Việc chuyển từ xe xăng sang xe điện là xu hướng tất yếu. Song, với số lượng hơn 400.000 xe xăng ở TP HCM sẽ được xử lý như thế nào, đang được dư luận đặc biệt quan tâm.
Sẽ chuyển đổi 80% xe điện trong 2 năm
Đáng chú ý, báo cáo về kế hoạch chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện tại buổi họp báo chiều ngày 17/7/2025, ông Lê Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm tư vấn ứng dụng kinh tế - Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, cho biết việc chuyển tài xế công nghệ từ xe xăng sang xe điện ước lượng khoảng 400.000 người, bao gồm cả tài xế hoạt động tại Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó riêng TP HCM chiếm hơn 85% số lượng xe xăng.
Cũng theo ông Hải, vừa qua, Viện Nghiên cứu và phát triển TP HCM tổ chức hội thảo tham vấn về hệ sinh thái xe điện 2 bánh, quy tụ nhiều đơn vị liên quan trao đổi về các giải pháp, điều kiện và cơ chế để thực hiện chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện cho lực lượng tài xế công nghệ 2 bánh.
Đây là nhóm có tần suất di chuyển lớn, trung bình hơn 100 km/ngày, là một trong những nguồn phát thải cao nhất.
Song song đó, Viện Nghiên cứu và phát triển TP HCM cũng mời các đại diện ngân hàng và Quỹ SAT tham gia xây dựng các gói vay, hỗ trợ tài chính dành cho tài xế chuyển đổi phương tiện.
“Hiện báo cáo gần như đã hoàn tất và nếu đúng tiến độ, dự kiến ngày 18/7/2025, Viện Nghiên cứu và phát triển TP HCM sẽ ký, trình UBND TP HCM để lấy ý kiến lần cuối từ các sở, ngành. Sau đó, báo cáo sẽ được cập nhật hoàn chỉnh kèm theo bản giải trình cụ thể các nội dung tiếp thu và kiến nghị bổ sung, trước khi thành phố chính thức gửi đề xuất lên Trung ương. Đặc biệt, trong số các kiến nghị quan trọng, có 2 nội dung chính cần Trung ương cho phép: miễn thuế VAT và miễn lệ phí đăng ký trước bạ trong vòng 2 năm đối với xe điện, nhằm tạo cú hích khuyến khích tài xế chuyển đổi. Trên cơ sở đó, Viện Nghiên cứu và phát triển TP HCM kỳ vọng rằng trong giai đoạn 2026 - 2027 sẽ hoàn tất việc chuyển đổi 80% trong tổng số 400.000 tài xế, tương đương khoảng 320.000 tài xế. Dự kiến sang năm thứ 3, dù chính sách miễn giảm VAT và phí đăng ký trước bạ, việc hỗ trợ vay vốn vẫn tiếp tục được duy trì để hoàn tất nốt 20% còn lại trong năm 2028. Tới năm 2029, thành phố sẽ kiến nghị cấm hoàn toàn xe xăng 2 bánh tham gia cung cấp dịch vụ vận tải trên địa bàn - vốn là khu vực đô thị lớn với nhu cầu di chuyển rất cao”, ông Hải thông tin.
Song, theo ông Hải, để đẩy nhanh quá trình này, các tờ trình cụ thể sẽ được gửi lên UBND TP trong ngày 18/7. Bởi, đây là một phần trong gói giải pháp kiểm soát khí thải của Sở Xây dựng TP HCM đang triển khai. Song song đó, nhiều giải pháp khác như chuyển đổi toàn bộ xe buýt sang điện.
Về hạ tầng, đặc biệt là trạm sạc và năng lượng giao thông, Viện Nghiên cứu và phát triển TP HCM đang phối hợp các hãng xe để nắm bắt nhu cầu công suất điện, đồng thời làm việc với Tổng công ty điện lực TP HCM để cân đối nguồn cung trong khung giờ sạc.
Với xe 2 bánh, áp lực lên hạ tầng điện chưa đáng kể, do phần lớn có thể sạc tại nhà bằng nguồn điện sinh hoạt vào ban đêm, thời điểm nhu cầu sử dụng điện thấp.
Tuy nhiên, với dự báo rằng trong vòng 3 năm tới sẽ có thêm 400.000 xe công nghệ cùng với xe điện cá nhân tăng mạnh, thì vấn đề công suất điện sẽ cần được tính toán ngay từ bây giờ.
