Ô tô - Xe máy

Chuyển đổi giao thông xanh không thể thiếu trạm sạc

Thanh Trà 15/07/2025 12:26

Lộ trình cấm xe máy xăng trong Vành đai 1 từ năm 2026 được xem là bước ngoặt chuyển đổi xanh tại Hà Nội, song hạ tầng sạc vẫn là điểm nghẽn đáng lo ngại.

Theo Chỉ thị của thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1.7.2026, xe mô tô và xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ không còn được phép lưu thông trong khu vực Vành đai 1 của Hà Nội. Mục đích nhằm góp phần cải thiện chất lượng không khí, nhiều năm qua thường xuyên nằm trong nhóm ô nhiễm nhất thế giới. Tuy nhiên, chỉ còn chưa đầy một năm nữa, câu hỏi lớn đặt ra là: người dân sẽ chuyển đổi bằng cách nào?

24118431dc33a49e7a532e76e8f14882 (1)
Chuyển đổi giao thông xanh tại Hà Nội không chỉ là mục tiêu môi trường, mà còn là bài toán liên quan đến sinh kế, hạ tầng và thói quen hàng ngày. (Ảnh minh họa)

Tại các đô thị lớn như Hà Nội, xe máy vẫn là phương tiện đi lại chủ yếu, không chỉ là lựa chọn, mà là nhu cầu thực tế gắn liền với công việc, sinh hoạt hằng ngày của đa số người dân. Việc loại bỏ phương tiện xăng khỏi trung tâm đô thị chắc chắn sẽ tạo ra xáo trộn nếu thiếu chuẩn bị đầy đủ về hạ tầng, phương tiện thay thế và cơ chế hỗ trợ phù hợp.

Theo PGS.TS Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội khóa XIII, để thực hiện chủ trương này mà không ảnh hưởng đến an sinh xã hội, Hà Nội phải triển khai một loạt giải pháp. Thứ nhất, Thủ đô phải có đủ tiềm lực kinh tế để hỗ trợ người dân đổi từ xe xăng sang xe điện. Bởi tại Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, xe máy vẫn là phương tiện mưu sinh của số đông người dân. Từ người bán hàng, shipper, xe ôm, công chức, người lao động đến sinh viên, thậm chí bà nội trợ cũng đều sử dụng xe máy. Do đó, Hà Nội cần có chính sách hỗ trợ người dân thay thế phương tiện. Thứ hai, cần xây dựng cơ sở hạ tầng cho giao thông xanh, cụ thể là các trạm sạc điện đủ để đáp ứng nhu cầu khi người dân chuyển đổi phương tiện. Không độc quyền cổng sạc điện để khuyến khích người dân có thêm cơ hội lựa chọn phương tiện. Thứ ba, phát triển phương tiện công cộng xanh nhằm đảm bảo người dân không bị ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, đặc biệt tại các điểm trung chuyển như bến xe, ga metro, trường học, chợ dân sinh. Ví dụ, người dân di chuyển đến khu vực Vành đai 1, nếu đi xe máy xăng cần có chỗ gửi xe hợp lý, cùng với đó là các phương tiện công cộng xanh (buýt điện, metro) thuận tiện giúp họ tiếp tục hành trình mà không bị gián đoạn.

Trên thực tế, thị trường xe máy điện trong nước đã phát triển khá mạnh, với nhiều mẫu mã từ các thương hiệu nội địa như VinFast, Pega, Dat Bike… Giá thành đang dần tiệm cận với xe xăng phổ thông, trong khi chi phí vận hành lại thấp hơn nhiều. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất vẫn là điều kiện hạ tầng. Người dân ở khu vực nội đô chủ yếu sống trong nhà ống, không có gara hoặc sân riêng, khiến việc sạc điện tại nhà không thuận tiện, thậm chí tiềm ẩn rủi ro về an toàn điện.

Một bộ phận không nhỏ người dùng chia sẻ, việc sạc pin xe điện vào ban đêm thường phải luồn dây điện qua hành lang, sân chung hoặc kéo dài qua các tầng, vừa bất tiện vừa nguy hiểm. Trong khi đó, các trạm sạc công cộng cho xe máy điện vẫn chưa phổ biến. Mô hình đổi pin còn ở giai đoạn thử nghiệm và chưa có sự thống nhất về tiêu chuẩn giữa các hãng, dẫn đến tình trạng “mỗi xe một kiểu” khiến người dùng khó tiếp cận giải pháp sạc nhanh hoặc chia sẻ hạ tầng.

ha-noi-cam-sac-xe-dien-qua-dem-tai-chung-cu-mini-2-0311133224 (1)
Việc sạc xe máy điện tại nhà trong không gian chật hẹp khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ cháy nổ và mất an toàn điện, nhất là tại khu dân cư đông đúc. (Ảnh minh họa)

Không chỉ hạ tầng thiếu, việc thiếu dữ liệu tích hợp và điều phối đồng bộ giữa các bên liên quan cũng là một trở ngại. Nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư trạm sạc hoặc điểm đổi pin nhưng vướng rào cản về quy hoạch, thủ tục và thiếu chính sách ưu đãi cụ thể. Nếu không có sự vào cuộc rõ ràng từ thành phố, thị trường sẽ tiếp tục phát triển theo hướng manh mún và thiếu hiệu quả, khiến quá trình chuyển đổi bị chậm lại.

Trong khi đó, giao thông công cộng xanh vốn được kỳ vọng là phương án bổ trợ quan trọng hiện vẫn đang trong quá trình mở rộng. Tuy một số tuyến buýt điện đã hoạt động, nhưng mật độ và kết nối vẫn còn hạn chế. Việc xây dựng các bãi đỗ trung chuyển, điểm gửi xe máy để chuyển sang metro hoặc buýt điện cũng chưa được triển khai đồng bộ.

Việc dừng hoạt động với xe máy xăng trong Vành đai 1 là một bước chuyển quan trọng trong lộ trình xây dựng đô thị xanh, hiện đại và bền vững. Tuy nhiên, để chính sách này phát huy hiệu quả, cần đi kèm với các giải pháp đồng bộ về hạ tầng, hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện và phát triển giao thông công cộng thân thiện với môi trường. Khi những điều kiện này được đảm bảo, quá trình chuyển đổi sẽ diễn ra thuận lợi, tạo sự đồng thuận xã hội và góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chuyển đổi giao thông xanh không thể thiếu trạm sạc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO