Dự thảo Nghị định về Luật Bảo vệ môi trường: Nhiều quy định bất hợp lý

Diendandoanhnghiep.vn Không chỉ khiến cộng đồng doanh nghiệp quan ngại về thủ tục cấp giấy phép môi trường, Dự thảo Nghị định về Luật Bảo vệ môi trường còn được cho có nhiều quy định bất hợp lý, thiếu khoa học…

Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, trước những quan ngại về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều Luật Bảo vệ môi trường 2020 (Dự thảo), 11 Hiệp hội doanh nghiệp đã có văn bản góp ý, kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành liên quan. Trong đó, các Hiệp hội cho rằng, các quy định liên quan đến thủ tục cấp Giấy phép môi trường (GPMT) còn phức tạp, phát sinh thủ tục hành chính, gây khó cho doanh nghiệp. Không chỉ có vậy, theo các Hiệp hội, Dự thảo này còn nhiều quy định bất hợp lý, thiếu cơ sở khoa học, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất – kinh doanh.

Cụ thể, theo các Hiệp hội doanh nghiệp: Quy định về tham vấn chưa làm rõ trường hợp tham vấn lấy ý kiến, nhưng có nhiều ý kiến không nhất trí thì xử lý thế nào?; Bắt buộc thời gian vận hành thử nghiệm tối thiểu là 3 tháng, gây tốn kém chi phí cho những trường hợp không cần vận hành thử nghiệm dài; Quy định về khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư không phân biệt doanh nghiệp cũ và mới, khiến doanh nghiệp đã hoạt động vẫn phải di dời; Quy định về ghi nhãn không phù hợp với Nghị định 43/2017/NĐ-CP, không phù hợp thông lệ quốc tế, không phù hợp với các hiệp định thương mại tự do, gây tăng chi phí cho doanh nghiệp.

Các Hiệp hội cho rằng, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều Luật Bảo vệ môi trường còn

Các Hiệp hội cho rằng, một số quy định tại Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều Luật Bảo vệ môi trường còn bất hợp lý - Ảnh minh họa

Lộ trình lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy không phù hợp, sẽ dẫn đến các nhà máy đóng cửa hàng loạt vào 01/01/2026; Giới hạn điều kiện kinh doanh, phát sinh thủ tục hành chính của Bên được ủy quyền tổ chức tái chế, mâu thuẫn với Điều 7 Luật Đầu tư; Quan trắc tự động rất tốn kém cho doanh nghiệp, nhưng chưa rõ cơ sở khoa học đưa ra mức quan trắc tự động, đánh đồng một mức cho các loại xả thải khác nhau.

Liên quan đến những nội dung đã nêu, tại Báo cáo thẩm định Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Luật Bảo vệ môi trường số 154/BCTĐ-BTP ngày 06/10/2021, Bộ Tư pháp cũng nêu ra nhiều quan ngại và đề nghị ban soạn thảo rà soát, chỉnh lý.

Những quy định bất hợp lý được cộng đồng doanh nghiệp chỉ rõ như, Điều 52 về khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư, khoản 6 quy định: Cơ sở, kho tàng không đáp ứng khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư, không đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường và không được sự đồng thuận của cộng đồng dân cư sinh sống hợp pháp trong phạm vi khoảng cách an toàn về môi trường thì phải dừng hoạt động, di dời.

Quy định này không có sự phân biệt giữa doanh nghiệp cũ và mới. Doanh nghiệp đã xây từ trước đây, bây giờ dân ra xây nhà bên cạnh thì doanh nghiệp phải dừng hoạt động, di dời. Vậy chi phí này ai sẽ đền bù cho doanh nghiệp? Quy định này tạo nguy cơ bất ổn định cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất.

Theo các Hiệp hội, cần quy định ai đến sau mà vi phạm khoảng cách an toàn, hoặc không phù hợp với quy hoạch mới đã được phê duyệt thì phải di dời.

Các quy định bất hợp lý tại Dự thảo, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất – kinh doanh nếu không được chỉnh lý sửa đổi - Ảnh minh họa

Các quy định bất hợp lý tại Dự thảo, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất – kinh doanh nếu không được chỉnh lý sửa đổi - Ảnh minh họa

Hay như khoản 5, 6 Điều 66: “Bảo đảm sau năm 2025, không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, khu du lịch”. Ngừng sản xuất các sản phẩm này từ 01/01/2030 – cũng là một trong những quy định bất hợp lý, đáng quan ngại.

