Không chỉ quan ngại về sự thiếu minh bạch trong quản lý, sử dụng các khoản “đóng góp”, Dự thảo Nghị định về Luật Bảo vệ môi trường còn khiến doanh nghiệp đứng trước nỗi lo phí chồng… phí.
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, xoay quanh Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều Luật Bảo vệ môi trường (Dự thảo) cộng đồng doanh nghiệp tỏ ra quan ngại về sự minh bạch trong quản lý, sử dụng các khoản “đóng góp” khi Dự thảo chưa có khung pháp lý quản lý khoản này, đáng nói, một số quy định còn tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến cơ chế xin-cho, trong khi tiền doanh nghiệp vẫn phải nộp mà môi trường vẫn bẩn.
Không chỉ có vậy, cộng đồng doanh nghiệp cũng đưa ra hàng loạt điểm bất hợp lý của Dự thảo, khi một số quy định được cho chưa rõ cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn của tỷ lệ tái chế bắt buộc, tỷ lệ thu hồi tối thiểu. Đặc biệt là việc quy định ngay một tỷ lệ bắt buộc cao, và mỗi lần tăng tới 10%...
Bên cạnh đó, định mức chi phí tái chế sản phẩm, bao bì Fs bao gồm cả chi phí của cơ quan quản lý Nhà nước là bất hợp lý; Không có phân biệt giữa bao bì có thể tự hủy (như giấy, vải tự nhiên) và bao bì khó phân hủy, giữa nhựa tái sinh hay không tái sinh, tất cả đều phải đóng góp, nên không khuyến khích được việc chuyển sang dùng bao bì tự hủy, nhựa tái sinh để bảo vệ môi trường.
Đồng thời, không có phân biệt giữa sản phẩm/bao bì có giá trị thương mại khi hết thời gian sử dụng như thiết bị/bao bì kim loại, ô tô, xe máy cũ (bởi không tự thu gom được do người sở hữu thường bán chứ không thải bỏ) với các loại không có giá trị thương mại. Việc quy định trách nhiệm phải thu gom/tái chế được bao nhiêu % ô tô trên tổng số xe bán ra theo một tỷ lệ bắt buộc đối với nhà sản xuất/nhà nhập khẩu (NSX/NNK) sản phẩm ô tô, là không khả thi và chưa có tiền lệ trên thế giới.
Đáng nói, nhà sản xuất bao bì đã nộp đóng góp để tái chế bao bì, nhà sản xuất thành phẩm dùng bao bì đó cũng phải nộp đóng góp để tái chế bao bì đó (sắp tới người tiêu dùng cũng sẽ phải trả phí xử lý rác thải từ bao bì), dẫn tới phí chồng phí 3 lần; Thiếu công bằng khi quy định nhà sản xuất có doanh thu dưới 50 tỷ, nhà nhập khẩu có doanh thu dưới 30 tỷ không phải đóng góp, hoặc áp dụng cùng mức doanh thu giữa nhà sản xuất bao bì và nhà sản xuất thành phẩm; Một số sản phẩm thiết yếu và từ vật liệu thân thiện với môi trường như tã giấy, bỉm giấy cho trẻ sơ sinh cũng phải đóng góp 1% doanh thu để xử lý chất thải là bất hợp lý.
Cụ thể như điểm d khoản 1 Điều 83 của Dự thảo quy định, Fs là định mức chi phí tái chế sản phẩm, bao bì được xác định trên tổng chi phí hợp lý, hợp lệ để phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý, tái chế sản phẩm, bao bì; chi phí quản lý thực hiện trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu…
Theo cộng đồng doanh nghiệp, định mức chi phí tái chế sản phẩm, bao bì Fs bao gồm cả chi phí của cơ quan quản lý Nhà nước là bất hợp lý. Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị bỏ chi phí quản lý khỏi Fs.
Hay Điều 80 Dự thảo quy định, phương tiện cơ giới (bao gồm ô tô, xe máy) là một trong các sản phẩm phải được tái chế theo tỷ lệ tái chế bắt buộc.
Trong đó, Dự thảo đưa ra định nghĩa: “Tỷ lệ tái chế bắt buộc là tỷ lệ khối lượng sản phẩm, bao bì tối thiểu phải được thu gom và tái chế trên tổng khối lượng sản phẩm, bao bì đưa ra thị trường trong năm thực hiện trách nhiệm.”
Cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, định nghĩa này có nghĩa tỷ lệ tái chế bắt buộc mà NSX/NNK phải tuân thủ cho ngành ô tô-xe máy chính là tỷ lệ thu gom xe thải bỏ từ người sử dụng căn cứ trên lượng sản phẩm bán ra thị trường trong năm. Việc quy định trách nhiệm phải thu gom được bao nhiêu chiếc ô tô, xe máy trên tổng số xe bán ra theo một tỷ lệ bắt buộc đối với NSX/NNK sản phẩm ô tô, xe máy, là không khả thi và chưa có tiền lệ trên thế giới.
Trong khi, tham khảo EPR đối với ô tô ở các quốc gia đang áp dụng thì trách nhiệm của NSX/NNK ô tô thông thường hạn chế sử dụng các chất nguy hại đối với môi trường trong việc sản xuất ô tô; thiết kế và sản xuất các loại xe mới sao cho dễ dàng tháo dỡ, tái sử dụng, tái chế, thu hồi; tăng cường sử dụng các nguyên vật liệu tái chế; cung cấp các thông tin cần thiết cho các cơ sở tái chế về quy cách tái chế sản phẩm để đảm bảo quá trình tái chế an toàn đối với môi trường; đảm bảo tái chế được khối lượng các nguyên, vật liệu cấu thành sản phẩm theo một tỉ lệ tái chế (%) nhất định từ chiếc xe bị thải bỏ (không bị bắt buộc phải đạt một tỉ lệ thu gom nào); không thu phí thải bỏ từ chủ xe khi tiếp nhận xe thải bỏ (trừ trường hợp đặc biệt) và phải chịu trách nhiệm giao xe thải bỏ ấy tới cơ sở thu gom hoặc tái chế hợp pháp.
Từ đó, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị, Chính phủ xem xét đưa ra quy định về “tỷ lệ tái chế” với phương tiện cơ giới là “số % khối lượng của phương tiện cơ giới thải bỏ được tái sử dụng, tái chế”; có quy định và cơ chế quản lý cơ sở tái chế không đạt chuẩn; có chính sách khuyến khích chủ sở hữu ô tô, xe máy thải bỏ xe hợp pháp, và các chế tài với chủ xe trong trường hợp thải bỏ xe bất hợp pháp.
Bởi đây là những nội dung cơ bản, quan trọng và phù hợp với thông lệ quốc tế, không gây ra sự thiếu công bằng giữa NSX/NNK chính thức và các nhà nhập khẩu phi chính thức trong việc thực hiện trách nhiệm chung với môi trường.
Chưa kể, ô tô, xe máy là sản phẩm công nghệ cao, bao gồm hàng chục nghìn chi tiết, bộ phận, trong đó có các chi tiết, bộ phận cần phải có các công nghệ tái chế chuyên dụng để xử lý cũng như cần nhiều chi phí nhằm đảm bảo không ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường.
Bên cạnh những quy định đã nêu, thì Phụ lục 8 Danh mục sản phẩm, bao bì phải được tái chế; Điều 79 Đối tượng, lộ trình thực hiện trách nhiệm tái chế; Điều 84 Mức đóng góp tài chính để hỗ trợ các hoạt động xử lý chất thải;… cũng là các quy định bất cập, khiến cộng đồng doanh nghiệp không khỏi quan ngại.
Liên quan đến những nội dung này, trong Báo cáo thẩm định số 154/BCTĐ-BTP ngày 06/10/2021 về Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Luật Bảo vệ môi trường, Bộ Tư pháp cũng đề nghị Cơ quan soạn thảo làm rõ cơ sở của việc quy định mức đóng góp tài chính như: công thức tính đối với tỷ lệ tái chế bắt buộc, mức chi phí tái chế, chi phí quản lý tái chế...
Theo Bộ Tư pháp, việc Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định, sửa đổi, bổ sung, cập nhật Phụ lục được ban hành kèm theo Dự thảo Nghị định của Chính phủ là chưa đảm bảo sự phù hợp và thống nhất về thẩm quyền.
Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin!
Có thể bạn quan tâm
Dự thảo Nghị định về Luật Bảo vệ môi trường: Cần minh bạch tiền… “đóng góp”
04:50, 18/10/2021
Dự thảo Nghị định về Luật Bảo vệ môi trường: Đề xuất bãi bỏ việc thành lập Văn phòng EPR
06:00, 17/10/2021
Dự thảo Nghị định về Luật Bảo vệ môi trường: Nhiều quy định bất hợp lý
04:50, 16/10/2021
Dự thảo Nghị định về Luật Bảo vệ môi trường: Bất cập thủ tục cấp giấy phép môi trường
04:55, 15/10/2021
11 hiệp hội kiến nghị xem xét kỹ dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường
04:50, 14/10/2021