Mới đây, UBND TP Hà Nội đã có văn bản yêu cầu Công an TP làm rõ, xử lý nghiêm các sai phạm trong đầu tư xây dựng, quản lý vận hành chung cư, nhà cao tầng, đặc biệt là vi phạm an toàn PCCC.
Theo văn bản của UBND TP Hà Nội, hiện trên địa bàn còn nhiều tồn tại, vi phạm về PCCC phổ biến như việc đưa nhà, công trình vào hoạt động khi chưa được nghiệm thu về PCCC.
Đơn cử như các dự án chung cư CT1 Usilk City tại La Khê (Hà Đông) do Công ty CP Sông Đà Thăng Long làm chủ đầu tư; tòa nhà SME Hoàng Gia tại phường Quang Trung (Hà Đông) do Công ty CP tập đoàn BĐS Hoàng Gia làm chủ đầu tư; tòa nhà hỗn hợp Tháp Doanh Nhân tại Phường Mộ Lao (Hà Đông) do Công ty CP xuất nhập khẩu Tây Đô làm chủ đầu tư; chung cư cao tầng và dịch vụ Phương Đông (Mỹ Sơn Tower), số 62 Nguyễn Huy Tưởng phường Thanh Xuân Trung (Thanh Xuân) do Công ty CP đầu tư và xuất nhập khẩu Mỹ Sơn làm chủ đầu tư....
UBND TP Hà Nội cũng cho biết, bên cạnh đó còn có các vi phạm như việc không đảm bảo giao thông phục vụ chữa cháy; không đủ số lượng lối ra thoát nạn và không duy trì được các điều kiện an toàn về PCCC của lối ra thoát nạn; chưa trang bị đầy đủ hệ thống, phương tiện PCCC, không thực hiện việc kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ...
Không những vậy, một bộ phận chủ đầu tư, người đứng đầu cơ sở chưa thực hiện nghiêm trách nhiệm người đứng đầu trong công tác PCCC theo quy định của pháp luật; ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC của không ít bộ phận cư dân còn hạn chế.
Để khắc phục các tồn tại trên, UBND TP Hà Nội giao Công an TP xây dựng, trình UBND TP ban hành kế hoạch khắc phục tồn tại vi phạm quy định về PCCC trong đầu tư xây dựng đối với các dự án, công trình xây dựng trên địa bàn, trong đó có công trình cao tầng, chung cư cao tầng đưa vào hoạt động khi chưa được nghiệm thu về PCCC.
Đặc biệt, UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, xem xét truy tố trách nhiệm hình sự đối với các chủ đầu tư, người đứng đầu cơ quan, tổ chức cố tình vi phạm các quy định về PCCC, chây ỳ không khắc phục các tồn tại, vi phạm vi phạm về PCCC theo quy định.
Đồng thời, xem xét truy tố trách nhiệm hình sự đối với các chủ đầu tư, người đứng đầu cơ quan, tổ chức cố tình vi phạm các quy định về PCCC, chây ỳ không khắc phục các tồn tại, vi phạm vi phạm về PCCC.
Trên thực tế, tình trạng vi phạm về phòng cháy chữa cháy tại các chung cư ở Hà Nội những năm gần đây luôn ở tình trạng đáng báo động, tình trạng nhiều dự án chung cư chưa nghiệm thu phòng cháy chữa cháy nhưng đã cho người mua vào ở. Việc làm này tiềm ẩn nhiều nguy cơ với người ở chung cư, tuy nhiên khung pháp lý xử phạt được cho là vẫn chưa đủ mang tính răn đe.
Báo cáo hồi cuối năm 2020 của TP Hà Nội cho thấy Hà Nội phát hiện và xử lý 79 công trình vi phạm quy định về PCCC, đã đăng thông báo từ năm 2017. Tuy nhiên, đến nay chỉ mới có 59 công trình khắc phục, 1 công trình ngừng thi công, 19 công trình vẫn còn tồn tại vi phạm.
Thậm chí với trường hợp chung cư Cảnh sát 113 đến nay đã bị phạt tới 7 lần nhưng chủ đầu tư vẫn cố tình phớt lờ yêu cầu tạm đình chỉ.
Theo các chuyên gia bất động sản, nghiệm thu phòng cháy chữa cháy là bước cuối cùng để chủ đầu tư có thể được phép bàn giao căn hộ cho người dân vào ở. Tuy nhiên, dường như các chủ đầu tư đang cố tình "lách luật" để bàn giao, vận hành chung cư, thu đủ 95% giá trị căn hộ và tiền quỹ bảo trì chung cư.
Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch TAT Law firm cho biết, hiện nay mức phạt với chủ đầu tư khi họ vi phạm về phòng cháy chữa cháy và lắp đặt, kiểm định phòng cháy chữa cháy hiện nay "chưa đủ thấm" so với lợi nhuận doanh nghiệp bất động sản. Vì vậy tính răn đe vẫn còn đang hạn chế.
Theo Luật sư Trương Anh Tú, cơ chế pháp luật về an toàn phòng cháy chữa cháy tại chung cư đã có đủ về trách nhiệm giám sát, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước. Nhưng công tác kiểm tra của các các cơ quan quản lý nhà nước trước khi cho phép doanh nghiệp giao nhà cho người dân ở một số nơi vẫn còn dễ dãi.
“Việc chưa xong đã đưa dân vào ở không phải là trách nhiệm khẩn trương nhanh gọn, mà mục đích của chủ đầu tư là thu tiền, sớm thu lợi nhuận. Trong khi đó rủi ro hoàn toàn thuộc về cư dân. Đây là "lỗ hổng" phải ngăn chặn sớm trước khi có những chế tài xử phạt" – Luật sư Trương Anh Tú cho biết.
Đồng quan điểm, Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng cần sớm sửa đổi, bổ sung các quy định tăng nặng mức xử phạt, các chế tài, biện pháp khắc phục đối với hành vi vi phạm pháp luật trong công tác PCCC để tăng cường tính răn đe, phòng ngừa đối với các chủ đầu tư cố tình “phớt lờ” các quy định về PCCC.
Có thể bạn quan tâm
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch hạ tầng phòng cháy, chữa cháy
18:03, 30/12/2020
Tăng nặng mức xử phạt chung cư vi phạm phòng cháy chữa cháy
18:40, 19/08/2020
VCCI đề nghị đơn giản hóa thủ tục phòng cháy chữa cháy
04:20, 09/07/2020
Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy đối với UBND TP Hà Nội
15:00, 03/03/2020