Những “khoảng tối” trong đấu thầu tại Vĩnh Phúc: Năng lực “bất thường”!
Mặc dù Công ty Ninh Bình liên tiếp trúng các gói thầu lớn tại tỉnh Vĩnh Phúc, với khoản thu hàng trăm tỷ mỗi năm. Tuy nhiên, xét năng lực tài chính của công ty này... lại hết sức bất ngờ.
Như DĐDN đã thông tin, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có một nhà thầu khá "thân quen”, thường xuyên có mặt tại các gói thầu xây lắp giá trị từ vài tỷ cho đến cả trăm tỷ đồng. Chưa rõ năng lực chuyên môn của các nhà thầu này đến đâu, nhưng năng lực tài chính và năng lực "trúng thầu" lại vô cùng đặc biệt.
“Dồn dập” trúng thầu
Theo đó, tại huyện Tam Đảo, những điểm "bất thường" như năng lực trúng tất cả các gói thầu tham gia, cùng tỷ lệ tiết kiệm "siêu thấp" được Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Ninh Bình (Công ty Ninh Bình) được cho là thể hiện rõ nhất. Ước tính công ty này đã trúng thầu ít nhất 200 tỷ đồng tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Tam Đảo, hầu hết trong vai trò độc lập.
Mới đây, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Tam Đảo vừa trao hợp đồng cho nhà thầu duy nhất tham dự và trúng Gói thầu Thi công xây dựng thuộc Dự án Trường THCS Đại Đình. Gói thầu này do Liên danh Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Ninh Bình - Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Thiên Cầm trúng thầu với giá 55,627 (tiết kiệm 0,03%).
Hay như "gói thầu xây lắp công trình đường nối cầu Đồng Dầu, qua suối Đùm, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương với đường Hợp Châu - Đồng Tĩnh đến khu danh thắng Tây Thiên, xã Đại Đình, huyện Tam Đảo".
Theo Điểm c, Khoản 4, Điều 89 Luật Đấu thầu quy định một trong các hành vi gian lận trong lựa chọn nhà thầu là nhà thầu cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong hồ sơ dự thầu làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu.
Chủ tịch UBND huyện Tam Đảo, ông Đinh Văn Mười đã ký ban hành Quyết định số 410/QĐ-UBND ngày 11/6/2021 về việc phê duyệt Công ty Ninh Bình là nhà thầu thực hiện với giá trúng hơn 41 tỷ đồng, thấp hơn 50 triệu đồng so với giá gói thầu, tức tỷ lệ giảm giá đạt 0,1%.
Tương tự, "gói thầu xây lắp và thiết bị công trình khu dịch vụ, khu đất tái định cư gắn với bãi đỗ xe phục vụ giải phóng mặt bằng khu trung tâm văn hóa lễ hội Tây Thiên", do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Tam Đảo mời thầu cũng lựa chọn Công ty Ninh Bình là đơn vị trúng thầu với giá trị 64 tỷ đồng, tiết kiệm 0,45% cho ngân sách nhà nước.
Theo tìm hiểu, thị phần chính cũng như "đại bản doanh" của nhà thầu này nằm trọn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Nhà thầu này bắt đầu đẩy mạnh hoạt động tham gia đấu thầu từ năm 2016. Thời điểm khi đó (tháng 9/2016), hai cá nhân sở hữu Công ty Ninh Bình là ông Nguyễn Trung Thành (SN 1983) và ông Tạ Quang Sơn (1987) đã cùng rót một khoản tiền không nhỏ để nâng vốn điều lệ doanh nghiệp từ 15 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng. Đến nay, ông Thành vẫn nắm giữ 90% vốn, tương đương 180 tỷ đồng, cổ phần còn lại thuộc sở hữu của ông Sơn.