Bởi thực tế, theo cộng đồng doanh nghiệp, sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần và bao bì từ nhựa PE, PP, PVC, PET là rất phổ biến từ thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc, dụng cụ y tế cho đến hàng tiêu dùng… Nếu quy định như vậy thì đến năm 2026 các nhà máy sẽ đóng cửa hàng loạt vì không có bao bì, bệnh nhân cũng không có nhiều loại thuốc và dụng cụ y tế để dùng. Trong khi thế giới cũng không có nước nào làm như vậy.

Chẳng hạn EU có quy định danh mục cụ thể các loại nhựa sử dụng một lần bị cấm, như đĩa nhựa dùng 1 lần, cốc nhựa dùng 1 lần…, còn các loại bao bì nhựa để đóng gói thực phẩm vẫn được dùng, nhưng nhà sản xuất - nhập khẩu phải trả phí tái chế, chứ không cấm sử dụng như Dự thảo.

“Vì vậy, cần liệt kê rõ danh mục “sản phẩm nhựa sử dụng một lần” vào Dự thảo, chỉ bao gồm một số sản phẩm khó thu gom. Bỏ quy định “bao bì nhựa khó phân hủy”, điều chỉnh lại lộ trình cho phù hợp với thực tiễn Việt nam”, các Hiệp hội kiến nghị.

Một số quy định tại Dự thảo không phù hợp thông lệ quốc tế, không phù hợp với các hiệp định thương mại tự do - Ảnh minh họa

Một số quy định tại Dự thảo không phù hợp thông lệ quốc tế, không phù hợp với các hiệp định thương mại tự do - Ảnh minh họa

Ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch Hiệp hội kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, Phụ lục 2, dòng 5 quy định: Sản xuất vải, sợi, dệt may (có công đoạn nhuộm, giặt mài hoặc nấu sợi) từ 20.000.000 m2/năm trở lên là lớn, từ 1.000.000 đến dưới 20.000.000 m2/năm là trung bình…

Theo ông Cẩm, quy định như vậy là không phù hợp khi so sánh với các ngành khác như sản xuất hóa chất, bột giấy. Theo quy định này, bình quân 1 m2 vải nặng khoảng 0,25 kg; 20.000.000 m2 vải/năm tương đương 5000 tấn sản phẩm/năm trở lên là lớn, 1.000.000 m2 vải/năm tương đương 250 tấn sản phẩm/năm đến dưới 5000 tấn là trung bình.  

“So với sản xuất hóa chất, sản xuất bột giấy 10.000 tấn sản phẩm/năm là lớn và từ 1000 tấn sản phẩm /năm đến dưới 10.000 tấn sản phẩm/năm là trung bình, nhuộm và giặt mài không có nguy cơ ô nhiễm bằng sản xuất hóa chất, bột giấy, mà bị quy mức lớn và trung bình thấp hơn là không phù hợp”, ông Cẩm nêu quan điểm.

Từ đó, ông Cẩm đề nghị đưa ngành sản xuất vải, sợi, dệt may (có công đoạn nhuộm, giặt mài hoặc nấu sợi) lên 50.000.000 m2/năm là lớn còn 5.000.000 m2/năm đến dưới 50.000.000 m2/năm là trung bình và dưới 5.000.000 m2/năm là nhỏ.

Hay như quy định tại Phụ lục 3, dòng 6: Dự án sử dụng đất, đất có mặt nước quy mô trung bình > 100 ha được xếp vào nhóm I, từ 50 ha đến dưới 100 ha được xếp vào Nhóm II có nguy cơ tác động xấu đến môi trường.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, bao gồm cả nhóm ngành sản xuất nông nghiệp như trồng trọt và nuôi trồng thủy sản, vốn yêu cầu sử dụng đất rất lớn. Quy định như vậy là đi ngược lại với chủ trương hiện đại hóa nông nghiệp, cánh đồng mẫu lớn của Chính phủ.

Theo ông Nam, chỉ áp dụng điều này cho các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng từ nông nghiệp sang các mục đích khác.

Ngoài những quy định đã nêu, Điều 26 về tham vấn trong đánh giá tác động môi trường; Điều 31 về vận hành thử nghiệm; Điều 39, Điều 66 về ghi nhãn hàng hóa; Điều 100 về quan trắc tự động; Phụ lục 3, dòng 7; Phụ lục 3, dòng 10; Phụ lục 4, dòng 6;… của Dự thảo cũng đều là một trong những quy định bất hợp lý, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất – kinh doanh nếu không được chỉnh lý sửa đổi.

Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin!

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Dự thảo Nghị định về Luật Bảo vệ môi trường: Nhiều quy định bất hợp lý tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1715124930 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1715124930 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10