“Siết” đầu cơ bất động sản bằng chính sách thuế
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, Luật sư Nguyễn Tiến Hoà, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, chính sách thuế sẽ là công cụ quan trọng để giảm thiểu tình trạng đầu cơ bất động sản.
>>Đánh thuế để triệt tiêu ý chí "đầu cơ" bất động sản
- Việc Bộ Tài chính mới đây đề nghị các địa phương cho ý kiến về nội dung sửa đổi Luật Thuế liên quan đến bất động sản, vẫn còn những ý kiến băn khoăn. Đa số ý kiến đều cho rằng cần phải siết chặt việc đánh thuế đối với loại hàng hóa đặc biệt này. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Đánh thuế nhà, bất động sản là vấn đề rất được quan tâm trong thời gian qua và có nhiều ý kiến trái chiều. Năm 2018, Bộ Tài chính cũng từng lấy ý kiến góp ý dự án Luật Thuế tài sản với đối tượng chịu thuế chính là đất, nhà - công trình xây dựng trên đất… Do không nhận được sự đồng thuận nên đã được “gác” lại.
Gần đây, tình trạng sốt đất diễn ra tại nhiều nơi và việc xem xét thu thuế loại tài sản này một lần nữa được đưa vào “tầm ngắm.”
Trên thực tế, các chính sách thu thuế bất động sản được nhiều nước áp dụng từ lâu và với nhiều phương tích tính khác nhau nhưng tại Việt Nam, đây vẫn là nội dung mới, nhiều khái niệm, quy chuẩn cần làm rõ.
Bởi vậy, tại thời điểm này, đang có nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến đề xuất này. Việt Nam hiện chưa có định nghĩa khoa học và thực tế về đối tượng thu thuế là tài sản, là căn nhà, thậm chí căn nhà thứ 2 hay căn nhà thứ 3...
Hơn nữa, quy định thu thuế tài sản dễ bị vô hiệu hóa vì bị lách luật nếu không có quy định về tuổi người được sở hữu tài sản hoặc việc đứng tên hộ tài sản sao cho đủ minh bạch và chặt chẽ...
Thuế là công cụ giúp thị trường ổn định, phát triển tốt hơn nên cần xây dựng lộ trình tiếp cận từng bước, không nên tạo cú sốc đột ngột khiến thị trường triệt tiêu cơ hội phát triển.
Thuế tài sản hướng đến mục tiêu chống đầu cơ nhưng không nên kìm hãm hoạt động đầu tư phát triển vì thị trường địa ốc nóng (sốt) hay chuyển lạnh (đóng băng) sẽ ảnh hưởng dắt dây theo hàng chục ngành nghề liên quan.
>>Chống “đầu cơ” bất động sản – Cần sớm đưa công cụ thuế vào quản lý
- Để khắc phục được tình trạng thất thu thuế từ chuyển nhượng bất động sản, cơ quan chức năng đã có biện pháp gì, thưa ông?
Để chống thất thu trong lĩnh vực bất động sản, thời gian qua, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cơ quan thuế các cấp phối hợp với cơ quan công an quản lý địa bàn, chuyển cơ quan công an điều tra các trường hợp có dấu hiệu trốn thuế, không kê khai, hoặc kê khai giá trên hợp đồng, hóa đơn thấp hơn giá thực tế chuyển nhượng.
Cơ quan thuế cũng đã tăng cường phối hợp tổ chức thanh tra, kiểm tra liên ngành trong lĩnh vực công chứng và công tác quản lý thuế, để phát hiện các hành vi trốn thuế, gian lận thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản, thực hiện ấn định thuế, truy thu thuế và xử phạt vi phạm hành chính về thuế theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hụt thu thuế do mua bán nhà đất “hai giá” vẫn là bài toán nan giải.
Hiện tại cơ quan thuế đang áp thuế một cách duy nhất, lấy doanh thu nhân với phần trăm thuế khá chung chung. Vì vậy, các đối tượng sẽ “móc ngoặc” làm giảm giá chuyển nhượng bất động sản để lách thuế.