Trước thời điểm tăng vốn ít ngày, Công ty Ninh Bình đã được Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng TP. Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) lựa chọn là nhà thầu thực hiện "gói thầu xây lắp công trình thuộc dự án xây dựng hệ thống thoát nước xử lý ngập úng khu vực trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc, phường Liên Bảo, TP. Vĩnh Yên". Theo Quyết định số 2831 ngày 14/9/2016, Công ty Ninh Bình trúng thầu với giá 30,4 tỷ đồng - là gói thầu có giá trị lớn nhất trong năm 2016 của nhà thầu này.
Đáng chú ý, một nhà thầu (xin giấu tên) cho biết, tính đến nay, Công ty Ninh Bình chưa trượt bất kì gói thầu nào do chủ đầu tư này tổ chức mời thầu.
Nghi ngờ về năng lực tài chính
Quay trở lại với Công ty Ninh Bình, cho dù “dồn dập” trúng các gói thầu lớn, đem về một khoản thu cả trăm tỷ mỗi năm. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh không vì đó mà sáng sủa.
Theo thông tin một số cơ quan báo chí đã đăng tải cho thấy, trong giai đoạn 2016-2020, doanh thu hàng năm của nhà thầu này liên tục gia tăng và luôn duy trì trên ngưỡng 100 tỷ đồng. Cụ thể, doanh thu thuần đạt lần lượt 108 tỷ đồng, 154 tỷ đồng, 180 tỷ đồng, 176 tỷ đồng và 177 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ở chiều hướng ngược lại, Công ty Ninh Bình vẫn duy trì khoản lợi nhuận cực kì “nhỏ giọt” bất luận nguồn thu có tăng trưởng đến đâu. Cụ thể, giai đoạn 2016-2020, lợi nhuận sau thuế lần lượt ở mức 14 triệu đồng, 412 triệu đồng, 397,5 triệu đồng, 662 triệu đồng và 1,8 tỷ đồng.
Nguồn vốn của Công ty Ninh Bình tính đến cuối năm 2020 là hơn 602 tỷ đồng. Trong đó, nợ phải trả chiếm đến 400,7 tỷ đồng, cao gấp 2 lần vốn chủ sở hữu và cho thấy xu hướng phình to qua các năm.
Trao đổi với DĐDN, luật sư, chuyên gia đấu thầu Nguyễn Thành Luân – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Việt cho rằng, những số liệu này cho thấy, việc dư luận nghi ngờ về năng lực tài chính, cũng như những bất thường tại các gói thầu mà Công ty Ninh Bình từng tham gia là hoàn toàn có cơ sở.
Theo tính toán, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu trung bình giai đoạn (2016-2020) của nhà thầu này là khoảng 0,1%, tức thu về 1.000 đồng mới có lãi 1 đồng. Mặt khác so với vốn điều lệ 200 tỷ đồng, bình quân ông chủ của nhà thầu này chỉ thu về lợi nhuận ứng với lãi suất 0,3% mỗi năm, kém nhiều lần nếu gửi tiết kiệm ngân hàng.
“Cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ năng lực của nhà thầu này, đối chiếu báo cáo thuế, báo cáo tài chính trong hồ sơ dự thầu có lẽ sẽ có vấn đề”, luật sư Luân nêu nghi vấn.
Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin!
Có thể bạn quan tâm
Những “khoảng tối” trong đấu thầu tại Vĩnh Phúc: “Điệp khúc” trúng sát giá
11:00, 19/08/2021
Những “khoảng tối” trong đấu thầu: Cần xử nghiêm hành vi gian lận
03:50, 08/08/2021
Những “khoảng tối” trong đấu thầu: Khi tiêu chí… bị “biến tướng”
11:00, 07/08/2021
Những “khoảng tối” trong đấu thầu: Ba “kịch bản” cài thầu
17:00, 21/07/2021
“Khoảng tối” trong đấu thầu ở Gia Lai: “Điệp khúc” bảo lưu... tiêu chí mời thầu
11:00, 07/07/2021
Những “khoảng tối” trong đấu thầu: Vì sao tỉnh Bắc Kạn không xử lý nhà thầu gian dối?
04:00, 29/06/2021