Những “khoảng tối” trong đấu thầu: Khi tiêu chí… bị “biến tướng”

Diendandoanhnghiep.vn Theo các chuyên gia, việc yêu cầu về nguồn lực tài chính của nhà thầu trong đấu thầu hiện nay dễ nảy sinh những bức xúc, kiến nghị,...

p/Hiện nay, một số chủ đầu tư xây dựng nội dung đánh giá nguồn lực tài chính của nhà thầu bằng những cách thức hết sức “oái oăm”. Ảnh minh họa

Hiện nay, một số chủ đầu tư xây dựng nội dung đánh giá nguồn lực tài chính của nhà thầu bằng những cách thức hết sức “oái oăm”. Ảnh minh họa

Cụ thể, theo quy định, các yêu cầu về nguồn lực tài chính cho gói thầu nằm trong số các tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu. Theo đó, cho phép nhà thầu được chứng minh nguồn lực này bằng nhiều phương thức. Tuy nhiên, trên thực tế, việc vận dụng quy định này của các chủ đầu tư lại có nhiều bất cập, khiến một số nhà thầu bức xúc, và từ đây phát sinh kiến nghị…

Những yêu cầu “oái oăm”

Minh chứng như tại Gói thầu số SFD-XL02 Xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông liên vùng hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các huyện nghèo tỉnh Yên Bái (đoạn tuyến Khánh Hòa - Văn Yên) đang trong thời gian mời thầu rộng rãi.

Điều 12 Nghị định 63/2014/NĐ-CP nêu rõ: “Năng lực tài chính: Tổng tài sản, tổng nợ phải trả, tài sản ngắn hạn, nợ ngắn hạn, doanh thu, lợi nhuận, giá trị hợp đồng đang thực hiện dở dang và các chỉ tiêu cần thiết khác để đánh giá về năng lực tài chính của nhà thầu”. 

Theo đó, tại Gói thầu này, hồ sơ mời thầu yêu cầu nhà thầu phải cung cấp văn bản xác nhận của tổ chức tín dụng/ngân hàng hoạt động hợp pháp tại Việt Nam mà nhà thầu mở tài khoản, với số dư tiền gửi tối thiểu bằng 6,15 tỷ đồng và cam kết phong tỏa số tiền này để thực hiện gói thầu đang xét (không xác nhận chung cho gói thầu khác).

Tương tự, tại Gói thầu Hệ thống giao thông tuyến T8A - T9A, tuyến T15A - T16A, tuyến T18A - T19A thuộc Dự án Hạ tầng Khu công nghiệp Sông Công II, tỉnh Thái Nguyên, hồ sơ mời thầu quy định nhà thầu phải có xác nhận của ngân hàng uy tín tại Việt Nam với số dư tiền gửi là 13,74 tỷ đồng, kèm theo văn bản về việc phong tỏa số tiền trên đến khi có văn bản yêu cầu hủy phong tỏa của Bên mời thầu.

Một nhà thầu (xin giấu tên) bức xúc cho rằng, đây là tiêu chí hạn chế sự tham gia của rất nhiều nhà thầu. Theo nhà thầu này, việc xác nhận số dư tiền gửi tối thiểu bằng 6,15 tỷ đồng hay 13,74 tỷ đồng không phải khó. Nhưng điều đáng nói là việc yêu cầu nhà thầu phải cam kết phong tỏa số tiền này để thực hiện gói thầu đang xét (không xác nhận chung cho gói thầu khác) cho đến khi có văn bản đề nghị hủy phong tỏa tài khoản của bên mời thầu.

“Trong khi đó, vốn lưu động của doanh nghiệp là để đảm bảo sản xuất, kinh doanh và sẵn sàng quay vòng phục vụ thi công. Nếu chỉ vì xét thầu mà để “tiền chết” thì ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhà thầu”, đại diện nhà thầu này phân tích.

Chuyên gia nói gì?

Trao đổi với DĐDN, luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN, cũng là một chuyên gia về đấu thầu cho rằng, nhà thầu có thể chứng minh nguồn lực tài chính bảo đảm cho việc thực hiện gói thầu bằng các tài sản có khả năng thanh khoản cao khác, hoặc các cam kết tín dụng. Mặt khác, bên cạnh việc chứng minh nguồn lực tài chính, nhà thầu còn phải đáp ứng các yêu cầu về bảo lãnh dự thầu. Trường hợp để được cấp bảo lãnh dự thầu hoặc cam kết tín dụng, ngân hàng đã xét đến uy tín và khả năng thanh toán của nhà thầu. Do đó, việc bắt buộc cam kết phong tỏa số tiền gửi như trên có dấu hiệu gây khó cho các nhà thầu tham dự.

Cũng theo một số nhà thầu, liên quan tới tiêu chí về nguồn lực tài chính cho gói thầu có một “biến tướng” khác là việc hồ sơ mời thầu yêu cầu nhà thầu cung cấp các cam kết tín dụng không điều kiện.

Điển hình như Gói thầu Thi công xây lắp + thiết bị khối nhà A Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM) mới được mở thầu và Gói thầu Thi công xây dựng thuộc Dự án Tuyến đường ven sông Bắc Hưng Hải (đoạn qua thôn Cậy, xã Long Xuyên, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) đã công bố kết quả trong thời gian gần đây.

Theo đó, tại những gói thầu này, hồ sơ mời thầu yêu cầu nhà thầu phải cung cấp cam kết tín dụng vô điều kiện phát hành bởi tổ chức tín dụng hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, để bảo đảm nguồn lực tài chính thực hiện gói thầu.

Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Trọng Hiệp, việc hồ sơ mời thầu yêu cầu cam kết tín dụng không điều kiện là không phù hợp với thực tế. Bởi, nội dung cam kết tín dụng được điều chỉnh theo quy định của pháp luật về tín dụng, trong đó có sự ràng buộc và điều kiện giữa ngân hàng và nhà thầu.

Theo đó, tại các mẫu hồ sơ mời thầu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành quy định, để đáp ứng yêu cầu về nguồn lực tài chính cho gói thầu, nhà thầu có thể chứng minh bằng: các tài sản có khả năng thanh khoản cao hoặc có khả năng tiếp cận với tài sản có khả năng thanh khoản cao sẵn có, các khoản tín dụng (cam kết tín dụng của tổ chức tín dụng hoạt động hợp pháp tại Việt Nam đối với gói thầu này) hoặc các nguồn tài chính khác.

Trên thực tế, tại mỗi hồ sơ mời thầu, chủ đầu tư lại vận dụng theo một cách khác nhau trong việc xây dựng nội dung đánh giá này.

“Khi thì chỉ cho phép nhà thầu được chứng minh bằng một phương thức nhất định; khi thì lại thêm hoặc bớt các quy định tại hồ sơ mời thầu, từ đó phát sinh nhiều tiêu cực và kiến nghị của nhà thầu” - Giám đốc Công ty Luật HPVN chia sẻ.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Những “khoảng tối” trong đấu thầu: Khi tiêu chí… bị “biến tướng” tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711616214 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711616214 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10