Nếu tính chặt chẽ bằng cách tính lợi nhuận, thay vì doanh thu như cách thức truyền thống, thì nhà đất “hai giá” sẽ hết đường trốn thuế. Theo đó, chênh lệch giữa giá bán và tổng hai khoản, là giá mua trước đây với chiết khấu theo thời gian, còn lại bao nhiêu sẽ phải đóng thuế.
Chẳng hạn, người bán 10 đồng nhưng ghi có 5 đồng, mai mốt chuyển nhượng bất động sản bán 12 đồng, người mua phải đóng thuế mức 7 đồng thay vì mức thực tế chỉ là 2 đồng. Vì vậy, người mua sẽ yêu cầu bán phải ghi đúng giá chuyển nhượng, nhà nước sẽ tránh thất thu.
Hiện nay Bộ Tài chính đang xây dựng đề cương báo cáo rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi, theo chỉ đạo của Chính phủ. Đã đến lúc đánh thuế nhà và tài sản trong bối cảnh thị trường địa ốc sốt giá, đầu cơ tích trữ nhà đất quá cao.
- Ngoài thuế ra, còn giải pháp nào giúp ngăn chặn tình trạng đầu cơ bất động sản không, thưa ông?
Trong bối cảnh hiện nay, giải pháp quan trọng là "nắn" dòng tiền vào sản xuất. Đầu năm 2021 đã ghi nhận đợt “sốt đất” kỷ lục diễn ra vào đúng thời điểm dịch COVID-19 bùng phát với xu hướng dịch càng trầm trọng, sốt đất càng gia tăng. Dòng tiền đổ vào bất động sản mạnh lên sau mỗi làn sóng dịch bệnh.
Giải pháp cần tính đến chính là tạo nguồn cung trên thị trường, giảm bớt thủ tục pháp lý, khơi thông nguồn cung. Sản phẩm bất động sản dồi dào, đa dạng sẽ tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh. Giải pháp này vừa giúp tạo lập một thị trường bất động sản ổn định vừa giúp kéo giảm giá nhà, tăng thêm cơ hội sở hữu nhà ở cho người dân. Một khi thị trường ổn định, tình trạng đầu cơ sẽ được kiểm soát.
Một vấn đề nữa là chính quyền các địa phương cũng cần mạnh tay “xóa” các chợ cóc bất động sản do cò đất lập ra tại những khu vực có dự định mở rộng quy hoạch. Như vậy, cơ hội để cò đất tung tin về quy hoạch, tạo nên những cơn sốt đất ảo, lôi kéo nhiều người vung tiền vào mua đất cũng sẽ được hạn chế.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng cần quản lý chặt những thông tin liên quan đến quy hoạch, tránh rò rỉ thông tin nội bộ và chặn tình trạng lập doanh nghiệp sân sau để đầu tư kiếm lời.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Ngân hàng "lắc đầu" cho vay mua, đầu cơ bất động sản: Thận trọng vẫn hơn!
11:45, 04/04/2022
Không để dòng tiền từ gói hỗ trợ kinh tế chảy vào đầu cơ bất động sản
11:00, 06/12/2021
Cẩn trọng làn sóng đầu cơ bất động sản công nghiệp
05:00, 26/03/2021
Đại biểu Lê Thanh Hoàn: Thiếu thông tin quy hoạch gây "sốt" đất ảo, đầu cơ
18:03, 30/05/2022
Kiên quyết khắc phục tình trạng đầu cơ đất đai
01:00, 11/05/2022
Đánh thuế bất động sản: Chặn được đầu cơ nhưng khó giảm giá đất
03:50, 20/03/2022
Đầu cơ đất phân lô bán nền (KỲ II): Rà soát mục đích tách thửa đất
05:00, 20/02/2022
Đầu cơ đất phân lô bán nền: Nhà đầu tư có thể mất trắng
15:00, 18/02/2022
Đánh thuế để triệt tiêu ý chí "đầu cơ" bất động sản
02:30, 07/02/2022