Bít “lỗ hổng” trong đấu thầu
Nhằm tăng tính minh bạch trong đấu thầu, việc đặt ra các giải pháp hiệu quả là điều cần chú trọng và triển khai thực hiện.
>>Sửa Luật Đấu thầu: Cần tăng cường tính công khai, minh bạch
Trong nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển, vấn đề mua bán, kinh doanh dựa vào tính chất cạnh tranh công bằng, minh bạch luôn được chú trọng. Để đáp ứng được những tiêu chí đó, “Đấu thầu” là một trong những hình thức được ưu tiên lựa chọn.
Theo đó, các nguyên tắc cốt lõi trong đấu thầu cần có như: Nguyên tắc hiệu quả về tài chính, thời gian; Nguyên tắc cạnh tranh tạo điều kiện cho các nhà thầu cạnh tranh với nhau ở phạm vi rộng nhất có thể; Nguyên tắc công bằng nhằm đảm bảo đối xử như nhau đối với các nhà thầu tham gia dự thầu và Nguyên tắc minh bạch trong quá trình thực hiện đấu thầu là nguyên tắc quan trọng nhất nhưng khó thực hiện và khó kiểm tra nhất.
Nhận diện một số bất cập
Đầu tiên phải kể đến là tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu còn mang tính chủ quan, chưa đưa ra được các tiêu chuẩn và phương pháp phù hợp để đánh giá năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu dự thầu, thiếu các hướng dẫn cụ thể trong việc xác định giá, đánh giá của hồ sơ dự thầu.
Tiếp đó là công tác chuẩn bị hồ sơ mời thầu và tiêu chuẩn đánh giá không tốt hoặc việc phê duyệt còn đơn giản. Thực tế, hồ sơ mời thầu được chuẩn bị một cách chung chung, mập mờ gây khó hiểu cho nhà thầu cũng như cho việc đánh giá. Đây là những nguyên nhân cơ bản làm cho quy trình đánh giá hồ sơ kéo dài, thiếu cơ sở tin cậy để quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu, gây ra những thắc mắc khiếu nại.
Bất cập nữa là đa phần nhà thầu hoàn toàn bị động trong việc tiếp nhận thông tin gói thầu, không đảm bảo thông tin còn mới mẻ. Bởi lẽ đó, thực trạng nhà thầu thông đồng với chủ đầu tư hoặc đơn vị tư vấn để có thông tin mời thầu trước là điều bất cập khó tránh khỏi.
>>Nhận diện sai phạm trong đấu thầu
Đặc biệt, sai phạm của cơ quan quản lý thông đồng với đơn vị thẩm định giá. Đơn cử, gần đây vụ vi phạm trong việc sản xuất, kinh doanh Bộ trang thiết bị y tế chẩn đoán In Vitro xét nghiệm virus SARS-CoV-2 (gọi tắt là Kit xét nghiệm Covid-19) xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á.
Làm sao bít “lỗ hổng”?
Quy định pháp luật có chặt chẽ đến đâu thì không tránh khỏi những kẽ hở cũng như bất cập phát sinh trong thực tế. Nhằm tăng tính minh bạch trong đấu thầu, việc đặt ra các giải pháp hiệu quả là điều cần chú trọng và triển khai thực hiện.
Thứ nhất, hệ thống pháp luật quy định cần chặt chẽ, đầy đủ đối với hoạt động đấu thầu. Luật Đấu thầu cần có những sửa đổi, bổ sung các điều khoản chú trọng nhu cầu cạnh tranh, công bằng, minh bạch cao hơn nữa trong hoạt động đấu thầu.
Ví dụ như: Cần sửa đổi các quy định về tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu theo hướng chủ đầu tư xem xét mức độ đáp ứng về kinh nghiệm, năng lực của nhà thầu so với công việc yêu cầu; Cần có văn bản hướng dẫn cụ thể để xây dựng các tiêu chuẩn và phương pháp đánh giá cụ thể hồ sơ dự thầu, tránh việc đánh giá mang nặng tính chủ quan của bên mời thầu; Cần sửa đổi Luật Đấu thầu theo hướng nâng cao công khai, minh bạch trong hoạt động đấu thầu mua sắm công thông qua tăng cường sử dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, công khai kết quả lựa chọn nhà thầu và hợp đồng, kết hợp sử dụng tối đa và tối ưu đấu thầu qua mạng trong các hoạt động tổ chức, quản lý đấu thầu.
Thứ hai, các Bộ, ngành, địa phương cần tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi việc thực hiện quá trình lựa chọn nhà đầu tư để kịp thời phát hiện những vi phạm, xử lý theo đúng quy định, chấn chỉnh hoạt động lựa chọn nhà đầu tư trong lĩnh vực, ngành, địa bàn mình quản lý; đồng thời, tổng hợp các bất cập trong công tác này để phản ánh tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tổng hợp trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng ở địa phương cần chú trọng tới chất lượng giải quyết các vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp tham gia Đấu thầu thông qua thiết lập các cơ chế giải quyết kiến nghị.
Thứ ba, cần áp dụng và phổ biến rộng rãi công nghệ thông tin trong công tác đấu thầu nói riêng và quản lý đầu tư công nói chung. Qua đó, cơ chế giám sát và đánh giá đầu tư công sẽ được tinh gọn, hữu hiệu; giúp đơn giản hóa thủ tục giám sát, đánh giá đầu tư công khai, minh bạch; giảm thiểu thất thoát, lãng phí.
Cuối cùng, bên mời thầu cần mời các chuyên gia có kinh nghiệm và trình độ để xây dựng hồ sơ mời thầu đáp ứng được các tiêu chí đặt ra, và khi tuyển chọn tư vấn thực hiện công tác đấu thầu cần thông qua đấu thầu cạnh tranh để lựa chọn được đơn vị tư vấn đủ năng lực, kinh nghiệm và có đạo đức.
Có thể bạn quan tâm
Còn nhiều “điểm đen” trong đấu thầu
03:30, 16/12/2022
Cần đối thoại với doanh nghiệp xây dựng về đấu thầu
03:20, 14/12/2022
Tây Nguyên vẫn còn nhiều "sạn" trong đấu thầu
03:20, 13/12/2022
Phát triển năng lượng tái tạo thông qua đấu thầu: Kinh nghiệm quốc tế
03:30, 19/11/2022
Chống “cài cắm” tiêu chí trong đấu thầu
11:45, 15/11/2022
Cần chương riêng về đấu thầu thuốc
10:26, 15/11/2022
Sửa Luật Đấu thầu: Cần tăng cường tính công khai, minh bạch
04:00, 15/11/2022