Phát triển hạ tầng trạm sạc dành cho xe điện, đang trở thành cuộc đua chiến lược. Ai đi trước trong xây dựng mạng lưới trạm sạc, sẽ nắm trong tay lợi thế lớn.
Cuộc đua chiến lược
Công ty TMT Motors đã lên kế hoạch đầu tư 30.000 trạm sạc dành cho ô tô điện trên cả nước từ nay đến 2030, chia thành hai giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 sẽ lắp đặt ở các thành phố lớn và dọc theo những tuyến giao thông trọng điểm. Giai đoạn 2 mở rộng về các tỉnh thành, khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, hướng tới mục tiêu phủ kín trên toàn quốc.
Ông Bùi Văn Hữu, Chủ tịch Hội đồng quản trị TMT Motors cho biết, xu hướng điện hóa phương tiện đang lan rộng mạnh mẽ trên toàn cầu, với dự báo xe điện sẽ dần thay thế xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong tương lai gần. Tại Việt Nam, Chính phủ đang thúc đẩy chiến lược xanh hóa giao thông, khuyến khích chuyển đổi sang xe điện.
Trong bối cảnh đó, hạ tầng trạm sạc trở thành cuộc đua chiến lược. Ai đi trước trong xây dựng mạng lưới trạm sạc sẽ nắm trong tay lợi thế lớn, chiếm lĩnh thị trường khi nhu cầu bùng nổ. Nhận diện cơ hội, Công ty TMT Motors đã nhanh chóng triển khai chiến lược mới, đầu tư 30.000 trạm sạc trên cả nước từ nay tới 2030, với tổng vốn 200 triệu USD.
Công ty CP Tập đoàn EVG vừa khai trương trụ sở chính tại Hà Nội. Sự kiện này đánh dấu bước đi cụ thể trong chiến lược mở rộng quy mô hoạt động, với trọng tâm là phát triển hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho phương tiện điện hóa.
Ông Trần Văn Tùng, Tổng Giám đốc EVG cho biết, thị trường xe điện Việt Nam rất tiềm năng và chúng tôi sẽ đầu tư mạnh mẽ, để trở thành một trong những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực này. Trong thời gian tới, EVG sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới đối tác, đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển các trụ sạc điện đa dạng, phù hợp với nhiều phân khúc thị trường. Doanh nghiệp đang tích cực triển khai các điểm sạc tại khu đô thị, trung tâm thương mại và bãi đỗ xe công cộng, những vị trí có tính kết nối cao và mật độ người dùng lớn.
Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới, quy mô thị trường ô tô Việt Nam sẽ đạt 1 triệu xe/ năm vào 2030 và 1,5 triệu xe vào 2035, sau đó tăng theo cấp số nhân, đến năm 2050 sẽ đạt từ 6-6,7 triệu xe/năm. Từ 2035 xe điện sẽ phát triển mạnh mẽ và trở nên phổ biến thay thế cho xe động cơ đốt trong. Sự phát triển mạnh mẽ của xe điện đòi hỏi đầu tư lớn cho hạ tầng. Ước tính đến 2030, Việt Nam sẽ cần khoảng 800.000 thiết bị sạc và tới 2050 cần 6 triệu thiết bị sạc.
GS TS Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, tổng vốn đầu tư cho trạm sạc xe điện tại Việt Nam đến năm 2050 cần tới hơn 90 tỷ USD để góp phần đưa phát thải ròng về 0.
Cần sự hỗ trợ mạnh mẽ
Hiện tại, số lượng trạm sạc xe điện trên cả nước nhiều nhất vẫn là do Công ty VinFast đầu tư, với tổng số khoảng hơn 3.000 trạm và 150.000 cổng sạc, nhưng không chia sẻ cho các hãng xe khác.
Ngoài ra, còn một loạt các doanh nghiệp khác tham gia đầu tư trạm sạc như: V-GREEN, Eboost, EV One, EverCharge, EVG, Charge Plus, DatCharge, Rabbit EVC, VuPhong Energy, SolarEV, Autel, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (PV Power)… Tuy nhiên, sự phát triển hạ tầng trạm sạc tại Việt Nam đến nay vẫn còn rất hạn chế.
Ngoài việc tự bỏ vốn đầu tư, xu hướng chung mà các doanh nghiệp đang đẩy mạnh đó là triển khai mô hình trạm sạc nhượng quyền. Mời gọi các đối tác như bãi gửi xe, cửa hàng xăng dầu, siêu thị, quán café, nhà hàng, khách sạn, các hộ gia đình… tham gia đầu tư và chia sẻ lợi nhuận.
Chẳng hạn như V-GREEN sẽ được chia sẻ doanh thu cố định 750 đồng/kWh điện cho các đối tác tham gia. Công ty cũng hỗ trợ đối tác trong toàn bộ công nghệ quản lý vận hành, quản lý thu chi, bảo trì bảo dưỡng, marketing thu hút khách hàng đến trạm sạc.
Theo tính toán, mỗi lần sạc, tùy loại xe, các chủ trạm sạc nhượng quyền có thể thu từ 15.000-90.000 đồng. Một ngày tính tối thiểu có 3-4 lượt xe sạc thì một tháng có doanh thu 11 triệu đồng. Doanh thu thực tế có thể gấp nhiều lần, với số lượng xe điện sạc nhiều hơn.
Mô hình kinh doanh nhượng quyền này được các doanh nghiệp áp dụng, sẽ giúp tăng nhanh độ phủ của các trạm sạc.
Tuy nhiên, đầu tư trạm sạc hiện có nhiều thách thức, ngoài nguồn vốn lớn, còn những vướng mắc khác về việc tìm kiếm, đăng ký địa điểm và xin phép đầu tư. Không những thế, mạng lưới điện cũng chưa được thiết kế để đáp ứng nhu cầu sạc đồng thời của nhiều xe điện. Các chính sách ưu đãi để khuyến khích đầu tư vào hạ tầng trạm sạc cũng chưa có. Theo tính toán, nếu áp dụng đơn giá điện kinh doanh cho trạm sạc thì các doanh nghiệp đầu tư gần như không có lãi, thậm chí có thể lỗ vốn.
Để chuyển đổi sang xe điện thành công thì yếu tố tiên quyết là hạ tầng trạm sạc. Các doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ trong thời gian tới. Chính phủ cần sớm hoàn thiện cơ chế chính sách, để tạo sự thông thoáng và khuyến khích đầu tư phát triển hạ tầng trạm sạc.