Kiến nghị

Gỡ vướng các điều kiện kiểm định, hiệu chuẩn

Bài: Yến Nhung - Ảnh: Quốc Tuấn 27/07/2025 04:00

VCCI nêu rõ một số quy định cần điều chỉnh để đảm bảo tính hợp lý, minh bạch và tránh tạo thêm gánh nặng hành chính cho doanh nghiệp.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 105/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện hoạt động của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường và Nghị định 154/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ và một số quy định về kiểm tra chuyên ngành (Dự thảo). Theo đó, VCCI đã nêu nhiều ý kiến nhằm đảm bảo tính khả thi, hợp lý và phù hợp với mục tiêu cắt giảm điều kiện kinh doanh.

Việt Nam tiên phong là quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành luật riêng về công nghiệp công nghệ số
VCCI đã nêu nhiều ý kiến nhằm đảm bảo tính khả thi, hợp lý và phù hợp với mục tiêu cắt giảm điều kiện kinh doanh

Một trong những góp ý đáng chú ý liên quan đến điều kiện hoạt động của tổ chức cung cấp dịch vụ. Theo Dự thảo, tổ chức phải “có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam”. Tuy nhiên, VCCI cho rằng quy định này đang loại trừ doanh nghiệp tư nhân - một loại hình doanh nghiệp hợp pháp nhưng không có tư cách pháp nhân theo Luật Doanh nghiệp.

Trong khi đó, Điều kiện hoạt động của tổ chức cung cấp dịch vụ đang thiết kế yêu cầu về cơ sở vật chất, nhân viên kỹ thuật và thiết lập và duy trình hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn - những yếu tố mà doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn có thể đáp ứng. Do vậy, VCCI đề nghị sửa đổi quy định theo hướng “là tổ chức thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam” để tạo điều kiện bình đẳng cho mọi chủ thể có năng lực tham gia.

Về điều kiện đối với nhân viên kỹ thuật, Dự thảo yêu cầu phải có “chứng chỉ hoàn thành khóa đào tạo nghiệp vụ cơ sở về đo lường” và nghiệp vụ chuyên ngành tương ứng. VCCI cho rằng việc bổ sung thêm yêu cầu về “chứng chỉ” so với quy định hiện hành là chưa phù hợp với mục tiêu cải cách điều kiện kinh doanh, đồng thời chưa đảm bảo tính minh bạch về quy trình cấp chứng chỉ, thẩm quyền đào tạo và cấp chứng chỉ của Bộ Khoa học và Công nghệ.

VCCI đề xuất Dự thảo nên bổ sung quy định về mô hình Innovation Hub đi cùng cơ chế sandbox
VCCI cho rằng, việc thu hồi là chế tài nghiêm khắc, nên chỉ áp dụng trong những trường hợp vi phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ và an toàn đo lường

Theo VCCI, việc đào tạo nên để các tổ chức ngoài nhà nước thực hiện, thay vì để cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp cung cấp dịch vụ đào tạo. Đồng thời, không nên bắt buộc có chứng chỉ, mà chỉ cần hoàn thành khóa đào tạo là đủ điều kiện.

Bên cạnh đó, Dự thảo bổ sung quy định về thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký, trong đó có trường hợp “không thực hiện đầy đủ một trong các trách nhiệm quy định tại Điều 11 Nghị định này”. Tuy nhiên, VCCI cho rằng, việc thu hồi là chế tài nghiêm khắc, nên chỉ áp dụng trong những trường hợp vi phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ và an toàn đo lường.

Theo VCCI, một số nghĩa vụ như báo cáo định kỳ, niêm yết giá hay ứng dụng công nghệ thông tin... không nên là căn cứ để thu hồi giấy chứng nhận, đặc biệt là việc “ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường” là hành vi mang tính tự thân của doanh nghiệp, không có tính bắt buộc và việc không thực hiện điều này sẽ không ảnh hưởng đến khách hàng hay các điều kiện hoạt động của doanh nghiệp, do đó thu hồi Giấy chứng nhận trong trường hợp không chuyển đổi số là chưa phù hợp.

Do đó, VCCI kiến nghị, sửa đổi theo hướng chỉ áp dụng đối với những hành vi vi phạm rất nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến điều kiện hoạt động, chất lượng của dịch vụ cung cấp.

Đặc biệt, Dự thảo bỏ thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký trong trường hợp bị mất hoặc hư hỏng, với lý do “đã thực hiện chuyển đổi sang bản điện tử”. Tuy nhiên, theo VCCI, quy định hiện hành vẫn cho phép nộp hồ sơ theo phương thức truyền thống và chưa nêu rõ Giấy chứng nhận được cấp là bản giấy hay điện tử.

Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp đã được cấp bản giấy trước thời điểm Nghị định mới có hiệu lực, nếu giấy tờ bị mất hoặc hỏng, Dự thảo cũng chưa quy định rõ cách xử lý hoặc chuyển đổi sang bản điện tử. VCCI kiến nghị cần quy định cụ thể để đảm bảo minh bạch và thuận lợi khi thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Gỡ vướng các điều kiện kiểm định, hiệu chuẩn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO