Quy định phòng cháy chữa cháy đang làm “khó” doanh nghiệp
Hàng trăm doanh nghiệp bị đình chỉ hoạt động sau quá trình kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy, nhiều ý kiến cho rằng, những quy định mới đang làm khó doanh nghiệp…
>>PCCC tại các chợ: Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”
Tại tỉnh Nghệ An, Cơ quan chức năng đã quyết định tạm đình chỉ hoạt động đối với 108 doanh nghiệp, đình chỉ hoạt động đối với 5 doanh nghiệp tại các cụm công nghiệp. Các doanh nghiệp cho biết, nguyên nhân khiến hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC) của họ bị tuýt còi là bởi các doanh nghiệp đã đầu tư hạ tầng từ khá sớm, khi những quy định về PCCC như hiện nay chưa ra đời, nên chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy định mới.
Cũng theo các doanh nghiệp, để đạt đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành, đảm bảo đủ điều kiện nghiệm thu thì gần như phải đầu tư lại từ đầu, từ hệ thống nhà xưởng, đến các công trình phục vụ công tác PCCC. Theo đó, mỗi doanh nghiệp tại cụm công nghiệp phải đầu tư, xây mới 1 bể chứa nước 500 m3 và hệ thống máy bơm chữa cháy tự động theo quy định, với chi phí tương đương 1 tỷ đồng, chưa kể các khu nhà xưởng phải đảm bảo cách nhau 18m trong khi diện tích có hạn, các nhà xưởng đã cố định từ trước... Đây là vấn đề rất khó thực hiện, khó khả thi với nhiều doanh nghiệp trong các cụm công nghiệp hiện nay.
Trong hoàn cảnh tương tự, tại tỉnh Thanh Hóa, hơn 100 doanh nghiệp tại khu công nghiệp Tây Bắc Ga đã có đơn gửi Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa để kiến nghị với UBND tỉnh Thanh Hóa xin “nhẹ tay” sau khi bị kiểm tra, xử lý về công tác PCCC. Cụ thể, ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho biết, rất nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản sau khi bị kiểm tra về công tác phòng cháy chữa cháy, do hệ thống PCCC đầu tư chưa đồng bộ.
“Trong 72 doanh nghiệp vừa rồi bị kiểm tra về công tác PCCC có gần 40 doanh nghiệp phải đóng cửa vì không đảm bảo quy định”, ông Đoan cho biết.
Được biết, nguyên nhân dẫn tới nhiều doanh nghiệp chưa hoàn thành hệ thống PCCC là do chưa có hệ thống đường dẫn nước riêng để các doanh nghiệp đấu nối đường dẫn nước.
“Doanh nghiệp ý thức được quy định về PCCC, và doanh nghiệp có sai. Nhưng khi làm hạ tầng, trước đây chưa chú trọng đường dẫn nước riêng cho PCCC, nên khu công nghiệp Tây Bắc Ga thiếu đường dẫn nước riêng. Bây giờ mà bắt doanh nghiệp làm bể chứa, làm xong rồi không có đường đấu nối thì rất khó cho doanh nghiệp, không có đường đấu nối. Nếu mà đóng cửa, nếu phạt theo quy định các doanh nghiệp ở khu Tây Bắc Ga như thế thì doanh nghiệp rất khó khăn, mất công ăn việc làm, đẩy doanh nghiệp đến bờ vực phá sản”, ông Đoan cho hay.
Tại tỉnh Đồng Nai, trả lời trên Báo tuổi trẻ, Thượng tá Nguyễn Văn Hải - trưởng Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn Công an tỉnh Đồng Nai – cho biết, trước và sau Tết âm lịch, lực lượng phòng cháy chữa cháy đi kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thì phát hiện nhiều hồ sơ phòng cháy chữa cháy của doanh nghiệp chưa chuẩn. Vì vậy, lực lượng phòng cháy chữa cháy đã tạm đình chỉ trên 100 doanh nghiệp ở ngoài khu công nghiệp không đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy.
Đáng chú ý nhiều ý kiến cho biết có một bất cập đang diễn ra, đó là doanh nghiệp tốn nhiều chi phí để thực hiện quy định phòng cháy chữa cháy nhưng "phòng cháy chữa cháy đều dựa trên các quy định của Bộ Xây dựng để thẩm định".
Là một đơn vị đang hoạt động trên địa bản tỉnh Đồng Nai, đại diện Tổng công ty Sonadezi (kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp) cho biết, một số công ty thành viên đang làm nhà xưởng cho thuê đều làm các kết cấu chịu lực và bảo vệ bằng sơn chống cháy. Trước khi nghị định số 136/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ được ban hành (quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy chữa cháy), các nhà xưởng đã được thẩm định thiết kế, xây dựng và nghiệm thu phòng cháy chữa cháy theo đúng hồ sơ đã được thẩm duyệt. Tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện nghiệm thu phòng cháy chữa cháy theo nghị định số 136/NĐ-CP gặp một số bất cập.
Cụ thể, Sonadezi cho biết nghị định số 136/NĐ-CP quy định danh mục phương tiện phòng cháy chữa cháy và danh mục phương tiện phòng cháy chữa cháy thuộc diện kiểm định không bao gồm các công trình xây dựng như nhà xưởng, trụ sở cơ quan, chung cư... Trong khi đó, Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn lại căn cứ phụ lục 7 của nghị định số 136/NĐ-CP để hướng dẫn kiểm định cả kết cấu, cấu kiện ngăn cháy dẫn đến việc phải kiểm định các kết cấu của công trình nhà xưởng khi nghiệm thu phòng cháy chữa cháy.
Tương tự, nhiều doanh nghiệp khác cho hay tại thời điểm chưa ban hành nghị định số 136/NĐ-CP của Chính phủ, các nhà xưởng đã được thẩm định thiết kế, xây dựng và nghiệm thu phòng cháy chữa cháy theo hồ sơ đã được cơ quan chức năng thẩm duyệt theo quy định của nghị định 79/2014/NĐ-CP. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp đã tiến hành xây dựng các nhà xưởng với kết cấu được bảo vệ bằng sơn chống cháy. Tuy nhiên, sau khi xây dựng xong, nghị định 136/NĐ-CP được ban hành, nhiều nhà xưởng lại không được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy.
"Cụ thể, cùng sử dụng các loại sơn chống cháy nhưng các công trình thực hiện trước thời điểm nghị định số 136/NĐ-CP ban hành vẫn nghiệm thu được, công trình nghiệm thu sau thời điểm nghị định này thì lại không được", một doanh nghiệp dẫn chứng.
Có thể bạn quan tâm
PCCC tại các chợ: Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”
21:32, 15/11/2021
Tăng nặng mức phạt chủ đầu tư cố tình vi phạm PCCC
02:00, 17/05/2021
Công tác vận hành, bảo trì hệ thống PCCC chung cư còn mang tính hình thức
05:00, 18/12/2021
3 chiến sỹ PCCC hy sinh: Lòng dũng cảm còn cháy mãi…
10:28, 03/08/2022