trong dư luận cũng như cộng đồng doanh nghiệp là vấn đề sử dụng khoản tiền đóng góp cho quỹ bảo vệ môi trường. Đây không phải là thuế, không phải là phí, vậy là tiền của ai? Nếu là tiền đóng góp của doanh nghiệp thì phải để doanh nghiệp chi phối việc sử dụng, chứ đây không phải là tiền của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Còn theo TS. Hoàng Dương Tùng - nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Dự thảo quy định mức đóng góp là 1% tổng giá trị lô hàng bao gồm bao bì thuốc bảo vệ thực vật, tã lót, bỉm, băng vệ sinh… hay 80 đồng trên mỗi bao thuốc lá 20 điếu ước tính, mức phí thu được có thể lên đến 10 nghìn tỷ đồng nếu được áp dụng, tức là lớn gấp 10 lần quy mô Quỹ Bảo vệ môi trường.
Ông Tùng cho rằng, việc đặt ra mức phí quá cao, bao gồm cả những mặt hàng thiết yếu như tã, bỉm, băng vệ sinh, dường như Dự thảo Nghị định “đang hướng đến mục tiêu thu càng nhiều càng tốt, thay vì bảo vệ môi trường. Trong khi, cơ sở hạ tầng thu gom rác thải vẫn chưa được xây dựng tốt, hiện tượng các làng tái chế tự phát, người thu gom tự phát vẫn chưa được xử lý triệt để...
Có thể bạn quan tâm
Dự thảo Nghị định về Luật Bảo vệ môi trường: Doanh nghiệp lo phí chồng… phí
08:00, 19/10/2021
Dự thảo Nghị định về Luật Bảo vệ môi trường: Cần minh bạch tiền… “đóng góp”
04:50, 18/10/2021
Dự thảo Nghị định về Luật Bảo vệ môi trường: Đề xuất bãi bỏ việc thành lập Văn phòng EPR
06:00, 17/10/2021
Dự thảo Nghị định về Luật Bảo vệ môi trường: Nhiều quy định bất hợp lý
04:50, 16/10/2021
Dự thảo Nghị định về Luật Bảo vệ môi trường: Bất cập thủ tục cấp giấy phép môi trường
04:55, 15/10/2021
Dự thảo Nghị định về Luật Bảo vệ môi trường vẫn gây khó doanh nghiệp
00:01, 15/10/2021