Liên quan đến an toàn, ông Hải cho rằng dù gần đây có nhiều thông tin về cháy nổ xe điện, quá trình làm việc với các hãng sản xuất cho thấy đoạn phích cắm từ xe đến ổ sạc đều đảm bảo tiêu chuẩn nhà nước và an toàn cháy nổ. Tuy nhiên, nguy cơ cháy nổ chủ yếu bắt nguồn từ hệ thống dây dẫn không đảm bảo tại các khu trọ tư nhân.
Do đó, trong đề án, Viện Nghiên cứu và phát triển TP HCM kiến nghị UBND TP HCM chỉ đạo các phường, xã phối hợp cùng lực lượng PCCC kiểm tra hệ thống điện tại nhà trọ, để đảm bảo an toàn không chỉ khi sạc xe điện mà cả trong sinh hoạt chung.
Loại bỏ dần xe xăng hoặc chuyển đổi công năng
Theo ông Hải, về hướng xử lý 400.000 xe xăng sau chuyển đổi, cần phân loại theo mức độ khấu hao. Xe quá cũ khi kiểm định khí thải sẽ phát sinh chi phí cao, sửa chữa và kiểm định thường xuyên không có lợi, nên cân nhắc chuyển đổi công năng hoặc bán làm phế liệu.
“Đối với những xe xăng vẫn còn sử dụng được, trong khi tại TP HCM và Hà Nội việc kiểm định khí thải rất chặt chẽ, thì ở nhiều địa phương khác, quy định kiểm định chưa được áp dụng nghiêm. Do đó, những xe này sẽ có xu hướng "dạt" về các địa phương. Vì vậy, việc đẩy phát thải từ khu vực đô thị ra nông thôn là điều không mong muốn, nhưng thực tế cần nhìn nhận rằng tại các đô thị lớn, mật độ phương tiện quá cao khiến lượng khí thải vượt ngưỡng cơ thể con người có thể hấp thụ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng”, ông Hải đề xuất.
Đối với các dòng xe còn mới (khoảng 2 - 3 năm tuổi), ông Hải cho biết khi xe điện ngày càng phổ biến, thị trường xe máy xăng sẽ sụt giá. Những mẫu xe xăng mới sẽ dần mất sức hút, trong khi xe đã qua sử dụng 2- 3 năm trở nên hấp dẫn hơn về giá cả. Song, đây là quy luật điều tiết tự nhiên của thị trường. Các nhà sản xuất xe máy xăng hiểu rõ điều này nên sẽ chủ động cắt giảm quảng cáo, ngừng đầu tư và rút khỏi thị trường.
Về lộ trình chuyển đổi, đề án đặt mục tiêu chuyển đổi 100% xe máy xăng công nghệ sang xe máy điện, đồng thời áp dụng chính sách giảm giá xe mạnh trong 2 năm đầu. Sau đó, các ưu đãi sẽ giảm dần và tiến tới cấm hẳn xe xăng 2 bánh cung cấp dịch vụ vận tải.
Về lộ trình xử lý, các hãng công nghệ và tài xế sẽ được thông báo sớm để chủ động lên kế hoạch chuyển đổi phù hợp với điều kiện cá nhân.
Trong đó, đề án dành riêng 10.000 xe máy điện từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ các đối tượng cận nghèo, chính sách và không đủ khả năng tài chính. Mỗi xe sẽ được hỗ trợ khoảng 8 triệu đồng để trả trước cho gói tín dụng, phần còn lại sẽ trả góp trong vòng 24 - 30 tháng. Mặt khác, nhờ tiết kiệm chi phí nhiên liệu hằng tháng, thay vì chi trung bình 70.000 - 100.000 đồng/ngày cho xăng, tài xế chỉ cần khoảng 20.000 đồng cho sạc điện, giúp tiết kiệm 1 triệu đồng/tháng, đủ để trả góp mà không cần vốn đầu tư ban đầu. Sở dĩ, lợi ích không chỉ dừng lại ở kinh tế mà còn ở sức khỏe, môi trường và chất lượng cuộc sống, không khí trong lành hơn, tiếng ồn và cản trở giao thông giảm, tài xế cũng khỏe hơn cả về thể chất lẫn tinh thần.
"Do đó, việc chuyển đổi sang giao thông xanh, sử dụng xe điện là xu thế không thể đảo ngược. Chúng ta chỉ có thể cùng nhau đồng thuận và hỗ trợ để quá trình này diễn ra hiệu quả, công bằng, không gây thiệt thòi cho các nhóm yếu thế", ông Hải nói.