Nghiên cứu - Trao đổi

Phát triển giao thông xanh: Cần một “tam giác” phối hợp chặt chẽ

Yến Nhung 06/04/2025 04:00

Sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng là yếu tố then chốt giúp Việt Nam thực hiện thành công quá trình chuyển đổi giao thông xanh.

Phát triển giao thông xanh không chỉ bảo vệ môi trường mà còn thúc đẩy kinh tế xanh. Giao thông xanh tạo việc làm trong các ngành sản xuất xe điện, năng lượng tái tạo và hạ tầng thông minh, góp phần tăng trưởng GDP theo hướng bền vững. Tại Việt Nam, mặc dù đã có những chuyển biến tích cực trong việc phát triển giao thông xanh, nhưng lĩnh vực này vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức như chi phí đầu tư hạ tầng lớn, nhận thức cộng đồng chưa cao và hệ thống giao thông chưa đồng bộ. Do vậy, cần phải triển khai các giải pháp đồng bộ, kết hợp giữa chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng.

02-1.jpg
Tại Việt Nam, mặc dù đã có những chuyển biến tích cực trong việc phát triển giao thông xanh, nhưng lĩnh vực này vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức - Ảnh: ITN

Đề xuất giải pháp để tăng tốc phát triển giao thông xanh, PGS, TS Ngô Trí Long, Chuyên gia kinh tế cho rằng, cần tập trung phát triển các phương tiện sử dụng năng lượng sạch như xe điện, xe buýt điện và tàu điện ngầm tại các đô thị lớn, giúp người dân dễ dàng tiếp cận phương tiện công cộng ít ô nhiễm; xây dựng hệ thống trạm sạc điện phủ rộng tại các trung tâm và điểm giao thông trọng yếu; đầu tư nâng cao chất lượng hệ thống giao thông công cộng, kết hợp với ứng dụng công nghệ để tăng tính tiện lợi và hiệu quả vận hành. Bên cạnh đó, cần chú trọng phát triển hạ tầng dành riêng cho xe đạp, phương tiện di chuyển cá nhân xanh như xe điện mini, xe scooter đồng thời khuyến khích mô hình xe đạp công cộng, như mô hình chia sẻ xe đạp điện đã thành công ở nhiều thành phố lớn trên thế giới.

Theo chuyên gia, việc ứng dụng công nghệ thông minh như hệ thống giao thông thông minh (ITS), trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) cũng là một giải pháp quan trọng để quản lý giao thông và tối ưu hóa các phương tiện giao thông xanh, giúp dự báo tình hình giao thông, từ đó đưa ra các giải pháp tối ưu. Các ứng dụng di động và nền tảng trực tuyến cũng giúp người dân dễ dàng tìm kiếm thông tin về các tuyến giao thông công cộng, tình trạng giao thông và dự báo thời gian di chuyển, từ đó giúp giảm lượng phương tiện cá nhân tham gia giao thông.

giao-thong-xanh.jpg
Sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng là yếu tố then chốt giúp Việt Nam thực hiện thành công quá trình chuyển đổi giao thông xanh - Ảnh: ITN

Đặc biệt, PGS, TS Ngô Trí Long nhấn mạnh, để thúc đẩy phát triển giao thông xanh, chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp và người dân tham gia vào quá trình chuyển đổi. Các ưu đãi thuế, hỗ trợ đầu tư cho các công ty sản xuất xe điện, phát triển cơ sở hạ tầng cho xe điện, cũng như các chương trình khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng và giao thông xanh là rất cần thiết.

“Phát triển giao thông xanh tại Việt Nam là một thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội để cải thiện chất lượng không khí, giảm thiểu ô nhiễm và xây dựng một môi trường sống lành mạnh hơn cho người dân. Các giải pháp công nghệ và hạ tầng, cùng với sự hợp tác giữa chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng, sẽ là yếu tố quyết định giúp Việt Nam xây dựng một hệ thống giao thông xanh bền vững trong tương lai. Thực hiện các giải pháp này không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống và góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước” PGS, TS Ngô Trí Long nhận định.

Xoay quanh vấn đề này, TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, cần nhấn mạnh vai trò thiết yếu của giao thông xanh trong quá trình chuyển đổi năng lượng và thực hiện cam kết giảm phát thải của Việt Nam.

“Sự chuyển dịch đang diễn ra rõ rệt khi các thành phố lớn ở Việt Nam đẩy mạnh kế hoạch phát triển xe buýt điện, lắp đặt trạm sạc và đặt mục tiêu đến năm 2030 chuyển đổi hoàn toàn phương tiện công cộng sang điện. Đây là dấu mốc quan trọng trong nỗ lực cải thiện chất lượng giao thông và không khí đô thị”, ông Tạo cho biết.

Bên cạnh đó, ông Tạo cũng thông tin thêm, song song với các chính sách hỗ trợ, Bộ Xây dựng đang triển khai nghiên cứu và kế hoạch mở rộng hệ thống xe buýt điện liên tỉnh và nội đô, nhằm hoàn thiện mạng lưới giao thông công cộng thân thiện với môi trường. Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm quốc tế để xây dựng chính sách phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong nước.

“Chuyển đổi sang giao thông xanh không chỉ là nhiệm vụ của Chính phủ mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Với sự đồng hành của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức, Việt Nam sẽ từng bước đạt được những kết quả tích cực trên hành trình phát triển bền vững”, Nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia khẳng định.

Đồng tình với quan điểm nêu trên, nhiều ý kiến nhấn mạnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng là yếu tố then chốt giúp Việt Nam thực hiện thành công quá trình chuyển đổi giao thông xanh. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi, xây dựng chiến lược phát triển dài hạn, ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng và hạ tầng để khuyến khích phát triển phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch. Doanh nghiệp là lực lượng chủ lực trong việc đầu tư, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ xanh vào sản xuất, cung ứng dịch vụ, cũng như triển khai các giải pháp đổi mới sáng tạo, tiết kiệm năng lượng. Bên cạnh đó, sự tham gia tích cực của cộng đồng - thông qua việc thay đổi thói quen tiêu dùng, ủng hộ các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường và nâng cao nhận thức về phát triển bền vững - sẽ tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần hình thành văn hóa giao thông xanh. Chỉ khi ba trụ cột này cùng hành động đồng bộ, có trách nhiệm và vì mục tiêu chung, quá trình chuyển đổi sang giao thông xanh mới có thể đạt được hiệu quả thực chất, lâu dài và bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Phát triển giao thông xanh: Cần một “tam giác” phối hợp chặt chẽ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO